Thứ Tư, 31 tháng 7, 2013

Bài gửi in Sách của Bạn Trinh Huy Châu- Kyvinhhung

BBB. Cụ Huy Châu gặp tôi, cho biết thời gian qua Cụ bận nhiều việc không thể dừng. Vì vậy không còn thời gian để viết Blog nên vắng ở sân đình Làng và cả ở "nhà  riêng" (Blog Kyvinhhung).
Tuy vậy Cụ vẫn đang tích cực để có bài đạt chất lượng gửi in SÁCH theo yêu cầu của BBT.
 Ai cũng biết Cụ Kyvi trong Làng Cu Lờ là "cây viết có nghề", có nhiều bài viết hay được cả Làng tán thưởng.
Thế mà bài này Cụ bảo là đã sửa đến vài lần mà vẫn có chỗ còn chưa ưng lắm. Cụ đưa tôi bài viết đã được in ra giấy (Cụ đã sửa lần cuối) bảo "xem hộ", rồi... "tung lên mang" để BBT cho ý kiến. Tôi hoàn thành việc cụ Kyvi giao (chỉnh sửa chút xíu) và mượn  Blog của mình để giới thiệu bài "Đằm thắm một tình bạn..." của cụ với Làng.
Một bài viết tôi đọc thấy hay nên đề nghị BBT chọn đưa vào SÁCH K5.


                            Đằm thắm một tình bạn…

                                                        Trịnh huy châu

 
 Hồi ở trường Quế Lâm, tôi và Xuân Thiên cùng học lớp 5A, thân nhau không biết từ khi nào; chỉ biết rằng chúng tôi đã giữ mãi tình bạn thân thiết và sâu lắng ấy cho đến tận ngày Xuân Thiên ra đi về cõi vĩnh hằng. Ngay cả lúc này, bao nhiêu năm đã trôi qua, trong ký ức của tôi, Xuân Thiên vẫn thường hiện về với hình ảnh một con người cương nghị, giản dị, ít nói nhưng giàu tình cảm, thủy chung, nụ cười hiền với chiếc răng khểnh rất đáng yêu.
Còn nhớ lần đi trại hè sông Ly hồi ấy, chúng tôi rất say đá bóng. Tôi thường bắt gôn, còn Xuân Thiên tiền đạo, một lần tôi nhào ra cản một đường bóng, bị ngã đau, bạn ấy đã chăm sóc tôi rất tận tình khiến tôi nhớ mãi .

Hồi 1955, chúng tôi chụp ảnh 3 người trong nhóm tâm giao, gồm : Huy Châu , Xuân Hoài và Xuân Thiên. Trong quyển Anbum gia đình, bức ảnh ấy luôn nằm ở vị trí trang trọng, và kỳ diệu thay, 60 năm rồi, nước ảnh vẫn mới như vừa chụp ngày hôm qua.
Trong thời gian học tập ở trường chúng tôi đều viết nhật ký tu dưỡng. Mỗi dịp chia tay nhau như khi chuyển từ Quế Lâm về Khu học xá Nam Ninh, hoặc về nước chúng tôi viết lưu niệm cho nhau. Tôi vẫn nhớ trong sổ lưu niệm chữ Xuân Thiên đẹp, cứng cáp, đều đặn với câu mở đầu rất ấn tượng :
… “Luồng gió vẫn thổi mạnh” …, ý nói phong trào cách mạng chống đế quốc trên thế giới vẫn đang phát triển sôi nổi khắp nơi v.v. Sau này, khi đã trưởng thành, thỉnh thoảng tôi đem chuyện ấy ra trêu đùa nhưng Xuân Thiên không giận bao giờ, chỉ cười trừ, coi như một kỷ niệm vui của một thời ngây thơ, cả tin .
Về nước, tôi học Trường Chu văn An, Nguyễn Gia Thiều, còn Xuân Thiên về Vinh, học trường Huỳnh Thúc Kháng . Một điều trớ trêu là sau khi hết cấp 3, tôi xuôi vào Vinh học ĐH Sư phạm Văn Sử, còn Xuân Thiên thì ngược ra Hà Nội học tiếng Nga rồi đi Liên Xô như nhiều bạn khác. Tuy nhiên, sự xa cách ấy không làm tình bạn của chúng tôi phai nhạt, thậm chí còn sâu sắc hơn . Trước ngày Xuân Thiên lên đường, chúng tôi hẹn gặp nhau tại nhà cô gái Hà Nội cùng lớp, dịu hiền, xinh xắn, …. và chính tại nơi đó đã diễn ra cuộc trò chuyện kỳ lạ mà cho tới nay tôi vẫn còn nhớ mãi, song chưa từng kể với ai. Xuân Thiên buồn vì tình yêu đầu đời không thành, và dường như linh cảm điều gì, bạn đã khuyên tôi hãy thay bạn yêu cô gái ấy với ước mong rằng “bộ ba” chúng tôi sẽ thân nhau suốt đời, sẽ luôn đem lại niềm vui, hạnh phúc cho nhau trong bất kỳ hoàn cảnh nào…. Tôi đã khuyên bạn hãy kiên trì, hãy tiếp tục thuyết phục mọi người và giữ lấy tình yêu đẹp v.v. Nhưng cuối cùng cả hai chúng tôi đều không thực hiện được ước nguyện của mình, đành chôn kín trong lòng những xao động, bâng khuâng ban đầu của một thời trai trẻ khó quên.

