Thứ Tư, 24 tháng 12, 2014

BBB- CHÚC MỪNG NOEL 2014 VUI VẺ & AN LÀNH

Nhân dịp Noel tôi tải từ trên mạng về máy bài để các Cụ Làng Ta đọc cho vui.

Thư gửi ông già Noel

Thưa ông kính mến - Cháu tên là Ngô Thị Bé Tý, nhà ở thành phố.

02-12-6-4176-1417491054.jpg
Sau bao nhiêu suy nghĩ, đắn đo và hồi hộp, hôm nay cháu cố hết sức lực, quyết tâm viết thư cho ông để trình bày một việc như sau:
Đã rất nhiều đêm Giáng sinh rồi cháu muốn có một món quà. Cháu thích nhiều thứ lắm, từ chó bông, thỏ bông đến búp bê hay gà vịt bằng nhựa, xe cộ bằng gỗ cháu đều thích cả. Những thứ ấy ông có rất nhiều, vì cháu xem các tranh hay ảnh chụp về ông, thấy ông đeo túi quà, các thứ đó đều ló ra.
Vậy mà chưa bao giờ ông tặng cho cháu. Mặc dù đêm Noel nào cháu cũng thức để chờ và đã để sẵn một chiếc giày cho ông bỏ quà vào. Cháu cũng nhiều lần viết thư cho ông, đề địa chỉ rõ ràng "gửi ông già Noel, số 1 đại lộ Bầu Trời", vậy mà cũng không thấy ông đến.
Cháu buồn lắm. Cháu khổ lắm. Cháu cứ nghĩ ông quên cháu rồi. Nhưng cháu lại tự nhủ: làm sao có chuyện vô lý thế, vì già Noel chả khi nào quên ai. Cháu bèn đi tìm hiểu, và hôm nay đã biết ra sự thực.
Ông già Noel kính mến.
Có phải ông không đưa đồ chơi cho cháu vì ông không tìm được nhà phải không? Đúng là rắc rối thực vì nhà cháu số 30 mà riêng một đoạn đường đã có hơn chục số 30 như thế, chưa kể 30 Bis, 30H, 30B và 30 Bis Bis đến mức có gia đình bực quá đã treo biển "ở đây 30 lần 30". Thú thực cháu cũng chả hiểu tại sao người ta bây giờ toàn nói tới tỉ nọ tỉ kia mà mấy cái số nhà thì cứ dùng đi dùng lại. Đừng kể ông già Noel, ngay cả họ hàng nhà cháu mỗi khi từ quê lên có khi đi ôtô hai tiếng còn tìm số nhà mất ba tiếng. Chắc ông không tìm được nhà cháu, ông cáu bỏ đi nên cháu không có quà chứ gì?
Khổ quá, sao ông không hỏi bác thu tiền điện, thu tiền nước hay thu phí điện thoại. Các bác ấy lúc nào cũng tìm ra nhà cháu, chả nhầm một lần nào!
Sau nữa, cháu đoán rằng có thể ông tìm được nhà mà ông nhầm phố. Nhà cháu ở phố Cá Voi, mà riêng thành phố này có tới sáu cái phố Cá Voi như thế, ở sáu quận khác nhau. Tất cả thư từ cho cháu, muốn tới nơi, đều phải ghi rõ ràng "Ngô Thị Bé Tý - phố Cá Voi - quận Bờ Sông" thế nhưng thỉnh thoảng vẫn bị nhầm vì thành phố có quận Bờ Kè, quận Bờ Đê... Người ta thắc mắc sông chỉ có hai bờ mà sao nơi này lại có nhiều quận Bờ như thế, cháu cũng chịu không trả lời nổi. Nhưng để phân biệt, ông cứ tìm Bờ nào có nhiều nhà nhỏ là đúng chỗ cháu thôi ông à. Hay là ông không tới được chỗ cháu vì kẹt xe? Đúng là nhiều tối, nhất là tối Giáng sinh, đường qua nhà cháu thường kẹt cứng, xe đạp còn không nhúc nhích nói chi xe hươu kéo của ông già Noel. Nhưng sao cháu tưởng xe của ông có khả năng bay trên trời cơ mà. Hay xe ông vướng vào dây điện? Đúng là dây điện ở đây nhằng nhịt như mớ tóc rối, và cháu biết rằng đâm vào đấy khéo máy bay cũng không thoát được nói gì tới hươu. Vậy ông có thể đi taxi đến đầu phố, gọi điện thoại cháu và mẹ cháu sẽ ra đón.
Hay ông không tới nhà cháu vì ông nghĩ rằng nhiều ông già khác đã tới? Ông Noel ơi, cháu đã nói rồi, ngoài ông thu tiền điện, thu tiền nước và điện thoại, thỉnh thoảng chỉ có các ông thu tiền rác ghé nhà cháu thôi, mà các ông ấy không khi nào có quà.
Cho nên cháu rất mong đêm Giáng sinh này ông ghé cháu một lần, vì chỉ năm sau cháu sẽ được gọi là Bé Lớn, không phải Bé Tý nữa nên càng khó được thỏ bông. Cháu biết nhà cháu xa, khó kiếm vất vả cho ông lắm nhưng cháu vẫn mơ ước dù chỉ một lần. Ông cứ đi tới hết các địa chỉ khác, ghé cháu cuối cùng cũng được. Nếu có một con búp bê gãy chân hay chó bông rách tai thì cháu cũng rất vui mừng được nhận ông ạ. Ông đến nhé.
Cháu mong lắm.
Ngô Thị Bé Tý
30 đường Cá Voi, quận Bờ Sông
Trùm Sò (st)

Kiếm tiền nhờ bạn của bố

Cậu bé nói với bạn của bố:

10-11-7-9594-1415595807.jpg
- Cháu cảm ơn chú đã tặng cho cháu chiếc kèn nhân dịp Noel. Nhờ nó mà cháu có tiền ăn kem đấy chú ạ…
Người đàn ông hết sức ngạc nhiên:
- Cháu thổi kèn giỏi đến thế cơ à?
- Không ạ. Chẳng qua là bố cháu cho cháu mỗi tuần 10.000 đồng để cháu đừng thổi nữa!
- Trời!
Bác Ba Phi (st)

Ông già Noel và 3 điều ước

Chuông cửa reo giữa đêm Giáng Sinh tại một ngôi nhà.
    01-12-2-4804-1417397751.jpg
    Ông già Noel xuất hiện và bảo với chủ nhân:
    - Hãy nói 3 điều ước, ta sẽ đáp ứng ngay.
    Rất vui mừng và gần như ngay lập tức chủ nhà nói ra mơ ước của mình.
    - Một cỗ Rolls-Royce đời 2008, một căn biệt thự có vườn và 1 triệu đô trong tài khoản ngân hàng.
    - OK! Nhưng xin hỏi lại một câu: Ngươi được bao nhiêu tuổi rồi?
    Chủ nhân hồ hởi đáp.
    - Mới 42, thưa ông!
    - Vậy à, ngần ấy tuổi mà còn tin ông già Noel có phép thuật ư?...
    Thị Nở (st)


    Vậy mà cũng không biết

    Một học sinh đang du học tại Mỹ lần đầu tiên đi xe bus từ San Diego đến San Jose để họp mặt với bạn học cũ trong dịp Giáng Sinh.

    04-12-2-4621-1417660996.jpg
    Lên xe bus, cậu ta hỏi ông tài xế:
    - Từ San Diego đến San Jose mất bao nhiêu tiếng vậy ông?
    - 8 tiếng.
    - Vậy từ San Jose về lại San Diego mất bao nhiêu tiếng?
    Bác tài bực mình quá gắt lên:
    - Đi về cùng chỗ thì đương nhiên là cũng 8 tiếng rồi, có vậy mà cũng hỏi, thiệt tình !
    Cậu ta tức quá cãi lại:
    - Sao lại giống nhau được? Từ Noel đến Tết Tây chỉ mất có 5 ngày, còn từ Tết Tây đến Noel thì bao lâu... mất cả năm trời lận đó! Xí, vậy mà cũng không biết.
    Thị Nở (st

    Giáng sinh của bợm

    Đêm Noel, một ông say xỉn vác cây thông đi lang thang trên phố.

