Thứ Bảy, 27 tháng 9, 2014

Bài phát biểu của GS Tương Lai tại Đại hội 8 MTTQVN


BBB- TBT Nguyễn Phú Trọng vừa có bài phát biểu tại ĐH 8 MTTQVN. VTV truyền hình trực tiếp và gọi là bài phát biểu "quan trọng"(?!). (Vì bất cứ bài nào của TBT, họ đều gọi là "quan trọng" cả nên thú thật là tôi hơi bị "dị ứng" với kiểu "Giật tít" này của nhà đài, nên chỉ nghe lõm bõm).
Tôi đọc bài phát biểu của anh Tương Lai thấy rất thẳng thắn, chí lý, chí tình, sâu sắc.. Tôi cho rằng Không kém phần.... quan trọng.Vì thế xin phép tải về để các Cụ cùng đọc.

26-09-2014

Phát biểu tại Đại hội MTTQVN lần thứ 8

Gs Tương Lai/
Kính thưa các cụ,
Thưa ông Chủ tịch Mặt trận, thưa qúy vị
Đến hẹn lại lên, tôi xin được phát biểu hai vấn đề, nhưng tuy hai mà một. Và có lẽ đây là lần cuối có mặt ở diễn đàn Mặt trận, tôi xin phép nói dài một chút, đương nhiên cũng chỉ trên 15 phút chút ít.