Rồi tôi tốt nghiệp Đại Học và đi dạy tại Hải Phòng. Đến tháng 2/1964, trong đợt tuyển quân dường như để chuẩn bị cho chiến tranh, tôi vô tư xin nhập ngũ để “rèn luyện và cống hiến”, mặc dù thời điểm đó người ta chưa yêu cầu giáo viên cấp 3 đi bộ đội. Vì sao đang là một thầy giáo cấp 3, đang hưởng lương 56 đồng, tôi lại tự nguyện nhập ngũ để lĩnh món phụ cấp binh nhì 5 đồng một tháng?. Đó là một câu chuyện dài, xin không nói đến ở đây. Tôi chỉ kể những kỷ niệm với Xuân Thiên thời bấy giờ…

Không nhớ vì sao tôi có địa chỉ của Xuân Thiên, khi đó đang theo học ngành Vô tuyến điện tại Kharcôp- Ukraina. Nhờ vậy, chúng tôi thường gửi thư cho nhau . Mỗi khi viết cho tôi, bao giờ Xuân Thiên cũng bắt đầu bằng những từ đầy ắp thân thương : “Huy Châu thân yêu”. Rồi tôi cũng viết cho Xuân Thiên như vậy, những lúc ấy, lòng bỗng thấy ấm áp lắng dịu lạ thường. Hình như lời một bài hát từ thời Quế Lâm xa xưa đã đọng lại trong tâm hồn chúng tôi đến tận lúc trưởng thành : “bạn thân yêu nay đang ở đâu?”… Câu hỏi chứa đầy nỗi băn khoăn thương nhớ những người bạn cùng cảnh ngộ của một thuở thiếu thời dường như đã khắc sâu vào tâm khảm khiến chúng tôi viết cho nhau như viết cho người yêu .

…Ngày 5/8/64, đại đội pháo cao xạ 88 ly của tôi đóng quân ở Bãi Cháy nên tôi có vinh dự được trực tiếp tham gia trận đánh lịch sử mở đầu cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại Miền Bắc của không lực Hoa Kỳ.…
… Trận đánh kết thúc, tôi may mắn thoát chết (mấy hôm sau, đơn vị tôi bị một quả tên lửa bắn trúng, một học sinh của tôi cùng nhập ngũ đã hy sinh tại chỗ).
Tôi viết thư kể Xuân Thiên nghe về trận đánh ấy. Vài ba tháng sau, tôi bỗng nhân được thư trả lời. Bạn kể rằng các sinh viên Việt Nam rất tự hào vì chúng ta đã bắn rơi nhiều máy bay, bắt sống phi công Mỹ. Họ dịch lá thư của tôi cho các bạn bè Liên Xô nghe, ai cũng vừa cảm phục vừa cười vỡ bụng vì đoạn tôi tả ông đại đội phó đứng giữa trận địa vẫy cờ và luôn mồm chửi toáng lên vì đạn bắn lên không chụm:
“Khẩu đội 2, bắn như cục cứt thế hả, hả! …”.
Sau này gặp lại nhau, Xuân Thiên vẫn nhắc lại chuyện ấy và cười khoái trá, khen văn tôi có chất hài …
Năm 1965, thế kỷ trước, Xuân Thiên tốt nghiệp về nước, rồi nhập ngũ, được điều động về Bộ Tư lệnh Thông tin, công tác tại nhà máy Thông tin liên lạc. Còn tôi thì chuyển sang Quân chủng Hải quân .
Năm 69, tôi cưới vợ, một nữ sinh Miền Nam tập kết tại Hải Phòng . Xuân Thiên bận đi công tác xa không về dự được, đã gửi cho tôi một cân chè Thái Nguyên quí hiếm, Hương Mạch thì mang đến một liễn mỡ đủ để nấu mấy mâm cơm gọi là cỗ cưới!. Bạn Trung Hải tất bật chạy đi chạy lại lo phần loa đài âm thanh, Trần Lương giúp chụp ảnh, còn Cao Việt Bách thì hát từ đầu đến cuối toàn bài mới chưa từng biểu diễn. Thật là một đám cưới thời chiến điển hình tại Hà Nội với sự chung tay góp sức đầy tình nghĩa của bạn bè thời Quê Lâm khiến vợ chồng chúng tôi không bao giờ quên.
Bẵng đi một thời gian khá dài, chúng tôi mất liên lạc với nhau, hoá ra Xuân Thiên đi B, vào chiến trường Tây Nguyên, sang tận Nam Lào. Trong danh sách các bạn 5A, đi B, đi C trực tiếp chiến đấu, chắc chắn Xuân Thiên cũng là tấm gương sáng rất đáng khâm phục và tự hào. Chỉ tiếc bạn không còn nữa để kể lại những ngày tháng hào hùng ấy trong những dịp bạn bè gặp nhau hoặc viết thành tập hồi ký có giá trị.
Năm 1974 , sau khi hoàn thành tốt nhiệm vụ trong chiến dịch rà phá thủy lôi trên tàu chiến T217, E171 với cương vị chính trị viên, tôi cùng 2 sĩ quan nữa được Quân chủng Hải quân cử sang Liên Xô học tại Học Viện Quân Chính Lênin. Điều bất ngờ thú vị là một thời gia sau, Xuân Thiên cũng sang lại L.X để làm luận án Phó Tiến sỹ về chuyên ngành Vô tuyến điện. Chúng tôi đã hẹn nhau và gặp được nhau ở Mátxcơva trong niềm vui khôn tả. Chúng tôi đưa nhau vào hiệu ảnh lớn chụp với nhau mấy kiểu làm kỷ niệm để đảm bảo chất lượng lâu dài, không muốn ảnh tự chụp thường chẳng giữ được lâu. Quả nhiên, cho đến nay, mấy bức ảnh ấy vẫn còn đẹp lắm . Trong bộ quân phục mùa đông kiểu Hồng quân LX, trông hai chúng tôi có vẻ hơi nghiêm nghị nhưng thật ra chúng tôi vẫn giữ nguyên tình cảm đằm thắm, ít nói nhưng sâu lắng vốn thành thói quen từ lâu..
  Đến đầu năm 80 thế kỷ trước, tôi và Xuân Thiên đều về công tác tại Hà Nội. Cũng từ đó, chúng tôi có dịp gần nhau thường xuyên hơn, vợ chồng con cái đôi bên thường đến nhà nhau chơi, ăn những bữa cơm đạm bạc thời bao cấp, trò chuyện đủ điều nhưng không bao giờ đả động đến quân hàm, chức tước của nhau . Chúng tôi thường nói với nhau, những thứ đó đều là “trepukha” (chuyện nhỏ nhặt), không lâu bền trong cuộc đời này, đừng chạy theo nó kẻo đánh mất mình, mất bạn bè…