    21-11-4-7605-1416555942.jpg
    Một bà đi đường thấy vậy trách:
    - Noel mà ông cũng say xỉn, không về nhà với gia đình!
    Người đàn ông tỏ vẻ hối hận và nói:
    - Tôi cũng muốn về lắm, nhưng không biết phải làm thế nào để ra khỏi khu rừng này.
    Bác Ba Phi (st)




    Chủ Nhật, 21 tháng 12, 2014

    XIN & MỜI (2 bài thơ của NT Việt Phương)

    BBB- Trong những ngày cuối năm 2014, trời khá lạnh, tôi ngồi đọc lại một số bài thơ của nhà thơ Việt Phương- Nhà thơ với tập thơ "Cửa mở" khá nổi tiếng và những bài thơ hay đầy chất trí tuệ, nhân văn và trữ tình.
    Xin đăng lại 2 bài sau đây trong số nhiều bài thơ cuả Ông mà tôi yêu thích.
    Mời các Cụ Làng ta cùng thưởng thức và suy ngẫm.



    XIN

    Xin người là một giấc mơ
    Để còn trắng một đợi chờ trên mây

    Xin người là một vòng tay
    Để còn rớt một mê say giữa đường

    Xin người là một chiều sương
    Để còn đọng một xót thương trong lòng

    Xin người là một cuối đông
    Để còn ấm một ráng hồng đầu xuân

    Xin người là một rất gần
    Để còn vọng một tiếng ngân dịu dàng


    MỜI

    Học nhìn thời thế từ dân
    Thấy trong thấy đục thấy gần thấy xa

    Thấy chân thành thấy gian tà
    Thấy ai đủ rõ thấy ta thật người

    Bao nhiêu là những xu thời
    Bấy nhiêu là những đua đòi lợi danh

    Nào đây thủ đoạn gian manh
    Nào kia mưu mẹo xoay quanh ghế ngồi

    Rồi thì cũng đến tháng mười
    Để còn nghe được những lời yêu thương


    Yêu từ ngọn cỏ đầm sương
    Thương từ những kiếp lạc đường bơ vơ

    Đã từng chín đợi mười chờ
    Thuở xưa năm ấy bây giờ mai sau

    Đợi chừng nào gọi là lâu
    Chờ làm chi  bước qua cầu mà đi

    Vẫn còn phượng đỏ mùa thi
    Vẫn còn rừng núi mấy kỳ chiến tranh

    Vẫn còn một giọt nắng hanh
    Vẫn còn dòng sữa long lanh giữa trời

    Còn nhiều ấp ủ sinh sôi
    Còn bao trai gái của thời ngày nay

    Cầm niềm tin vững trong tay
    Ngày mai đang đợi phút giây vào đời

    Còn tha thiết lắm cõi người
    Còn năm mới đến gọi mời đầu hiên


    Việt Phương.


    Thứ Năm, 13 tháng 11, 2014

    30 bưc ảnh vào chung kết cuộc thi VnExpress

    BBB- Mời các Cụ chiêm ngưỡng những tấm ảnh này và đăng những bức ảnh đẹp tự tay các Cụ- Các "phó nháy" Làng Cu Lờ chụp, lên Blog cá nhân để dân Làng được xem và chia sẻ. Tôi tin rằng nhiều Cụ có những bức ảnh cũng rất tuyệt  vời về các đề tài.
    Ngắm ảnh "cây nhà lá vườn", ảnh "tự tăng gia" được cũng có cái thích thú của nó. Phải không các Cụ .
    Tôi sẽ đề nghị Cụ Calathau Trưởng BĐH Blog LSQL phát động đợt đăng ảnh trên Blog cá nhân, từ đó BĐH sẽ chọn ra những tấm ảnh đẹp... treo trên Đình Làng, nhân dịp Ngày Hội K5 năm nay, cho Blog nó rôm rả hơn.

    30 ảnh Phong cảnh vào chung kết Cuộc thi Ảnh VnExpress

    Ban giám khảo đã chọn ra 60 tác phẩm vào vòng chung kết. Dưới đây là danh sách 30 bức ảnh thuộc thể loại Phong cảnh. 30 ảnh Khoảnh khắc Cuộc sống sẽ được công bố vào 13/11.
     
    "Quê ngoại" - Thành Vương
    Tác giả chia sẻ: "Quê tôi là một vùng chiêm trũng. Khi mùa gặt xong, bà con thu gom rơm rạ xây thành từng ụ. Đấy là một cách dự trữ thức ăn cho trâu bò khi lũ lụt về và mùa đông đến mà không phải đốt gây ô nhiễm môi trường".
     
    "Đình Gò Táo" - Nguyễn Dũng
    Bức ảnh chụp một ngôi đình cổ ở xã Tân Đông, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang.
     
    "Mùa thu thác Bản Giốc" - Võ Hoàng Vũ
    Tác phẩm được chụp nhân chuyến đi đầu tiên của tác giả, người Đà Nẵng, tới Cao Bằng. "Bức ảnh được chụp tại tầng trên cùng của thác, khi những vạt nắng chiều vàng óng nhuộm lên những mảng cây trên thác. Đó là thời khắc tuyệt vời nhất của mùa thu, khoảnh khắc tuyệt vời và may mắn đối với tôi. Tôi muốn thể hiện sự mềm mại của dòng thác, dịu êm của sắc thu nhưng vẫn lấy hết ngọn núi để thể hiện sự vững chãi và chắc chắn, âm dương hòa hợp".
     
    "Nhà thờ Đức Bà nhìn từ trên cao" - Huỳnh Thu
    Bức ảnh chụp mặt trước Nhà thờ Đức Bà, TP HCM.
     
    "Sài Gòn bừng sáng" - Y Ho Nhu
    "Bức ảnh được chụp từ tầng 40 của một tòa nhà đang xây dựng, sử dụng len fisheye kết hợp với độ cao tạo ra hiệu ứng hình cầu. Chủ thể bức ảnh này là ánh đèn bừng sáng từ Đại lộ Đông Tây - một con đường đẹp uốn lượn dọc theo bến Chương Dương - đây cũng là một trong những điểm nhấn của TP HCM".
     
    "Vòng vo Sài Gòn" - Dương Hoàng Đăng
    Bức ảnh được tác giả chụp vào một buổi chiều nhá nhem tối tại sân thượng của chung cư Cao Đạt (Q5, TP HCM). "Ở góc chụp từ trên cao xuống, tôi đã cố gắng zoom ống kính để đặc tả hình ảnh đại lộ Võ Văn Kiệt lên đèn đang ôm lấy kênh Tàu Hủ uốn lượn hình chữ S".
     
    "Suối Yến mùa thu" - Hoàng Thị Thu Đông
    "Suối Yến nằm trong khu di tích thắng cảnh Chùa Hương, thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Trong một chuyến tham quan Suối Yến cùng những người bạn vào trung tuần tháng 9, tôi cảm nhận được vẻ đẹp của thiên nhiên ẩn trong không gian thanh bình tĩnh lặng. Cảnh sắc Hương Sơn bốn mùa đều đẹp, nhưng đẹp nhất có lẽ vẫn là vào mùa thu, mùa không lễ hội. Cả chiều dài dòng suối được phủ một sắc hồng tím của những bông hoa súng, còn hai bên bờ là những rặng cây tràm lơ thơ lá", tác giả chia sẻ.
     