1.Vấn đề quan trọng nhất cần tập trung phản biện và giám sát là gì?
Văn kiện của Mặt trận ghi là giám sát và phản biện, tôi đảo ngược lại để nhấn mạnh  rằng thế là cuối cùng cái gì cần đến rồi cũng phải đến. Chỉ có điều "hơi bị lâu".Và người gánh chịu hệ lụy đó là dân, là người dân trong sự lạc hậu của đất nước nghìn năm văn hiến này!
Giáo sư Lưu Văn Đạt luôn nhắc tôi anh đừng nôn nóng, vì những tham luận, phát biểu của tôi tại diễn đàn Mặt trận, các Hội thảo do các Hội đồng Tư vấn chủ trì, mà riêng cụ Đạt làm chủ tọa thì đã có ba cuộc trong suốt nhiệm kỳ qua, và ngay cả trong nhiệm kỳ trươc nữa, đều quyết liệt nói đến sứ mệnh phản biện của Mặt trận. Quyêt liêt đến độ tôi nói rõ phải thực thi chức năng phản biện nếu Mặt Trận không cam chịu làm một thứ cây kiểng vô duyên được nuôi trồng bằng tiền thuế của dân. Và rồi những tham luận hay gọi là "báo cáo khoa học" ấy đều được lưu trong ngăn kéo, chắc là ngăn kéo của ông Tổng Thư ký Vũ Trọng Kim. 
Cụ Đạt dạy chí phải : trên chưa cho! "Trên" là "trên" nào đây?
Tôi đành tự an ủi trong niềm ưu tư " Xanh kia thăm thẳm từng trên. Vì ai gây dựng cho nên nỗi này". "Nên nỗi này" không chỉ là lời của tác giả Chinh phụ ngâm! Một kẻ hậu sinh sống trong thế kỷ XXI này là anh Bảy Nhị, nguyên Chủ tịch An Giang có bài viết ngày 21.6.2012 với cái tít rớm lệ "Nước non mình đến nỗi nầy sao!". Tôi đọc mà những muốn khóc theo, cố thử hình dung tâm trạng của ông bạn tôi,vốn quen lội ruộng hơn ngồi trước bàn cầm bút này, liệu có như tâm trạng nàng Kiều "một cung gió thảm mưa sầu, bốn giây rỏ máu năm đầu ngón tay" khi viết những dòng này không? Trong nỗi niềm ấy, trước diễn đàn này tôi kiến nghị : nội dung, phương thức phản biện và giám sát của Mặt Trận cần tập trung vào cái chuyện lớn đó, làm rõ nguyên nhân cơ bản ở tầm vĩ mô, cũng như những chủ trương, đường lối, giải pháp của từng thời đoạn để chỉ rõ "nước non mình" vì sao mà "đến nỗi này".
"Nỗi" làm sao? "nỗi này" là cái nỗi gì? 
Xin không vòng vo ẩn dụ nữa :"Cách đây bốn, năm mươi năm, VN và Hàn Quốc có trình độ phát triển tương đương. Sau mấy mươi năm, tôi rà lại tư liệu thì thấy Hàn Quốc hiện có khoảng 90.000 người sống tại VN và VN cũng có 90.000 người sống ở Hàn Quốc. Chỉ khác nhau ở chỗ hầu hết người Hàn Quốc tại VN làm ông chủ, làm quản lý, còn người VN ở Hàn Quốc thì chủ yếu làm ôsin. Nghe mà xót lòng". Đây là nỗi "xót lòng" của ông Vũ Ngọc Hoàng, Phó ban thường trực đã nói trong Hội nghị toàn quốc hướng dẫn tổ chức kỷ niệm 45 năm thực hiện di chúc do Ban Tuyên giáo TƯ tổ chức. [Tuổi trẻ. 21.8.2014
* Xem phụ lục
Nỗi "xót lòng" đó càng như bị xát muối thêm bởi mấy con số do ILO [Tổ chức Lao động quốc tế] công bố về năng suất lao động của Việt Nam năm 2013 thuộc nhóm thấp nhất Châu Á-Thái Bình Dương: thấp hơn Singapore 15 lần, Nhật 11 lần, Hàn Quốc 10 lần, bằng 1/5 Malasia và 2/5 Thái Lan! Ấy thế mà bài học của một thời phải thuộc nằm lòng cái nguyên lý cơ bản về năng suất lao động là cái quyết định làm cho CNXH hơn CNTB. Thua CNTB về năng suất lao động nhưng Việt Nam ta lại hơn đứt họ về sự chơi sang của giới qu‎ý‎ tộc mới. Thì đây : báo Tuổi Trẻ đăng một bài viết về cửa hàng Hermes ở Hà Nội nhập về mười bộ túi xách thời trang mới nhất. Mỗi bộ gồm bốn chiếc mang bốn màu khác nhau. Giá của một bộ bốn chiếc túi này là 1.400.000 USD [tương đương 29 tỷ đồng VN], và người ta chỉ bán bộ chứ không bán lẻ! Loáng một cái là hết sạch. Nhiều người còn trách móc tay quản lý cửa hàng là sao không để dành cho mình". Hỏi ai trách? Trả lời "Các quý phu nhân và các quý tiểu thư". Xin biết cho rằng Hiệp hội Hàng xa xỉ thế giới đã xếp Hermes đứng đầu bảng trong danh mục các nhãn hiệu xa xỉ và ông Patrick Thomas, chủ tịch tập đoàn này khẳng định : "Hermes tại VN vẫn tăng trưởng đều từ 20-30% trong những năm qua "! 