Hồi đó, tôi có đứa con gái đầu lòng, vợ chồng Xuân Thiên có đứa con trai; một lần chúng tôi nửa đùa nửa thật: sau này sẽ gả con cho nhau, mặc dù lúc đó bọn trẻ mới chín mười tuổi. Tuy nhiên việc ấy không thành, có lẽ do … số phận đã được lập trình theo cách khác, không ai cưỡng lại được.
Một hôm, tôi đến chơi thấy Xuân Thiên không được khoẻ, đã có những biểu hiện không bình thường về thần kinh. Thậm chí hôm đến thăm Tiến Nguyên tại Cơ quan Viện Nguyên tử Quốc gia, đang ăn, Xuân Thiện bỗng lóng ngóng làm rơi đũa, không gắp được thức ăn, tôi phải gắp cho, trong lòng cảm thấy một nỗi lo lắng mơ hồ, nhưng không biết là bệnh gì. Lúc đầu gia đình tưởng là Pakinson, sau này mới biết đó là di chứng chất độc da cam . Thật là đau xót. Năm 1996, tôi lại sang Nga lần nữa, đến năm 1998 thì về hẳn. Vừa nghe tin Xuân Thiên ốm nặng, tôi vội chạy đến nhà thì chao ôi, bạn đã nằm bất động trên giường, toàn thân gầy xọp chỉ còn da bọc xương. Tôi không dằn lòng được, ôm lấy bạn, nước mắt rưng rưng, đau đến tột cùng, thầm trách ông Trời sao quá độc ác bất công. Trông thấy tôi, khuôn mặt Xuân Thiên biến dạng rất đáng thương, cổ họng có tiếng gừ gừ khe khẽ .
Minh Dương, vợ Xuân Thiên nói thầm vào tai tôi :
- Anh ấy khóc đấy!.
Rồi Xuân Thiên ra đi!. Đúng hôm đó, vì một lý do riêng tư mà mãi sau này tôi mới biết không hẳn quan trọng, tôi đã không thể đến vĩnh biệt bạn tại tang lễ. Tôi đã không được nhìn mặt người bạn thân yêu suốt đời của tôi lần cuối cùng . Vài hôm sau, tôi đến nhà, thắp nén nhang lên bàn thờ Xuân Thiên và đã khóc không cần kìm nén với nỗi đau và sự ân hận không thể nào nguôi… Cho tới bây giờ, mỗi khi nhớ lại, tôi vẫn giận mình , không thể tha thứ cho mình về điều đó.
Dường như ông Trời hiểu lòng tôi nên đã cho ngôi mộ Xuân Thiên đặt khá gần khu mộ bố tôi mà gia đình đã chuyển từ khu A Văn Điển đưa lên Thanh Tước từ lâu.…Thế là mỗi lần lên đó thắp hương, tôi đều “gặp lại” bạn, lại được tâm sự với bạn những điều sâu kín chỉ chúng tôi biết với nhau.
Mấy năm sau, gia đình mới bốc mộ bạn về đặt cạnh mộ ông thân sinh, vì vậy tôi không được thắp hương cho Xuân Thiên nữa, nhưng trong trái tim tôi, bạn tôi vẫn sống mãi, trẻ maĩ, đẹp mãi với nụ cười hiền đáng yêu đã trở nên rất đỗi thân quen.
Tôi lưu giữ những kỷ niệm không phai mờ về Xuân Thiên như một niềm vui êm đềm, trong trẻo, xen lẫn một nỗi tiếc thương và day dứt sẽ theo tôi đến tận cuối đời.
Xuân Thiên thân yêu!. Biết bao năm tháng đã trôi qua, giờ đây mình đã nhận biết thêm một sự thật này:
Không sức mạnh nào có thể chấm dứt được Tình Bạn của chúng ta, kể cả cái chết.
Hãy tha lỗi cho mình và hãy luôn mỉm cười rất hiền như khi chúng ta còn ở bên nhau.