    "Cái cây ở hồ thủy điện Sông Hinh" - Huỳnh Lê Viễn Duy
    "Hồ thủy điện Sông Hinh nằm ở huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên, cách TP Tuy Hòa khoảng 50 km về hướng Tây. Nơi đây có nhiều bãi cỏ xanh mướt, nhiều cảnh đẹp lãng mạn, một nơi lý tưởng để picnic, cắm trại qua đêm. Ngoài ra nơi đây có rất nhiều góc hình đẹp dành cho các nhiếp ảnh gia phong cảnh.
    Trong hình là một cái cây đã chết khô, vào mùa mưa nước hồ lên cao, cây nằm giữa biển nước, tạo dáng rất đẹp. Tôi cùng một người bạn lên vị trí này với mục đích chụp dải ngân hà vào ban đêm nhưng không thể bỏ qua khoảnh khắc hoàng hôn đẹp mê hồn nơi đây".
     
    "Mùa no ấm" - Đinh Công Thủy
    Bức ảnh được chụp tại thôn Khuổi My, xã Phương Độ, thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang, trong chuyến đi thực tế của tác giả ngày 25/9/2014.
     
    "Thác Bản Giốc" - Nguyễn Văn Sơn
    Bức ảnh được chụp trong một chuyến đi Cao Bằng của tác giả. "Trước khi đến thác Bản Giốc, tôi đã được xem ảnh và nghe một số người bạn kể về thắng cảnh này. Khi đến nơi, tôi thật sự ngỡ ngàng trước vẻ đẹp và sự hùng vĩ của thiên nhiên nơi đây", tác giả chia sẻ.
     
    "Yên bình" - Nguyễn Anh Phương
    Bức ảnh được thực hiện ngày 22/2/2014, trong một chuyến rong ruổi săn tìm nghệ thuật của tác giả trên cánh đồng quê. "Thời tiết đẹp, trời đứng gió, không thể bỏ lỡ cơ hội, tôi liên tục ghi lại khoảnh khắc cho riêng mình với nhiều góc độ khác nhau. Tôi cảm nhận từng khoảnh khắc đang dần chuyển mình thay đổi. Thật tĩnh lặng, thật bình yên, thật thoải mái". 
     
    "Sắc màu" - Cao Quang Trung
    Bức ảnh được chụp trong chuyến đi dã ngoại kết hợp khảo sát du lịch của tác giả cùng mốt số đồng nghiệp ở tuyến Ba Bể - Thác Bà - Suối Giàng - Mù Cang Chải. Bức ảnh chụp ở Chế Cu Nha - một trong ba nơi ruộng bậc thang đẹp nhất Mù Cang Chải.
     
    "Hương lúa mới ngày mùa" - Trần Trung Hậu
    "Đây là một khu ruộng bậc thang nằm gần một bản nhỏ trên vùng cao Bát Xát - Lào Cai. Các thửa ruộng tầng tầng lớp lớp như quấn vào nhau, ôm lấy bản làng. Khi mùa lúa chín, cả khu ruộng vàng rực bừng sáng dưới nắng chiều, giữa mầu xanh bát ngát của núi rừng tạo nên sự tương phản mạnh về màu sắc, ánh sáng", tác giả chia sẻ.
     
    "Phố núi lên đèn" - Vũ Ngọc Hoàng
    Bức ảnh được chụp mùng 8 Tết Nhâm Thìn, trong chuyến đi một mình lên Sa Pa của tác giả. "Khi trời vừa nhá nhem, nền trời vẫn còn sáng, thị trấn đã bật đèn, đúng lúc đó mây về và tôi bấm máy được kiểu ảnh này".
     
    "Vươn tới tầm cao" - Nguyễn Thanh Vân
    "Gần hết thời gian nộp ảnh dự thi, tôi nhận thấy chưa có cảnh biểu trưng TP HCM - đô thị hiện đại, ngày một tiến nhanh trên đường hội nhập. Tôi nghĩ ra còn góc nơi trung tâm tài chính của thành phố tôi chưa chụp, thế là rủ người bạn cùng lên cao ốc MC để chụp", tác giả chia sẻ.
     
    "Bình minh Mỹ Khê" - Hoàng Nam Dương
    Bức ảnh được tác giả chụp trong một chuyến đi du lịch với gia đình tại Đà Nẵng. "Tôi đã cố gắng dậy thật sớm để đón được những khoảnh khắc đầu tiên của một ngày mới trên bãi biển Mỹ Khê. Tôi cảm nhận được một vẻ đẹp rất lộng lẫy nhưng cũng rất đỗi bình yên".
     
    "Xuôi dòng" - Nguyễn Hoàng Thanh
    Tác giả cho biết, ảnh được chụp tại Bích Động ngày 11/3/2013 với Canon 5d2 24-105. ISO 100 - 105mm - F6.3 - 1/160.
     
    "Xuân về cao nguyên đá" - Trần Anh Tuấn
    Tác giả chia sẻ: "Bức ảnh được ghi lại trong chuyến đi sáng tác đầu năm tại Cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang. Ảnh này được chụp khi tôi đến gần Đồng Văn, các cháu bé khi thấy có người lạ đến chạy ùa lên để đón chào, hòa vào với những người phụ nữ, người đàn ông đi về bản. Khung cảnh đó lưu luyến mãi trong tôi".
     
    "Lập An soi bóng" - Nguyễn Xuân Duy
    "Bức ảnh Lập An soi bóng được chụp trong một buổi sáng mùa thu đầy nắng. Tôi cùng nhóm bạn đam mê chụp phong cảnh phải đón chuyến xe sớm để di chuyển từ Đà Nẵng ra Huế. Sau khi chụp bình minh sáng đầm Lập An, cảnh sinh hoạt chợ giữa đầm, cảnh các em bé theo cha mẹ ra đầm lượm lặt cá vụn... nhóm chuẩn bị ra về. Bất chợt, tôi nhìn lại, những đám mây trên cao như ùa xuống ôm trọn dãy núi phía sau đầm, mặt nước trong xanh và tĩnh lặng hơn khi không còn khuấy động bởi các loại tàu cá của ngư dân, một chiếc thuyền nan nằm trơ trọi giữa đầm lọt vô khung hình làm tiền cảnh cho một không gian mênh mông của núi, của đầm phía sau. Tự nhiên thấy con người cũng nhỏ bé, lẻ loi trước vẻ hùng tráng kỳ vĩ của thiên nhiên...".
     
    "Làng gốm Vĩnh Long" - Phạm Trí Nhân
    Tác phẩm chụp tại làng gốm Nhơn Phú thuộc huyện Mang Thít, Vĩnh Long.
     
    "Thắng cảnh Gành Đá Đĩa" - Huỳnh Lê Viễn Duy
    Gành Đá Đĩa là một danh thắng thiên nhiên kỳ thú về cảnh quan và độc đáo về địa chất ở Việt Nam, thắng cảnh này nằm tại xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.
    Gành Đá Đĩa là một tập hợp các trụ đá hình lăng trụ xếp liền nhau, hòn nọ nối hòn kia kề với sóng nước. Bãi đá trải rộng san sát nhau chung màu đen huyền bí. Có trụ thẳng đứng, có trụ nghiêng vẹo nhưng vẫn chồng chất tầng tầng trông như chồng bát Đĩa nên có tên gọi là Gành Đá Đĩa. Nhìn từ xa, Gành Đá trông giống một tổ ong thiên tạo khổng lồ kỳ vĩ.
     
    "Nghỉ ngơi" - Phạm Văn Tỵ
    "Trong chuyến đi sáng tác ở biển Tân Thành, Gò Công, sau khi chụp no nê với một bình minh tuyệt đẹp, tôi quay lại thấy con thuyền của ngư dân nằm nghỉ ngơi trên bãi biển khi nước rút. Ánh sáng xiên chiếu vào thân tàu được buộc chặt vào sợi dây neo cùng những vân cát nhờ ánh sáng chiếu vào nổi bật cả tiền cảnh. Một cảm xúc thanh bình về cảnh vật quê hương mang lại cú bấm máy nhanh chóng và bức ảnh ra đời".
     