Có nghĩa là những người tiêu thụ hàng xa xỉ bậc nhất thế giới ở Việt Nam sẽ tăng trưởng đều đều, điều này tỷ lệ thuận với tham nhũng khi mà đất nước đã sập bẫy thu nhập trung bình với những chỉ báo rất rõ như : tăng trưởng GDP của VN chậm lại, năng suất lao động kém, chuyển dịch cơ cấu chỉ mang tính hình thức, trì trệ trong các bảng xếp hạng toàn cầu và đã gặp các vấn đề nảy sinh do tăng trưởng như ô nhiễm, tham nhũng, bong bóng bất động sản, chênh lệch giàu nghèo...
Đương nhiên, phản biện tuyệt đối không chỉ moi móc cái xấu, cái dở mà phải biết chắt chiu từng điểm sáng, những khởi sắc có sức sưởi ấm lòng người như chuyện con đường Nội Bài-Lào Cai vừa thông xe cách đây 4 hôm mở ra một viễn ảnh sáng sủa cho cả một vùng Tây Bắc giàu tiềm năng chẳng hạn. Phải chắt chiu, vì chúng rất quý và hiếm giữa những mảng tối tràn lan. 
Nhưng chắt chiu từng điểm sáng không mâu thuẫn với trung thực và mạnh dạn phơi bày những mảng tối khi mà những mảng tối ấy lại quá dày, nó báo hiệu nguy cơ mât còn. Thì chẳng phải là chính ông Chủ tịch nước đã nói trong bài viết nhân 2.9 khi trích dẫn câu của người xưa về những nguy cơ làm mất nước: “Một, trẻ không kính già; hai, trò không trọng thầy; ba, binh kiêu tướng thoái; bốn, tham nhũng tràn lan; năm, sỹ phu ngoảnh mặt”, cả 5 yếu tố ấy xem ra đã hội đủ mà không ai là không thấy đó sao? [Trong nguyên bản,ông Chủ tịch Nước viết câu này là của Lê Quý Đôn, nhưng tôi tra cứu mãi không tìm ra xuất xứ, hỏi một số học giả quen biết thì chưa ai chỉ cho tôi cứ liệu xác đáng, nên tôi tạm gọi là lời người xưa, mong các bậc cao minh chỉ giáo]
Vậy thì, nội dung cơ bản nhất của sự giám sát và phản biện mà Mặt trận đảm nhiệm phải hướng vào là gì nếu không phải là thực tế nóng bỏng đó, "vì ai gây dựng cho nên nỗi này"? Theo tôi, đây nên là một điểm đột phá của công tác Mặt trận
Thật ra, nói cho rốt ráo thì cái gọi là "đột phá" này vốn là chức năng đích thực, là sứ mệnh của Mặt trận tổ quốc Việt Nam ngay khi thành lập. Xin nhớ lại tham luận của luật sư Nguyễn Mạnh Tường tại cuộc họp Mặt trận Tổ quốc ở Hà Nội ngày 30.10.1956 . Nhà trí thức lớn ấy đã chỉ ra một cách toàn diện những khuyết tật của thể chế sẽ kéo lùi đất nước nếu không sớm khắc phục. Và lời tiên đoán của ông đã được chứng minh. Chỉ có điều đau xót là, sau phản biện tâm huyết ấy vị học giả đáng kính đã bị "rút phép thông công" như lời ông viết sau này. Vì thế, nói đột phá cũng là  nói hãy trở về với đúng chức năng đích thực của Mặt trận khi cái xiềng phản dân chủ đã tháo gỡ được vài cái mắt xích do thời cuộc đưa đẩy.  [mời xem phần phụ lục 1 và 2 ở cuối trang]
2. Trước mắt, cần tập trung giám sát và phản biện đường lối, chính sách đối nội và đối ngoại nhằm đối phó với bọn xâm lược đã tự phơi bày bộ mặt nham hiểm và độc ác của chúng.
Cũng chỉ mới cách đây không lâu, ai chạm đến cái gọi là "điểm nhạy cảm" này thì hãy coi chừng! Khi người ta dám ngang nhiên đục bỏ bia kỷ niệm những liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến tranh biên giới, kiêng kỵ nhắc đến cuộc chiến với tội ác của 60 vạn quân xâm lược gây ra đối với quân dân ta trên các tỉnh biên giới mà Đặng Tiểu Bình hỗn xược tuyên bố là "để dạy cho Việt Nam một bài học", không dám gọi đích danh tàu của kẻ cướp còn tệ hại hơn bọn cướp biển vì chúng dám xâm phạm vùng biển của ta, đáng đập cướp bóc ngư dân ta mà phải gọi là "tàu lạ" thì rõ ràng là đã có một cái gì khuất tất ẩn dấu trong cuộc gặp ở Thành Đô mà cho đến nay, những trao đổi và ký kết gì đó vẫn còn u u minh minh, thì đây chính là một câu hỏi lớn chưa lời đáp. 
Nếu Mặt trận dám tự nhận mình là tiếng nói của dân, phản ánh ý chí và nguyện vọng của dân thì phải thẳng thẳn đặt ra vấn đề ra với những người đang gánh vác trọng trách trước nhân dân, yêu cầu phải giải trình một cách công khai và minh bạch trước dân. Nếu Mặt trận không nhận thức rõ đây là nội dung bức xúc nhất cần giám sát và phản biện thì Măt trận không làm tròn sứ mẹnh của mình trước dân, người ta có thể gọi đó là sự phản bội dân.