Vĩ thanh.

… Gần đây do tình cờ được biết, nhà máy M1- Viện Kỹ thuật Thông tin Quân đội đã cải tiến thành công máy liên lạc vô tuyến sóng cực ngắn ưu việt hơn của Liên Xô và Mỹ trước đây, tôi nghĩ ngay đến công sức, trí tuệ và sự hy sinh của Xuân Thiên. Tôi tin chắc rằng, thành quả hôm nay có công lao đóng góp không nhỏ của Trung tá Tiến Sỹ Nguyễn Xuân Thiên, một người tài năng và đầy tình thần trách nhiệm trước Tổ quốc, Nhân dân, người chồng, người cha mẫu mực trong gia đình, người bạn thân thiết một thời Quế Lâm của tôi. Hơn nữa hai đứa con trai của Xuân Thiên đều được sinh ra trước khi bạn vào Nam công tác nên không bị ảnh hưởng bởi chất độc Đioxin và đều trưởng thành, có cuộc sống xứng đáng.
Nghĩ vậy, tôi lại thấy vui lên , như được cuộc đời an ủi phần nào …

                                      (Hà Nội, tháng 6/2013)


.

Thứ Ba, 30 tháng 7, 2013

KHÔNG ĐỀ (thơ 3B - bongbanbien)



KHÔNG ĐỀ 1

Nhìn bông hoa phượng rơi đầy phố
Mùa hè, kỷ niệm, … đã qua rồi!.
Những gương mặt thân yêu ngày ấy
sáu mươi năm qua, vẫn sáng ngời!.
Tình bạn đẹp nảy mầm … Từ ấy
neo mãi trong tôi, sáng với đời.

(Hà Nội, Cuối mùa Hè 2013).  Trung Hải


KHÔNG ĐỀ 2
Tóc đã hết xanh,
                        lá đã vàng.
 Mùa Thu đã đến,
                          Đời sang trang.
Khép lại hào quang …
                            và quầng tối…
  để lòng thanh thản…
                             lúc … “lên đàng”
!.*

 (Hà Nội. Đầu mùa Thu 2013).  Trung Hải
Ghi chú * Tôi sửa lại câu đã viết: :"cho lòng thanh thản....
                                                                                    để ... "lên đàng".

Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2013

Một bài báo "có hậu" của cu Vinh khoai lang

BBB -Một bài báo không những chỉ "có hậu" mà qua đó còn nói lên rất nhiều điều ngoài chuyện số phận của các cô gái đại đội pháo binh xã Ngư Thuỷ năm nào.
Xin phép tải về để Làng cùng đọc.


TẠI SAO LẠI VIẾT CÁC NỮ ANH HÙNG ĐI ĂN MÀY?