    "Hà Nội mùa thu" - Đào Việt Hùng
    Bức ảnh được thực hiện sáng 9/10/2014. "Nhân ngày được nghỉ làm, tôi dậy sớm lang thang các phố phường Hà Nội (...) Tôi dừng chân ở Hồ Gươm, nơi cảm nhận rõ ràng nhất những gì của mùa thu Hà Nội. Trong  không gian ấy, tôi bất chợt bắt gặp một khuôn hình quen thuộc nhưng hôm nay thật lạ, một tháp rùa thấp thoáng trong vòng ôm của cành phượng xanh, một cái gì đó mướt mát khác với những gì thường thấy như tháp rùa với những tán cây khô trụi lá hay sương giăng với hai màu đen trắng thường hay mang đến cảm xúc trầm lắng. Chút nắng sớm làm ánh lên chút vàng của nước, khiến tôi cảm nhận được một mùa thu đầy sức sống, mướt mát và mềm mại", tác giả chia sẻ.
     
    "Phố cổ bên sông Lạch Tray" - Vu Dung Pham
    Ảnh chụp phong cảnh một dãy nhà cổ bên sông Lạch Tray, Hải Phòng.
     
    "Chiều muộn" - Nguyễn Ngọc Quỳnh
    "Tấm hình chụp tại Ba Sao, Hà Nam, gần thành phố Phủ Lý trong một buổi chiều muộn đầy cảm xúc. Nơi đây thắng cảnh hữu tình, buổi chiều đầy sương giăng làm khung cảnh trở nên mờ mờ ảo ảo. Trên mặt nước có một thân cây lâu năm đang bị ngập, nó đã bị chết khô vì nước lũ về, nhưng vẫn đứng sừng sững và người đánh cá với ngọn đèn leo lét lặng lẽ giăng lưới trên mặt nước. Tất cả đã tạo cho tôi một cảm xúc thật khó tả. Tôi đã bấm máy hoàn thành tác phẩm này", tác giả kể.
     
    "Một góc biển Cổ Thạch" - Lê Xuân Thoại
    Ảnh được chụp tại biển Cổ Thạch, Bình Thuận.
     
    "Thiên đình Hoàng Su Phì" - Nguyễn Minh Tân
    "Tác phẩm được thực hiện khi cơn bão số 3 (Kalmaegi) vừa đi qua miền Bắc để lại bầu không khí lạnh, mây sương kéo dài bao trùm toàn khu vực miền núi. Một chuyến săn ảnh mùa vàng kéo dài hơn 10 ngày đã đưa tôi đến những vùng đất thiêng liêng của Tổ Quốc. Cả buổi chiều rong ruổi trên những con đường đèo và tôi quyết định dừng chân nơi đây chờ cơ hội, hy vọng một tia nắng mong manh... Và rồi ông trời đã ban thưởng cho tôi một tia nắng hoàng hôn tuyệt đẹp. Mọi thứ đã làm nên cảnh thần tiên hùng vĩ y như thiên đình hạ giới khiến tôi đặt tên cho tác phẩm là Thiên đình Hoàng Su Phì".
     
     "Ngày bình yên" - Trần Thành Quyết
    "Ảnh được chụp tại hồ Đại Ninh, thuộc huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Lúc này cảnh vật đã vào cuối thu, mặt trời lên muộn, sương giăng mờ ảo khắp mặt hồ. Những cành khô đã chết nổi lên, soi bóng trên mặt nước phẳng lặng. Đây đó vài ngư dân qua lại với chiếc xuồng giăng lưới nho nhỏ. Tất cả gợi lên một khung cảnh thật chậm rãi, yên bình", tác giả cho biết.
     
    "Sương sớm trên hồ Đa Mi" - Nguyễn Văn Thương
    Bức ảnh ghi lại cảnh thanh bình như bức tranh thuỷ mặc, vừa nhẹ nhàng, nên thơ, vừa hoang sơ của hồ Đa Mi, Bình Thuận trong sương sớm.
     
    "Non nước hữu tình" - Đỗ Tuyết Trinh
    Bức ảnh được thực hiện cuối tháng 5 năm nay, trong chuyến thăm Tam Cốc - Bích Động với quyết tâm chinh phục góc chụp đẹp nhất và khó chụp nhất. Tác giả đã phải đi thuyền, lội qua nhiều thửa ruộng, con mương để tới cửa hang, sau đó bám vách đá vừa trơn, vừa nhọn để leo lên điểm cao nhất của quả núi. Tại đây, tác giả bắt gặp "vẻ đẹp vừa nên thơ vừa hùng vĩ của con sông Ngô Đồng, uốn lượn như dải lụa mềm giữa những thửa ruộng đang bắt đầu vào vụ gặt. Những dãy núi đá vôi nhấp nhô hai bên như bức thành đồng che chắn cho những thửa ruộng và dòng sông hiền hòa đón đưa những chiếc thuyền của du khách ghé thăm".

    Cuộc thi Ảnh Nghệ thuật VnExpress 2014, do báo VnExpress phối hợp với Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch tổ chức, nhận tác phẩm dự thi từ 28/8 đến 27/10. Sau tám tuần, cuộc thi thu hút gần 39.000 tác phẩm từ hơn 10.000 tác giả tham dự. Trong đó, hơn 1.100 bức ảnh vượt qua vòng sơ loại, được đăng tải trên website http://photo.vnexpress.net/. Sau khi công bố danh sách tác phẩm vòng chung kết. Ban tổ chức sẽ tiếp tục làm việc để chọn ra 2 giải nhất, 2 giải nhì, 2 giải ba và 8 giải khuyến khích (chia đều cho hai thể loại) với tổng giá trị giải thưởng lên đến 500 triệu đồng. Lễ trao giải sẽ diễn ra vào 14h ngày 26/11 tại Trung tâm Hội nghị White Palace ở TP HCM.

    Thứ Hai, 27 tháng 10, 2014

    Nhân "chuyện lạ có thật"

    BBB- Mời Làng đọc thêm 1 bài báo của Nhà báo lão thành Lê Phú Khải, liên quan đến "chuyện lạ có thật" (bài trước, đã đăng trên Blog này): Các Phóng viên (NB) phải ngồi bệt xuống sàn nhà trong tòa nhà QH mới bóc tem, để tác nghiệp trong 1 phiên họp QH vừa qua.
    Xin nói thêm: NB Lê Phú Khải là anh con bác ruột bà Xã tôi, cũng là bạn bè, đồng nghiệp của bạn QT-Calathau (NB lão thành V.H.Quang). Anh Khải cũng tầm tuổi chúng ta. Mỗi lần anh ra HN, tôi thường gặp và chuyện trò... , cởi mở như với các Cụ QL Làng ta.
    Xin phép tải bài này về để Làng đọc.



    26-10-2014

    Suy nghĩ về thân phận nhà báo Việt Nam

    Lê Phú Khải/ BVN
    Ảnh bên:Phóng viên ngồi bệt xuống sàn để tác nghiệp - Ảnh: V. Sự - Tuổi trẻ

    Xem hình ảnh phóng viên phải ngồi dưới sàn để tường thuật họp Quốc hội trên tuoitre.vn ngày 22/10/2014, là một nhà báo lâu niên, đã cả đời cầm bút “phục vụ” chế độ, tôi thấy ngậm ngùi, đau xót và căm phẫn.