Thế rồi, quả là phải "cám ơn cái giàn khoan", nó như mảnh giấy quỳ nhúng vào dung dịch thử. Nó giữ nguyên màu tím hay ngả sang màu xanh hoặc chuyển sang màu đỏ để biết nó là "trung tính", "mang tính kiềm" hay "mang tính axit" nhằm lộ diện ai là ai, "thanh thiên bạch nhật rõ ràng cho coi". Quả thật "trong ánh chớp của những cơn giông sáng lòe của một giai đoạn chuyển động, người ta thấy các sự việc và con người như trần truồng..." mà Einstein từng viết.
Chính  cái giàn khoan "made in China" ấy đã làm nổi rõ lên sự sòng phẳng, minh bạch của lời tuyên bố dứt khoát : "Việt Nam luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc" thể hiện được ý chí và khát vọng của mọi tầng lớp nhân dân, đi thẳng vào lòng người, chạm đến điểm sâu kín nhất, thiêng liêng nhất trong tâm thế dân tộc.
Cho nên, sách lược mềm dẻo biểu hiện sự biết mình, biết người, linh hoạt trong ứng xử trên mặt trận ngoại giao là phương thức cần thiết để giữ hòa khí, tránh bớt những căng thẳng đẩy tới những đụng độ không cần thiết. Thế nhưng, phải có bản lĩnh và khí phách của Trần Bình Trọng, Trần Hưng Đạo thì mới có thể vận dụng được sách lược ấy. Còn nếu trong đầu đã ấp ủ tâm thức đầu hàng để giữ cái ghế quyền lực như Trần Ích Tắc, Trần Kiện thì nhu nhược và đê hèn là điều dễ hiểu cho dù được ngụy trang khéo đến đâu. Vả chăng, khi dụng sách lược ấy, phải hiểu rất rõ Trung Quốc là kẻ mà lời nói không bao giờ đi đôi với việc làm, chưa lúc nào bỏ thói quen tráo trở, "xi nhan" bên phải nhưng bẻ tay lái về bên phải là chuyện cơm bữa của họ mà thế giới biết quá rõ.
 Độc chiếm Biển Đông là "quốc sách" nhằm thực hiện "giấc mơ Trung Hoa" của họ. Tiến hành nâng cấp, xây dựng các đảo chìm, đảo nổi đâu phải bây giờ họ mới làm. Đó là những hành động nằm trong chiến lược “xâm lược mềm” của họ từ lâu. Hiện họ đang xây dựng sân bay, quân cảng, khu hậu cần lớn trên đảo Gạc Ma. Đây là một hành động cực kỳ nham hiểm mà ta cần phải có phản đối quyết liệt hơn nữa trước công luận của thế giới.
Cho nên, cho dù là chúng ta đã rất cố gắng trong việc duy trì đàm phán với Trung Quốc để giải quyết các bất đồng, đưa ra các cương lĩnh cơ bản, thậm chí ngay cả khi họ gây ra những hành động rất trắng trợn như việc hạ đặt giàn khoan HD981 ta vẫn làm điều đó nhưng kết quả thế nào thật đã rõ như ban ngày, người lú lẫn nhất cũng đã phải thấy. 
Không thể tiếp tục thỏa thuận với Trung Quốc những điều vô nghĩa khi họ luôn tráo trở. Bởi làm như thế không khác gì tạo điều kiện cho Trung Quốc lợi dụng để đánh lừa công luận, bóp méo sự thật. Hơn nữa, sẽ làm cho bạn bè của ta trong khối ASEAN nghi ngờ về quyết tâm của ta, những cường quốc có chung mối quan tâm vì lợi ích của chính họ trên con đường huyết mạch trên biển e ngại về chính sách "đi giây" nguy hiểm của một bộ phận những người cầm quyền Việt Nam. 
Thời gian không chờ đợi. Bởi vậy, chúng ta bắt buộc phải kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Đây là việc phải làm ngay. Chần chừ, là sập bẫy của Trung Quốc và có tội với đất nước. Nhà cầm quyền TQ sẽ còn tung ra nhiều chiêu lừa mị đánh trúng vào điểm yếu của ai đó còn hy vọng hão quyền vào cái mặt nạ "cùng chung ý thức hệ XHCN" được phủ thêm một lớp son bốn tốt và mười sáu chữ bịp bợm. Chính vì thế, điểm đột phá của công tác Mặt trận sắp tới không thể là gì khác việc tập trung giám sát và phản biện vào đường lối, chủ trương và giải pháp cứu nước, chống Trung Quốc xâm lược. Được nghe trình bày dự thảo về "Lời kêu gọi" của Đại hội Mặt trận tôi quá bất ngờ và không thể không kìm được sự phẫn nộ. Đất nước lâm nguy, kẻ xâm lược đang trăm mưu nghìn kế uy hiếp ta, thế mà "Lời kêu gọi" của Đại hội chẳng có một câu lên án, cứ như thể mọi việc đều đang thoải mái " vui vẻ trẻ trung" trong Hội trường máy lạnh thật hoành tráng, sang trọng này!
Tôi xin kết thúc bài phát biểu đã quá dài với niềm tin vững chắc rằng : Người ta chỉ có thể lừa bịp được vài người trong mọi lúc, lừa được mọi người trong vài lúc, nhưng không thể lừa được mọi người trong mọi lúc! Đấy là lời của Abraham Lincoln.