Saturday, July 27, 2013

Nước Việt mình, quá biết về đại đội pháo binh xã Ngư Thủy tỉnh Quảng Bình. Đó là một đại đội pháo binh nữ đầu tiên hồi miền Bắc chống Mỹ. Đại đội được tuyên dương anh hùng. Thế giới biết đến họ từ phim tài liệu rất nổi tiếng của đạo diễn NSND Lê Mạnh Thích và NSƯT Lò Minh:Những cô gái Ngư Thủy.
Mấy chục năm sau, anh Lò Minh và anh Lê Mạnh Thích trở lại Ngư Thủy làm tiếp phim “Trở lại Ngư Thủy”, phản ánh cuộc sống còn biết bao gian khó của các o nữ pháo thủ. Rồi tiếng vang dội lên. Tất cả các o được mời ra Hà Nội chơi. Được nhận quà. Được nhận tình cảm ấm áp của biết bao cơ quan, người dân, lãnh đạo…
Câu chuyện tưởng thế là ngon lành, là đời sống các o ổn định.
Ai ngờ, mấy năm sau mình về, gặp các o, chỉ ròng nước mắt và nước mắt.
Hơn ba chục o không có nhà ở, hay chính xác là đang ở trong những căn lều rách nát, đồ đạc không có, cái áo lành mang cũng không có, bếp lạnh tanh, nhìn cay đắng.
Mình hỏi, sao các o thành tích như vậy, khổ như vậy lại không nằm trong danh sách được làm nhà tình thương, nhà tình nghĩa.
Các o lắc đầu, không biết.
Một o nói, là vì huyện thấy các o được mời ra Hà Nội nhận nhiều quà, nên nghĩ các o nhiều tiền rồi, không cho vào danh sách làm nhà tình nghĩa, tình thương nữa.
Mình hỏi, đợt ấy, các o được nhiều quà, nhiều tiền không?
Các co nói, nhận nhiều phong bì mừng, nhưng quy đổi lại, tiền mặt mỗi người được hơn 3 triệu, có thêm cái ti vi, ti vi mang về thì không có tiền trả tiền điện hàng tháng nên bán rồi. Tiền tiêu vài tháng mua gạo, mắm, hết.
Trong số các o, đa phần là không có chồng, không nhà cửa, không nghề nghiệp. Quê các o thì ở bãi ngang, chỉ kiếm sống bằng những con thuyền nhỏ, cả làng đều nghèo.
Một số o không biết có nghề gì làm thì đi ăn mày. Ăn mày trong làng có, ngoài làng có.
Nói chung là tình cảnh của những nữ anh hùng pháo thủ quá thảm hại.
Mình viết phóng sự in trên Lao Động.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đọc được, ghi thư về huyện Lệ Thủy, về tỉnh Quảng Bình, tỏ ý không hài lòng về việc địa phương lại bỏ rơi các o pháo thủ anh hùng này.
Thế là làn sóng phản ứng từ địa phương rất khủng khiếp.
Lãnh đạo địa phương cương quyết phản bác chuyện một số o đi ăn mày.
Tại sao lại ăn mày? Để cho các o của một đơn vị anh hùng đi ăn mày? Quan điểm đâu? Bản chất xã hội tốt đẹp đâu? Đảng lãnh đạo đâu? Họ hỏi thế nhưng chính các o lại đi ăn mày.
Anh Phạm Huy Hoàn, Tổng biên tập báo Lao Động gặp mình:
-Gay rồi đấy Vinh. Viết về các nữ pháo thủ của một đơn vị là anh hùng mà còn có người ăn mày. Họ phản ứng dữ dội. Cậu khẳng định lại xem, có ăn mày chứ?
Mình nói:
-Hoặc là họ ăn mày, hoặc là em ăn mày, anh lo gì.
Anh Hoàn nói:
-Vinh về lại, khẳng định bằng một bài nữa, nếu thực sự không ai ăn mày thì tao và mày ăn mày. Tiên sư chúng nó quan liêu.
Mình về. Lúc ấy trên báo Văn Nghệ in một bài của tác giả Quảng Bình phản bác lại báo Lao Động, rằng, đời sống mấy o Ngư Thủy rất được quan tâm, có khó khăn nhưng không ăn mày.
Mình về lại gặp các o. Các o líu lo kể vui lắm. Đoàn này về, đoàn khác về, ai bảo các o nói đi ăn mày, ai đi ăn mày? Tại sao ăn mày?
Các o nói, đây, o này đi mày, o này đi ăn mày, o này đi ăn mày, không nghề nghiệp, không chồng con, nghèo quá, khổ quá, không có chi ăn thì đi ăn mày có chi xấu? Bọn tui đi ăn mày có chi xấu? Có chi xấu? Ăn mày thì nói với nhà báo là ăn mày có chi xấu, có chi sai?
Mấy ông chịu, ấm ức ra về.
Rồi mình cũng gặp lãnh đạo chính quyền. Họ cũng thừa nhận là có một số o đi ăn mày thật, nhưng lại trách, đúng là có một số o đi ăn mày, nhưng sao anh lại viết là ăn mày?
He he
Sau hai bài viết của mình, các đơn vị, các ngành, cá nhân ào ào ủng hộ.
Sự thật về cuộc sống quá mức khổ cực của các o pháo binh Ngư Thủy đã không thể che giấu.
Trong vòng 6 tháng, báo Lao Động đã phối hợp với nhiều đơn vị ủng hộ, làm cho các o hơn ba chục ngôi nhà khang trang, có bàn ghế, giường tủ đàng hoàng.
Các o còn có tiền mua bò, mua lợn, đời sống dần dần ổn định.
Mỗi lần mình về, mấy o chạy ra từ đầu làng, những bàn chân chạy cuống quýt trên cát, ôm lấy mình, chú Vinh về, chú Vinh về, rồi các o kéo vô nhà, bắt ăn cơm, bắt ăn mực, ríu rít, rất cảm động.

Nếu hồi đó mình hèn, cứ viết các o khó khăn chung chung, không dám dùng hai chữ ăn mày, e các o không được như hôm nay.

Lại nhớ, anh Hoàn Tổng biên tập nói:
-Họ hết ăn mày rồi nhé, cuộc sống tốt rồi nhé, tao thưởng mày 500 ngàn.
Mình yêu quý anh Phạm Huy Hoàn vô cùng. Một thằng viết báo trung thực cần lắm một Tổng biên tập trung thực.

-----------------
Ảnh đi kèm:
+O Thắt là1 trong số những o pháo thủ cực quá phải đi ăn mày. Quá lứa nhỡ thì, o kiếm ngoài được 1 thằng con trai.
+Hơn 30 căn nhà mới do nhiều Tổng công ty, ngân hàng, Phụ nữ Quốc phòng trao tặng ngay sau khi bài viết lên trang.

Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2013

Vẩn vơ (Thơ Trung Hải)


BBB Sau khi đọc bài “DẤU VẾT KHẢO CỔ” của cụ Diachuoansai - Hoàng Thế Long phác hoạ về “tính cách” của “Dân Quế Lâm” (Bài chọn in SÁCH).
Vào một đêm hè, trời mưa mát mẻ; tôi tự nhiên thức giấc. Sắp đến ngày Hội Trường 60 năm, lại sắp ra Tuyển tập văn, thơ của K5… Nằm mãi không sao ngủ lại được và nghĩ vẩn vơ….
Tôi vội ghi lại để mời Làng đọc khi… mất ngủ. Xin cảm ơn.


VẨN VƠ
         
Trung Hải
Nửa đêm thức giấc
Ngoài trời đang mưa
Nằm không ngủ được
Lại nghĩ vẩn vơ.

Nhớ dòng sông Ly
Mùa hè tắm mát
Nhớ mùa băng tuyết
Trên đỉnh Lư Sơn.