     Toà nhà Quốc hội nguy nga, lộng lẫy xây bằng tiền thuế của dân để cho các ông bà đại biểu “đảng cử dân bầu” ngồi làm cảnh cho nền dân chủ của chế độ toàn trị! Người ta tưởng làm như thế, tưởng là xây nhà Quốc hội thật to… thì càng quảng cáo cho “chế độ dân chủ”!
    Tôi nhớ, khi mới tiếp quản Hà Nội, chủ tịch Hồ Chí Minh hỏi quần thần xây trụ sở đảng ở đâu? Người ta tranh nhau tâng công. Người nói xây trụ sở đảng phải ở bên vườn hoa Ba Đình, người nói phải ở cạnh Hồ Tây… Chủ tịch HCM bảo: Các chú đều nói sai cả! Xây trụ sở đảng trong lòng dân là vững bền nhất (!). 
    Không hiểu người ta học tập đạo đức HCM thế nào, mà ngày nay các trụ sở đảng ở các địa phương xây nguy nga tráng lệ đến kệch cỡm như thế, trong lúc ở các bệnh viện Nhi thì ba, bốn cháu phải nằm một giường, các mẹ thì nằm dưới đất!
    Nhà Quốc hội để trưng bày cây kiểng thì quá là nguy nga lộng lẫy, đại biểu nào cũng béo tốt phây phây…, dân oan mất đất có tìm đến gặp, thì các vị đầy tớ của dân tìm cách lánh xa những ông bà chủ đói khát rách rưới này. 
    Nhưng chuyện còn đau lòng và tức cười hơn nữa về cái nhà Quốc hội nguy nga kia, là các nhà báo khi đến Quốc hội để đưa tin phải ngồi dưới sàn… ngước cổ lên, dướn mình lên mà hành nghề (!). Người ta khinh miệt các nhà trí thức, các nhà báo… đến thế kia à? Hay là họ quên mất thời đại này là thời đại thông tin, thế giới phẳng… nhà báo có một vai trò quan trọng trong thế giới @ đó! Vả lại, nhà báo cũng là một thứ cây cảnh như các vị đang ngồi trên những chiếc ghế sang trọng đến choáng ngợp kia! Sao lại phân biệt đối xử với các loại cây cảnh như thế?!
    Viết đến đây tôi nhớ câu chuyện cũng tại Quốc hội cách đây vừa tròn 38 năm. Lúc đó đất nước mới thống nhất, Quốc hội thống nhất họp phiên đầu tiên tại Hà Nội. Tôi được lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam phân công đi làm một cuộc toạ đàm với trí thức Nam Bộ ở Quốc hội thống nhất (1976). Khó khăn lắm tôi mới gặp được đông đủ các vị trí thức Nam Bộ tại nhà khách Thắng Lợi bên Hồ Tây gồm các anh: Lý Chánh Trung, Nguyễn Long, Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Văn Nuôi… để tiến hành cuộc toạ đàm. Băng ghi âm đã làm xong, tôi mừng lắm, chỉ còn đưa phát sóng là hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng hiềm một nỗi là, thiếu bà Ngô Bá Thành, một trí thức Nam Bộ nổi tiếng. Tôi bèn nghĩ ra một “mẹo” là vô Quốc hội, giờ giải lao tìm gặp đại biểu Ngô Bá Thành. Tôi nói với bà Ngô Bá Thành: 
    - Trong cuộc toạ đàm với trí thức Nam Bộ tại Quốc hội kỳ này, tôi đã gặp các anh (…) nhưng còn thiếu mỗi bà, tôi xin phép được “ăn gian” giới thiệu tên bà ở đầu cuộc toạ đàm cho nó… sang.
    Bà Ngô Bá Thành đã cười phá lên và nói: 
    - Tôi mà Nam Bộ cái gì! Tôi là con mẹ Bắc Kỳ sinh ở phố Nhà Thương Chó tại Hà Nội này. Anh muốn giới thiệu tôi vào đâu cũng được!
    Cũng xin mở ngoặc nói thêm để bạn đọc rõ, phố Nhà Thương Chó là phố Yersin ở Hà Nội, do ở đó có một căn nhà chuyên nhốt chó dại để thí nghiệm nên người Hà Nội gọi như thế. Lâu ngày “chết” tên luôn! Giống như Ngã Năm Chuồng Chó ở Sài Gòn, Phố Lò Bánh Mỳ, Phố Cửa Hàng Thịt ở Paris vậy. 
    Lại nói về cái buổi chiều ở Quốc hội thống nhất năm đó. Sau khi được bà Ngô Bá Thành đồng ý cho đưa tên vào chương trình toạ đàm, tôi tìm đến chỗ các đồng nghiệp báo chí đang hành nghề ở Quốc hội, và chứng kiến một câu chuyện nhớ đời! Ở đây đang diễn ra một cuộc tranh cãi nẩy lửa! Một phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã chửi thề: ĐM…! Thế ra ba thằng bồi bút không bằng một con bồi bàn!
    Số là, Quốc hội họp, có phát phiếu để các đại biểu và những người phục vụ tại Quốc hội mua hàng ngay tại quầy hàng tại chỗ. Thời bao cấp, phiếu mua hàng giá cung cấp giá trị lắm. Thời đó có câu ngạn ngữ: Bán như cho, mua như cướp! Phiếu mua hàng mua được cả áo len “giá như cho” thì quý lắm! 
    Nhưng chẳng hiểu thế nào, các chị nhân viên bưng bê, phục vụ giải khát giờ giải lao tại Quốc hội cũng được phát mỗi người một phiếu. Trong khi đó các nhà báo thì ba người mới được một phiếu nên phải bốc thăm (!). 
    Vì thế mới có “tuyên bố hùng hồn”: - Thì ra ba thằng bồi bút mới bằng một con bồi bàn!!!
    Câu nói “bất hủ” đó được mau chóng lan truyền đi, đã đến tai Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh.
    Hết giờ làm việc, Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh đã yêu cầu triệu tập họp báo. Tại cuộc họp mặt đó, ông Trường chinh đã xin lỗi các nhà báo.
    Sau cuộc họp, tôi thấy các đồng nghiệp của tôi bàn tán và tỏ ra kính trọng thái độ của ông Trường Chinh. 
    Không biết cái văn hoá xin lỗi ấy có còn đến bây giờ với những nhà thiết kế cái nhà Quốc hội nguy nga tráng lệ kia khi họ quên không làm chỗ hành nghề cho các nhà báo! Không biết ông Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng có cảm thấy nhục khi để các nhà báo phải ngồi tác nghiệp dưới sàn không? Liệu ông có xin lỗi không? 
    10/2014
    L.P.K.

    Thứ Sáu, 24 tháng 10, 2014

    Chuyện lạ ... có thật!.


    BBB - .XEM ẢNH VÀ CẢM NHẬN

    Có lẽ đa số trong chúng ta đã được trực tiếp hoặc gián tiếp (qua TV, mạng...) ngắm "dung nhan" của tòa nhà QH vừa mới "bóc tem" trên mảnh đất Thăng Long. Chúng ta đã được đọc rất nhiều bài ca ngợi về quy hoạch và kiến trúc... của nó. Ngoài ý nghĩa chính trị, lịch sử, phong thủy, tâm linh ...ra (Cái này chưa bàn ở đây). Nào là đẹp, hiện đại, đảm bảo công năng sử dụng....
    Một đất nước nợ công còn "ngất ngưởng" mà vẫn cho xây... (Trong khi ta hiện nay chưa thiếu chỗ họp).  Nhiều người đã nêu câu hỏi: Sau khi các "cụ" đảng cử dân bầu hiện nay về... thì ai sẽ trả? và lấy gì mà trả cho món nợ xây "tòa lâu đài
    hoành tráng" này và hàng trăm món nợ khổng lồ, do đầu tư không đúng chỗ, do làm ăn vô trách nhiệm, do lãng phí, tham nhũng, do lợi ích nhóm, do "bệnh hoành tráng-sĩ diện hão"... gây ra?.
    Thực ra ở đây tôi không muốn bàn đến "chuyện ấy"nữa, lại làm các Cụ bức xúc. 