Nhớ bao bạn thân
Quế Lâm - Một thời
Quay đi quẩn lại
Sáu mươi năm rồi!.

Sông Ly chảy chậm
Dòng đời trôi nhanh
Kỷ niệm ngày ấy
Vẫn còn tươi xanh.

Hôm nay tóc bạc
Trái tim vẫn hồng
Tình bạn vẫn thắm
Một màu thuỷ chung.

Nằm không ngủ được
Lại nhớ “ngày xưa”
Bao nhiêu gương mặt
Một thời ấu thơ.

Tình Bạn trong sáng
Tình Yêu… dại khờ!
Tính tình chân thật
Pha chút… “hâm đơ”.

“Quế Lâm” là thế
Từ xưa đến giờ!.
“Hâm hấp” tý xíu
Thế mà …nên thơ!.

                 (Hà Nội 2013 - Một đêm mưa)






Thứ Ba, 23 tháng 7, 2013

Bài của bạn Trịnh Xuân Diễn gửi in Sách

BBB- Bạn Trinh Xuân Diền tuy không có  Blog riêng, nhưng bạn vẫn "theo dõi" sát Blog của K5 (kể cả cái mới nhất mà cụ Cala mới cho mở là "songdaohoa.blogspot.com" để xem các Cụ Cu Lờ lội "NGƯỢC DÒNG KÝ ỨC" đến đâu rồi, để đọc các bài của BBT giới thiệu chọn in SÁCH.
Cụ Diễn rất nhiệt tình với việc gửi bài in SÁCH K5. Bằng chứng là Cụ đã đem đến nhà tôi bản viết tay, chữ kiểu "phăng -tê- di" nhỏ như con kiến, nhiều chữ phải dùng kính Lúp mới đọc được, cả tập dầy trên 10 trang A4. Đó là Hồi ký "Những năm tháng không thể nào quên" viết về "cuộc hành quân tựu Trường Lư Sơn". Với nhiều tư liệu quý hiếm (như đoạn tả rất cụ thể về nơi làm việc của Cơ quan đầu não ở ATK, có thể dựng phim tài liệu...), nêu nhiều gương mặt Cu Lở thân quen, tả cảnh, tả người... rất hấp dẫn về Lư Sơn, Quế Lâm...
Rất tiếc trong khuôn khổ hạn chế cùa Tuyển tập in chung không thể đưa nguyên vẹn hồi Ký trên của bạn TXD.
Tôi được Tác giả tin tưởng đưa cho "dao, kéo, tông- đơ" và bảo: Uỷ quyền cho Cậu được cắt gọt thoải mái miền là đừng như "chú Cắt tóc"ở QL (Cắt tóc ta cắt tóc nhanh, hết đầu này ta lại sang đầu khác... mà "quang thẩu" (cạo trọc) bài của tớ là được.
Trên tinh thần đó tôi trích, cô đọng, rồi đánh vi tính. (Những phần trong hồi ký của TXD mà có nội dung trùng với bài của bạn khác thì để lại không đăng dịp này).
Xin giới thiệu với Làng.



TRÊN ĐƯỜNG ĐẾN LƯ SƠN TỰU TRƯỜNG
(Trích Hồi ký “ Những năm tháng không thể nào quên”) 

                                                     Trịnh Xuân Diễn

Sau ngày kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ (19/12/1946), gia đình tôi rời Thủ đô tản cư lên Thái Nguyên, định cư tại thôn Phúc Thanh, huyện Phú Bình. Còn Bố tôi vẫn ở lại Hà Nội, làm việc tại Văn phòng Chính phủ, tiếp tục tham gia “Tự vệ thành chiến đấu”. Rồi cùng cơ quan chuyển lên chiến khu Việt Bắc, mãi cuối năm 1949 mới gặp lại gia đình.

Sau mấy ngày Bố tôi về nghỉ phép thăm gia đình. Sáng ngày 20/06/1953 Bố đưa tôi lên cơ quan ông để tập trung cùng với một số bạn nữa được Đảng và Bác Hồ cho đi học tập ở trường Thiếu nhi Việt Nam tại Lư Sơn, Trung Quốc. Bố tôi đưa tôi đi bằng xe đạp. Tạm biệt ngôi nhà tranh và những người thân yêu trong gia đình; bố con tôi đi theo con đường cái để ra tỉnh lộ đi về thị xã Thái Nguyên. Trên tỉnh lộ, ngồi trên xe đạp, phải luôn cảnh giác lắng nghe tiếng máy bay địch. Vì dạo đó máy bay địch luôn oanh tạc dọc đường để ngăn cản hoạt động của ta. Quá trưa hôm đó chúng tôi qua cầu Gia Bẩy, nơi cách đây mấy ngày máy bay địch đã ném bom, bắn phá gây thương vong hàng chục người. Buổi tối ngủ tại một xưởng bào chế thuốc của ngành Y tế, là nơi chú tôi công tác. Sáng hôm sau bố con tôi đi Định Hoá, khi đó nằm trong “An Toàn Khu” (ATK), nơi tập trung cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến. Buổi chiều qua Quán Vuông; đi một đoạn đường nữa là đến trạm đón tiếp của ATK. Chúng tôi nghỉ, xe đạp để tại trạm. Chừng một giờ sau, chú Ba là bảo vệ tại cơ quan đến trạm đưa bố con tôi về Ban Kiểm tra 12 ( Ban KT 12 là mật danh của cơ quan Phủ Thủ tướng). Vừa ra khỏi trạm thì trời đổ mưa, chúng tôi lặn lội dưới trời mưa trong rừng, đường hẻm quanh co, trèo đèo lội suối. Chỉ phút chốc sau cơn mưa, nhưng con suối phải vượt qua nước đã chảy xiết, ào ào dâng lên dưới bụng chân, rồi lên tận bụng. Sợ tôi bị trượt ngã, nguy hiểm, chú Ba phải dắt tay tôi. Cuối cùng chúng tôi đã đến Ban Kiểm tra 12.
Đến cơ quan ngay trong ngày đầu tiên tôi đã có bạn mới là Trịnh Huy Châu, đến trước tôi mấy tháng. Châu tự giới thiệu là con Bố Quang, còn bạn đã biết tôi là con bác Khánh, Tham tá Pháp chế Văn phòng. Vì chúng tôi còn bé nên được tự do đi lại trong cơ quan. Hai đứa rủ nhau đi chơi loanh quanh chỗ nọ chỗ kia. Chúng tôi đến trước một ngôi nhà sàn, xung quanh có đào hào, mỗi khi vào nhà phải nhẩy qua hào. Châu nói, được các chú cho biết nhà này trước kia Bác Hồ ở, nay Bác đã chuyển đi nơi khác. Nên ngôi nhà được bố trí cho G.S- Tiến Sỹ, nhà Triết học Trần Đức Thảo mới từ Pháp về nước tham gia kháng chiến ở và làm việc. Nhìn sang nhà bên, chúng tôi thấy một bác đã có tuổi, phong thái rất kiên nghị và nhanh nhẹn, vừa đi đâu về. Châu bấm tôi, bảo đó là bác Trần Quý Kiên, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đấy. Thấy tôi là người lạ, mới đến cơ quan, bác hất hàm về phía Châu, ý muốn hỏi ai vậy?. Châu thưa với bác: “Đây là anh Diễn con bác Khánh”. Bác đưa tay về phía ghế bảo chúng tôi ngồi. Rồi nói: Ừ, các cháu về tập trung để chuẩn bị đi Trung Quốc học tập, được mấy người rồi, khoẻ cả chứ?. Rồi bác nói với tôi: Bố cháu là người rất cần cù, rất mẫn cán. Noi gương Bố nhé!.
Thấm thoát trong vòng mấy tuần, các bạn đã đến cơ quan tập trung đầy đủ. Tổng số 10 người gồm: Châu, Diễn, Doanh, Quyền, Nghị, Niệm, Lưu và 3 bạn nữ là Ngọc Huyền, Bích Ánh và Phương. Một hôm bác Kiên vẫy chúng tôi lại, hỏi: Các cháu đã đến đông đủ, sắp đến ngày lên đường, các cháu có nguyện vọng gì không?. Chúng tôi nhìn nhau và “đồng thanh” nói lên nguyện vọng đã trao đổi thống nhất với nhau từ mấy hôm trước với bác Kiên: “Chúng cháu muốn được gặp Bác Hồ ạ”. Bác Kiên bảo: Dịp này Bác Hồ đang đi công tác vắng nhà. Các cháu nên đến thăm bác Tô thôi. (Bác Tô là bí danh của bác Phạm Văn Đồng). Chúng tôi lại đồng thanh “Vâng ạ”.
Sáng hôm sau, từ rất sớm, chúng tôi đã tập họp đầy đủ để đi thăm bác Tô. Ríu rít như bầy chim nhỏ, chúng tôi theo chú Lanh, vượt qua một cánh rừng, lội qua mấy con suối, leo lên một quả đồi cây cối um tùm, đấy là nơi làm việc của bác Tô. Lúc đó bác Tô còn bận chút việc, nên chúng tôi đi tham quan khuôn viên. Vừa mới dạo chơi một thoáng, nhìn sang nhà bác, chúng tôi đã thấy bác đứng ở đầu nhà vẫy chúng tôi. Tất cả chúng tôi chạy ùa đến bên bác Tô. Bác mặc bộ bà ba màu đen, dáng người cao, quắc thước. Hầu hết chúng tôi đều là lần đầu gặp bác Tô nên còn hơi e dè. Bác hiền từ nhìn chúng tôi khắp lượt, rồi hỏi từng người: Cháu bao nhiêu tuổi?. Con bố nào?. Đi từ đâu đến?. Giọng nói Quãng Ngãi và cử