    Ở đây tôi muốn các Cụ thấy một "chuyện lạ có thật" ở tòa nhà QH (Xây dựng tốn quá nhiều tiền của Dân, lại qua rất nhiều cấp "phê"... duyệt ) mà đến nỗi ... "vẫn bố trí" chỗ cho phóng viên ngồi bệt dưới đất mà ... tác nghiệp, mà "phóng... sự".
    Nhìn thật là "cám cảnh"..., đến ngay vị ĐBQH và một nhà văn đã phải công khai phát biểu.
    Tôi nghĩ rằng, khi nhìn thấy cảnh này; cụ Nhà báo CM Calathau và các Cụ Làng ta cũng có không ít ý kiến và cảm xúc sẽ ... "trào dâng!".


    Phóng viên phải ngồi dưới sàn tường thuật họp quốc hội

    Đại biểu QH (Tp HCM) Trần Du Lịch - (tuoitre.vn)


    TT- Nhìn thấy cảnh các phóng viên không có chỗ ngồi, phải ngồi bệt trên sàn để tác nghiệp trong buổi thảo luận tổ ngày 21-10, nói thật là tôi thấy rất phản cảm. 
    Phóng viên ngồi bệt xuống sàn để tác nghiệp - Ảnh: V.Sự
    Tôi đã nhờ các bạn phóng viên chụp hình, ghi lại những cảnh này để đề xuất lên Văn phòng Quốc hội tạo điều kiện cho phóng viên tác nghiệp tốt hơn.
    Nhiều phòng họp của tòa nhà Quốc hội mới rất hiện đại, đẹp nhưng quy mô hẹp quá. Ðặc biệt là khi thảo luận ở tổ, những đoàn đại biểu như đoàn TP.HCM, phóng viên tập trung rất đông, dẫn đến không đủ chỗ ngồi và phóng viên phải tìm mọi ngóc ngách để có thể tác nghiệp.
    Tôi đề nghị phải bố trí thêm các ghế nhỏ đặt xung quanh cho phóng viên. Ðại biểu Quốc hội ngồi họp trên ghế, còn phóng viên ngồi tác nghiệp dưới đất nhìn lên thì tôi thấy không ổn chút nào.
    Thông qua báo chí phản ánh những ngày đầu tiên của kỳ họp này, tôi cũng được biết có gần 400 phóng viên đưa tin ở Quốc hội nhưng chỉ có 40 thẻ sự kiện để phát cho phóng viên vào hành lang hội trường giờ giải lao để tiếp cận đại biểu mỗi ngày.
    Hành lang của Quốc hội cũng hẹp nên không đủ chỗ để các phóng viên vào cùng lúc để phỏng vấn đại biểu.
    Quốc hội phải tạo điều kiện cho báo chí hoạt động, điều này rất quan trọng, vì đây là cầu nối giữa Quốc hội với cử tri.
    Nếu báo chí bị hạn chế điều kiện tác nghiệp thì hoạt động của đại biểu, chính kiến của đại biểu vì thế cũng sẽ ít được phản ánh đến cử tri hơn.
    Trích dẫn bài viết của Nhà văn Võ Thị Hảo
    Phóng viên ngồi bệt chầu …chân ghế QH
    Hình ảnh những phóng viên phải ngồi bệt dưới đất ngửa cổ “chầu” lên chân ghế các vị đại biểu quốc hội(ĐBQH) đang họp đã khiến nhiều người phẫn nộ.
    ĐBQH ngự trên những chiếc ghế da choáng lộn được sắm bằng tiền dân. Những vầng trán và con mắt  phóng viên  dù có cố vươn lên  thì cũng chỉ cao ngang …chỗ đặt mông của các vị ĐBQH. (ảnh đăng trên Tuổi trẻ.vn trong bài “Phóng viên phải ngồi dưới sàn tường thuật họp QH-  22/10/2014).
     
      QH với lý do tồn tại là phải giám sát các cơ quan công quyền, luôn lắng nghe và bảo vệ quyền lợi công dân mà còn đối xử với báo chí như vậy thì dân còn bị khinh miệt đến mức nào?!
       – Trong hơn 60.000m2 diện tích của tòa nhà QH mới xây nguy nga đồ sộ, cao tới 39m, trong hơn 80 phòng họp, trong đó phòng họp chính với sức chứa 600 người, trang bị hết sức đắt tiền (theo Vietnamnet , “Cận cảnh tòa nhà QH cực hiện đại – 21/10/2014), báo chí và người dân VN có mét vuông nào không? Qua theo dõi cho thấy, cứ đà này, họ sẽ ngày càng bị ghẻ lạnh và xua đuổi. Nếu như thế, Tòa nhà QH liệu rồi có giống những tòa công sở “chết”, trong đó “cao cao tại thượng” là những quan chức do dân mà lên ngôi to lộc lớn để rồi ngày càng xa dân, ngày càng vô cảm với nguyện vọng và nỗi đau của nhân dân?!
    Nguồn - (Blog quechoa)

    Thứ Bảy, 27 tháng 9, 2014

    Bài phát biểu của GS Tương Lai tại Đại hội 8 MTTQVN


    BBB- TBT Nguyễn Phú Trọng vừa có bài phát biểu tại ĐH 8 MTTQVN. VTV truyền hình trực tiếp và gọi là bài phát biểu "quan trọng"(?!). (Vì bất cứ bài nào của TBT, họ đều gọi là "quan trọng" cả nên thú thật là tôi hơi bị "dị ứng" với kiểu "Giật tít" này của nhà đài, nên chỉ nghe lõm bõm).
    Tôi đọc bài phát biểu của anh Tương Lai thấy rất thẳng thắn, chí lý, chí tình, sâu sắc.. Tôi cho rằng Không kém phần.... quan trọng.Vì thế xin phép tải về để các Cụ cùng đọc.

    26-09-2014

    Phát biểu tại Đại hội MTTQVN lần thứ 8

    Gs Tương Lai/
    Kính thưa các cụ,
    Thưa ông Chủ tịch Mặt trận, thưa qúy vị
    Đến hẹn lại lên, tôi xin được phát biểu hai vấn đề, nhưng tuy hai mà một. Và có lẽ đây là lần cuối có mặt ở diễn đàn Mặt trận, tôi xin phép nói dài một chút, đương nhiên cũng chỉ trên 15 phút chút ít.

    1.Vấn đề quan trọng nhất cần tập trung phản biện và giám sát là gì?
    Văn kiện của Mặt trận ghi là giám sát và phản biện, tôi đảo ngược lại để nhấn mạnh  rằng thế là cuối cùng cái gì cần đến rồi cũng phải đến. Chỉ có điều "hơi bị lâu".Và người gánh chịu hệ lụy đó là dân, là người dân trong sự lạc hậu của đất nước nghìn năm văn hiến này!
    Giáo sư Lưu Văn Đạt luôn nhắc tôi anh đừng nôn nóng, vì những tham luận, phát biểu của tôi tại diễn đàn Mặt trận, các Hội thảo do các Hội đồng Tư vấn chủ trì, mà riêng cụ Đạt làm chủ tọa thì đã có ba cuộc trong suốt nhiệm kỳ qua, và ngay cả trong nhiệm kỳ trươc nữa, đều quyết liệt nói đến sứ mệnh phản biện của Mặt trận. Quyêt liêt đến độ tôi nói rõ phải thực thi chức năng phản biện nếu Mặt Trận không cam chịu làm một thứ cây kiểng vô duyên được nuôi trồng bằng tiền thuế của dân. Và rồi những tham luận hay gọi là "báo cáo khoa học" ấy đều được lưu trong ngăn kéo, chắc là ngăn kéo của ông Tổng Thư ký Vũ Trọng Kim. 
    Cụ Đạt dạy chí phải : trên chưa cho! "Trên" là "trên" nào đây?
    Tôi đành tự an ủi trong niềm ưu tư " Xanh kia thăm thẳm từng trên. Vì ai gây dựng cho nên nỗi này". "Nên nỗi này" không chỉ là lời của tác giả Chinh phụ ngâm! Một kẻ hậu sinh sống trong thế kỷ XXI này là anh Bảy Nhị, nguyên Chủ tịch An Giang có bài viết ngày 21.6.2012 với cái tít rớm lệ "Nước non mình đến nỗi nầy sao!". Tôi đọc mà những muốn khóc theo, cố thử hình dung tâm trạng của ông bạn tôi,vốn quen lội ruộng hơn ngồi trước bàn cầm bút này, liệu có như tâm trạng nàng Kiều "một cung gió thảm mưa sầu, bốn giây rỏ máu năm đầu ngón tay" khi viết những dòng này không? Trong nỗi niềm ấy, trước diễn đàn này tôi kiến nghị : nội dung, phương thức phản biện và giám sát của Mặt Trận cần tập trung vào cái chuyện lớn đó, làm rõ nguyên nhân cơ bản ở tầm vĩ mô, cũng như những chủ trương, đường lối, giải pháp của từng thời đoạn để chỉ rõ "nước non mình" vì sao mà "đến nỗi này".
    "Nỗi" làm sao? "nỗi này" là cái nỗi gì? 
    Xin không vòng vo ẩn dụ nữa :"Cách đây bốn, năm mươi năm, VN và Hàn Quốc có trình độ phát triển tương đương. Sau mấy mươi năm, tôi rà lại tư liệu thì thấy Hàn Quốc hiện có khoảng 90.000 người sống tại VN và VN cũng có 90.000 người sống ở Hàn Quốc. Chỉ khác nhau ở chỗ hầu hết người Hàn Quốc tại VN làm ông chủ, làm quản lý, còn người VN ở Hàn Quốc thì chủ yếu làm ôsin. Nghe mà xót lòng". Đây là nỗi "xót lòng" của ông Vũ Ngọc Hoàng, Phó ban thường trực đã nói trong Hội nghị toàn quốc hướng dẫn tổ chức kỷ niệm 45 năm thực hiện di chúc do Ban Tuyên giáo TƯ tổ chức. [Tuổi trẻ. 21.8.2014
    * Xem phụ lục
    Nỗi "xót lòng" đó càng như bị xát muối thêm bởi mấy con số do ILO [Tổ chức Lao động quốc tế] công bố về năng suất lao động của Việt Nam năm 2013 thuộc nhóm thấp nhất Châu Á-Thái Bình Dương: thấp hơn Singapore 15 lần, Nhật 11 lần, Hàn Quốc 10 lần, bằng 1/5 Malasia và 2/5 Thái Lan! Ấy thế mà bài học của một thời phải thuộc nằm lòng cái nguyên lý cơ bản về năng suất lao động là cái quyết định làm cho CNXH hơn CNTB. Thua CNTB về năng suất lao động nhưng Việt Nam ta lại hơn đứt họ về sự chơi sang của giới qu‎ý‎ tộc mới. Thì đây : báo Tuổi Trẻ đăng một bài viết về cửa hàng Hermes ở Hà Nội nhập về mười bộ túi xách thời trang mới nhất. Mỗi bộ gồm bốn chiếc mang bốn màu khác nhau. Giá của một bộ bốn chiếc túi này là 1.400.000 USD [tương đương 29 tỷ đồng VN], và người ta chỉ bán bộ chứ không bán lẻ! Loáng một cái là hết sạch. Nhiều người còn trách móc tay quản lý cửa hàng là sao không để dành cho mình". Hỏi ai trách? Trả lời "Các quý phu nhân và các quý tiểu thư". Xin biết cho rằng Hiệp hội Hàng xa xỉ thế giới đã xếp Hermes đứng đầu bảng trong danh mục các nhãn hiệu xa xỉ và ông Patrick Thomas, chủ tịch tập đoàn này khẳng định : "Hermes tại VN vẫn tăng trưởng đều từ 20-30% trong những năm qua "! 
    Có nghĩa là những người tiêu thụ hàng xa xỉ bậc nhất thế giới ở Việt Nam sẽ tăng trưởng đều đều, điều này tỷ lệ thuận với tham nhũng khi mà đất nước đã sập bẫy thu nhập trung bình với những chỉ báo rất rõ như : tăng trưởng GDP của VN chậm lại, năng suất lao động kém, chuyển dịch cơ cấu chỉ mang tính hình thức, trì trệ trong các bảng xếp hạng toàn cầu và đã gặp các vấn đề nảy sinh do tăng trưởng như ô nhiễm, tham nhũng, bong bóng bất động sản, chênh lệch giàu nghèo...
    Đương nhiên, phản biện tuyệt đối không chỉ moi móc cái xấu, cái dở mà phải biết chắt chiu từng điểm sáng, những khởi sắc có sức sưởi ấm lòng người như chuyện con đường Nội Bài-Lào Cai vừa thông xe cách đây 4 hôm mở ra một viễn ảnh sáng sủa cho cả một vùng Tây Bắc giàu tiềm năng chẳng hạn. Phải chắt chiu, vì chúng rất quý và hiếm giữa những mảng tối tràn lan. 
    Nhưng chắt chiu từng điểm sáng không mâu thuẫn với trung thực và mạnh dạn phơi bày những mảng tối khi mà những mảng tối ấy lại quá dày, nó báo hiệu nguy cơ mât còn. Thì chẳng phải là chính ông Chủ tịch nước đã nói trong bài viết nhân 2.9 khi trích dẫn câu của người xưa về những nguy cơ làm mất nước: “Một, trẻ không kính già; hai, trò không trọng thầy; ba, binh kiêu tướng thoái; bốn, tham nhũng tràn lan; năm, sỹ phu ngoảnh mặt”, cả 5 yếu tố ấy xem ra đã hội đủ mà không ai là không thấy đó sao? [Trong nguyên bản,ông Chủ tịch Nước viết câu này là của Lê Quý Đôn, nhưng tôi tra cứu mãi không tìm ra xuất xứ, hỏi một số học giả quen biết thì chưa ai chỉ cho tôi cứ liệu xác đáng, nên tôi tạm gọi là lời người xưa, mong các bậc cao minh chỉ giáo]
    Vậy thì, nội dung cơ bản nhất của sự giám sát và phản biện mà Mặt trận đảm nhiệm phải hướng vào là gì nếu không phải là thực tế nóng bỏng đó, "vì ai gây dựng cho nên nỗi này"? Theo tôi, đây nên là một điểm đột phá của công tác Mặt trận
    Thật ra, nói cho rốt ráo thì cái gọi là "đột phá" này vốn là chức năng đích thực, là sứ mệnh của Mặt trận tổ quốc Việt Nam ngay khi thành lập. Xin nhớ lại tham luận của luật sư Nguyễn Mạnh Tường tại cuộc họp Mặt trận Tổ quốc ở Hà Nội ngày 30.10.1956 . Nhà trí thức lớn ấy đã chỉ ra một cách toàn diện những khuyết tật của thể chế sẽ kéo lùi đất nước nếu không sớm khắc phục. Và lời tiên đoán của ông đã được chứng minh. Chỉ có điều đau xót là, sau phản biện tâm huyết ấy vị học giả đáng kính đã bị "rút phép thông công" như lời ông viết sau này. Vì thế, nói đột phá cũng là  nói hãy trở về với đúng chức năng đích thực của Mặt trận khi cái xiềng phản dân chủ đã tháo gỡ được vài cái mắt xích do thời cuộc đưa đẩy.  [mời xem phần phụ lục 1 và 2 ở cuối trang]