chỉ thân mật của bác, khiến chúng tôi mau chóng cảm thấy rất gần gũi, nên ai nấy đều mạnh dạn tự giới thiệu về mình. Nghe xong Bác nói với chúng tôi: Cuộc kháng chiến đang rất gay go, ác liệt, nhưng lực lượng ta đang phát triển lớn mạnh, nhất định thắng lợi. Bác Hồ và Chính phủ cho các cháu ra nước ngoài học tập để chuẩn bị cho tương lai, xây dựng đất nước khi cuộc kháng chiến thành công. Bác cũng như bố mẹ các cháu mong các cháu ngoan ngoãn, giữ gìn sức khoẻ, học hành cho giỏi. Các cháu tuổi nhỏ đã ra nước ngoài sống và học tập; bác dặn các cháu không được “lai căng” nhé. Bây giờ đến phần liên hoan, bác khao các cháu. Bác chỉ tay về phía nhà ăn và nhanh nhẹn cùng chúng tôi bước vào phòng ăn. Trên mỗi bàn đã đặt một đĩa bánh gatô khá to thơm phức, đã cắt sẵn, trông thật ngon lành. Khi chúng tôi đã ngồi ổn định, bác hỏi: Hôm nay được ăn bánh, các cháu cảm ơn ai nào?. Chúng tôi nhao nhao nói: “Chúng cháu cảm ơn bác Tô”. Bác lắc đầu, chỉ tay sang chú đầu bếp của bác đang đứng phía bên, nói: Không cảm ơn bác mà phải cảm ơn chú Tám làm bánh cho các cháu ăn chứ. Chúng tôi lại cùng nhau hướng về phía chú Tám, nói “ Chúng cháu cảm ơn chú Tám”. Chú mỉm cười và ra hiệu cho chúng tôi “ăn bánh đi”. Tôi nhớ mãi lần gặp Bác Tô hôm ấy.
Chúng tôi rời Ban KT12 lên đường tới trạm đón tiếp của Trường vào ngày 14/7/1953. Cơ quan cử hai người dẫn chúng tôi đi. Bác Nhân đeo khẩu súng lục, chú Lương khoác khẩu súng trường, trông rất oách. Buổi sáng hôm lên đường, còn có bố tôi và bác Đinh Đăng Định (Nhà nhiếp ảnh nổi tiếng, bố của bạn Bích Ánh) cùng đi tiễn chân một quãng xa, vừa đi vừa chụp ảnh. Hôm ấy đẹp trời, mát mẻ và khô ráo. Mọi người phấn chấn lạ thường. Tất cả vừa đi vừa hát, riêng bạn Đào Gia Lưu là hăng say nhất, hát hết bài này đến bài khác. Bác Định và bố tôi chạy lên chạy xuống để chụp ảnh đoàn. Số lượng ảnh chụp hôm ấy khá nhiều. Sau này, mãi đến năm 2003 Bích Ánh mới có dịp soạn lại những phim trong kho lưu trữ riêng của bác Đinh Đăng Định, may mắn tìm lại được những phim chụp ngày ấy còn tốt, đem rửa ảnh gửi cho chúng tôi mỗi người một tập (khoảng 10 tấm ảnh). Đó là những bức ảnh ghi lại hình ảnh trên đường đi tựu trường TNVN Lư Sơn 60 năm trước, thật quý và là vô giá đối với chúng tôi.
Chúng tôi đến Trạm đón tiếp của Trường tại châu Bắc Sơn (tỉnh Lạng Sơn) vào một buổi sáng. Trạm đặt trong một khu rừng, có khoảng chục lán được dựng lên, mái tranh, vách liếp, có sạp để nằm ngủ, nó giống như những lán của bộ đội, dân công mà ta đã gặp hồi đó trong những cánh rừng trên nẻo đường kháng chiến ở Việt Bắc. Khi đến Trạm tôi đã thấy có nhiều đoàn các bạn từ các nơi đến trước. Tôi bắt đầu quen Phan Trúc Long và Phan Trí Vân từ đây. Trúc Long không ngại chia sẻ nỗi buồn vừa có tang mẹ với tôi. Trí Vân có tài làm các bạn cười vì “vẫy” được tai, trông rất ngộ nghĩnh.
Ngay buổi chiều hôm nhập Trạm, chúng tôi đã được Ban Lãnh đạo Trạm biên chế thành các Đoàn; anh Hưởng (sau này là nhà văn Nguyễn Kiên) đã họp Đoàn chúng tôi. Anh phổ biến nội quy sinh hoạt ở Trạm và kỷ luật khi hành quân. Chúng tôi được biên chế thành từng tổ nhóm, hình thành từng bộ phận, có một anh cán bộ phụ trách. Hành quân vào ban đêm, ban ngày nghỉ. Đến hôm sau lại đi tiếp đến trạm mới lại nghỉ, cho đến trạm cuối là Đồng Đăng (Mục Nam Quan) vào ban đêm, thì lên xe ô tô tải, căng bạt kín, có Giải phóng quân Trung Quốc mang tiểu liên bảo vệ khi xe chạy trên đường từ biên giới về đến Bằng Tường thị trấn đia đầu của tỉnh Quảng Tây.
Từ đây chúng tôi lên Lư Sơn bằng tầu hoả , qua Quế Lâm, rổi đến thành phố Nam Xương thủ phủ tỉnh Giang Tây. Từ thành phố Nam Xương lại đi ô tô ra thị trấn Cửu Giang, rồi ô tô leo núi lên đỉnh Lư Sơn mây phủ, một danh lam thắng cảnh đẹp nổi tiếng của Trung Quốc, nơi Trừơng Thiếu nhi Việt Nam của chúng tôi ở đó qua một mùa đông băng tuyết, rồi chuyển về thành phố Quế Lâm từ năm 1954.
Với tôi những kỷ niệm trên đường hành quân tựu Trường TNVN, những ngày sống và học tập ở Lư Sơn, Quế Lâm cách đây đã 60 năm, trong tuổi niên thiếu là “những năm tháng không thể nào quên”.

(Hà Nội, tháng 6 năm 2013)