    2. Trước mắt, cần tập trung giám sát và phản biện đường lối, chính sách đối nội và đối ngoại nhằm đối phó với bọn xâm lược đã tự phơi bày bộ mặt nham hiểm và độc ác của chúng.
    Cũng chỉ mới cách đây không lâu, ai chạm đến cái gọi là "điểm nhạy cảm" này thì hãy coi chừng! Khi người ta dám ngang nhiên đục bỏ bia kỷ niệm những liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến tranh biên giới, kiêng kỵ nhắc đến cuộc chiến với tội ác của 60 vạn quân xâm lược gây ra đối với quân dân ta trên các tỉnh biên giới mà Đặng Tiểu Bình hỗn xược tuyên bố là "để dạy cho Việt Nam một bài học", không dám gọi đích danh tàu của kẻ cướp còn tệ hại hơn bọn cướp biển vì chúng dám xâm phạm vùng biển của ta, đáng đập cướp bóc ngư dân ta mà phải gọi là "tàu lạ" thì rõ ràng là đã có một cái gì khuất tất ẩn dấu trong cuộc gặp ở Thành Đô mà cho đến nay, những trao đổi và ký kết gì đó vẫn còn u u minh minh, thì đây chính là một câu hỏi lớn chưa lời đáp. 
    Nếu Mặt trận dám tự nhận mình là tiếng nói của dân, phản ánh ý chí và nguyện vọng của dân thì phải thẳng thẳn đặt ra vấn đề ra với những người đang gánh vác trọng trách trước nhân dân, yêu cầu phải giải trình một cách công khai và minh bạch trước dân. Nếu Mặt trận không nhận thức rõ đây là nội dung bức xúc nhất cần giám sát và phản biện thì Măt trận không làm tròn sứ mẹnh của mình trước dân, người ta có thể gọi đó là sự phản bội dân.
    Thế rồi, quả là phải "cám ơn cái giàn khoan", nó như mảnh giấy quỳ nhúng vào dung dịch thử. Nó giữ nguyên màu tím hay ngả sang màu xanh hoặc chuyển sang màu đỏ để biết nó là "trung tính", "mang tính kiềm" hay "mang tính axit" nhằm lộ diện ai là ai, "thanh thiên bạch nhật rõ ràng cho coi". Quả thật "trong ánh chớp của những cơn giông sáng lòe của một giai đoạn chuyển động, người ta thấy các sự việc và con người như trần truồng..." mà Einstein từng viết.
    Chính  cái giàn khoan "made in China" ấy đã làm nổi rõ lên sự sòng phẳng, minh bạch của lời tuyên bố dứt khoát : "Việt Nam luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc" thể hiện được ý chí và khát vọng của mọi tầng lớp nhân dân, đi thẳng vào lòng người, chạm đến điểm sâu kín nhất, thiêng liêng nhất trong tâm thế dân tộc.
    Cho nên, sách lược mềm dẻo biểu hiện sự biết mình, biết người, linh hoạt trong ứng xử trên mặt trận ngoại giao là phương thức cần thiết để giữ hòa khí, tránh bớt những căng thẳng đẩy tới những đụng độ không cần thiết. Thế nhưng, phải có bản lĩnh và khí phách của Trần Bình Trọng, Trần Hưng Đạo thì mới có thể vận dụng được sách lược ấy. Còn nếu trong đầu đã ấp ủ tâm thức đầu hàng để giữ cái ghế quyền lực như Trần Ích Tắc, Trần Kiện thì nhu nhược và đê hèn là điều dễ hiểu cho dù được ngụy trang khéo đến đâu. Vả chăng, khi dụng sách lược ấy, phải hiểu rất rõ Trung Quốc là kẻ mà lời nói không bao giờ đi đôi với việc làm, chưa lúc nào bỏ thói quen tráo trở, "xi nhan" bên phải nhưng bẻ tay lái về bên phải là chuyện cơm bữa của họ mà thế giới biết quá rõ.
     Độc chiếm Biển Đông là "quốc sách" nhằm thực hiện "giấc mơ Trung Hoa" của họ. Tiến hành nâng cấp, xây dựng các đảo chìm, đảo nổi đâu phải bây giờ họ mới làm. Đó là những hành động nằm trong chiến lược “xâm lược mềm” của họ từ lâu. Hiện họ đang xây dựng sân bay, quân cảng, khu hậu cần lớn trên đảo Gạc Ma. Đây là một hành động cực kỳ nham hiểm mà ta cần phải có phản đối quyết liệt hơn nữa trước công luận của thế giới.
    Cho nên, cho dù là chúng ta đã rất cố gắng trong việc duy trì đàm phán với Trung Quốc để giải quyết các bất đồng, đưa ra các cương lĩnh cơ bản, thậm chí ngay cả khi họ gây ra những hành động rất trắng trợn như việc hạ đặt giàn khoan HD981 ta vẫn làm điều đó nhưng kết quả thế nào thật đã rõ như ban ngày, người lú lẫn nhất cũng đã phải thấy. 
    Không thể tiếp tục thỏa thuận với Trung Quốc những điều vô nghĩa khi họ luôn tráo trở. Bởi làm như thế không khác gì tạo điều kiện cho Trung Quốc lợi dụng để đánh lừa công luận, bóp méo sự thật. Hơn nữa, sẽ làm cho bạn bè của ta trong khối ASEAN nghi ngờ về quyết tâm của ta, những cường quốc có chung mối quan tâm vì lợi ích của chính họ trên con đường huyết mạch trên biển e ngại về chính sách "đi giây" nguy hiểm của một bộ phận những người cầm quyền Việt Nam. 
    Thời gian không chờ đợi. Bởi vậy, chúng ta bắt buộc phải kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Đây là việc phải làm ngay. Chần chừ, là sập bẫy của Trung Quốc và có tội với đất nước. Nhà cầm quyền TQ sẽ còn tung ra nhiều chiêu lừa mị đánh trúng vào điểm yếu của ai đó còn hy vọng hão quyền vào cái mặt nạ "cùng chung ý thức hệ XHCN" được phủ thêm một lớp son bốn tốt và mười sáu chữ bịp bợm. Chính vì thế, điểm đột phá của công tác Mặt trận sắp tới không thể là gì khác việc tập trung giám sát và phản biện vào đường lối, chủ trương và giải pháp cứu nước, chống Trung Quốc xâm lược. Được nghe trình bày dự thảo về "Lời kêu gọi" của Đại hội Mặt trận tôi quá bất ngờ và không thể không kìm được sự phẫn nộ. Đất nước lâm nguy, kẻ xâm lược đang trăm mưu nghìn kế uy hiếp ta, thế mà "Lời kêu gọi" của Đại hội chẳng có một câu lên án, cứ như thể mọi việc đều đang thoải mái " vui vẻ trẻ trung" trong Hội trường máy lạnh thật hoành tráng, sang trọng này!
    Tôi xin kết thúc bài phát biểu đã quá dài với niềm tin vững chắc rằng : Người ta chỉ có thể lừa bịp được vài người trong mọi lúc, lừa được mọi người trong vài lúc, nhưng không thể lừa được mọi người trong mọi lúc! Đấy là lời của Abraham Lincoln.

                     
    ............................
    PHỤ LỤC [không đọc vì sợ chiếm quá nhiều thì giờ].
    *Tôi có cảm tình với anh cũng từ một chuyện liên quan đến cái cái chữ "trên" này. Trong một dịp gặp anh khi anh là bí thư tỉnh ủy Quảng Nam, nhân chuyện gì đấy tôi quên mất rồi, anh nói " công văn, chỉ thị, báo cáo mà Văn phòng soạn đưa bí thư xem và ký, bao giờ tôi cũng sửa chữ "dưới sự lãnh đạo của Đảng" thành chữ "với sự lãnh đạo của Đảng". Tôi nghĩ bụng "tay này chơi được đây, một lóe sáng của trí tuệ đất Quảng chứ chẳng đùa". Dạo ấy, tôi có đem chuyện này nói với ông Sáu Dân, thấy ông trầm ngâm, trong ánh mắt thoáng có nét suy tư, day dứt.