                 
............................
PHỤ LỤC [không đọc vì sợ chiếm quá nhiều thì giờ].
*Tôi có cảm tình với anh cũng từ một chuyện liên quan đến cái cái chữ "trên" này. Trong một dịp gặp anh khi anh là bí thư tỉnh ủy Quảng Nam, nhân chuyện gì đấy tôi quên mất rồi, anh nói " công văn, chỉ thị, báo cáo mà Văn phòng soạn đưa bí thư xem và ký, bao giờ tôi cũng sửa chữ "dưới sự lãnh đạo của Đảng" thành chữ "với sự lãnh đạo của Đảng". Tôi nghĩ bụng "tay này chơi được đây, một lóe sáng của trí tuệ đất Quảng chứ chẳng đùa". Dạo ấy, tôi có đem chuyện này nói với ông Sáu Dân, thấy ông trầm ngâm, trong ánh mắt thoáng có nét suy tư, day dứt.

Thứ Năm, 25 tháng 9, 2014

BBB Về đề tài "Thoát Trung" đã có nhiều hội thảo công khai, nhiều ý kiến trao đổi trên mạng và cũng có những cuộc mạn đàm "bàn tròn" của nhiều cụ Cu Lờ.  Xem ra còn chưa đến ... "hồi kết" , vì còn nhiều ý kiến khác nhau và nhất là chưa thấy có ai, có tổ chức nào.... chính thức "kết" cả. "Vấn đề" còn ..."để mở ".
Vì vậy, tôi xin tải về bài sau để những Cụ quan tâm, có thể tham khảo. Xin cảm ơn.

24-09-2014

Thoát Trung hay thoát cái bóng của chính mình?

Nguyễn Thế Duyên/ Blog Nguyễn Trọng Tạo
 Vài lời mở đầu: Tôi biết khi bài này được đưa lên tôi sẽ bị ném đá tơi bời. Cũng đúng thôi! Khi mà cả dân tộc đang bừng bừng tức giận, tâm lý bài Trung đang dâng lên đến cực điểm vì cái dàn khoan 981 đang khoan thẳng vào cái ý chí tự tôn của cả dân tộc mà một tiếng nói lạc điệu cất lên thì quả là một điều nguy hiểm. Vì vây tôi phải đợi cho đến tận bây giờ khi cái không khí bài trung đang có phần lắng dịu mới dám đăng bài viết này mặc dù bài viết được viết trong thời điểm phong trào “Thoát Trung” đang ở đỉnh điểm của nó. Tuy vậy, tôi biết, sẽ vẫn có những phản ứng gay gắt nhưng xin mọi người hãy bình tĩnh và suy nghĩ những điều tôi đã từng nung nấu và cùng nhau mạn đàm một cách bình tĩnh, không thiên kiến để chúng ta có thể rút ra được những bài học bổ ích cho chính chúng ta.
 Xin chân thành cám ơn tất cả mọi người đã đọc.
Nguyễn Thế Duyên
Khi Trung Quốc mang dàn khoan Hải Dương 981 ngang nhiên khoan thẳng vào lòng tự tôn dân tộc của chúng ta thì một phong trào “Thoát Trung” đã được những trí thức Việt phát động. Một tâm lý bầy đàn nở rộ và chúng ta kêu gọi thoát trung ở mọi lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, văn hóa thậm chí đến cả tiêu dùng người ta cũng kêu gọi “Thoát Trung”.

Nhưng nếu bình tĩnh, chúng ta tự đặt ra câu hỏi “Sao lại là thoát trung?” Đúng là từ chính trị, văn hóa, kinh tế, đến tiêu dùng đâu đâu chúng ta cũng thấy bóng dáng của Trung Quốc nhưng thử hỏi:
 
Về chính trị: Có phải Trung Quốc chạy sang bắt chúng ta phải theo con đường xã hội chủ nghĩa như Trung Quốc? Câu trả lời là không phải. Chính đảng Cộng Sản Việt Nam tự chọn con đường này.

Về kinh tế: Có phải Trung Quốc bắt ta phải mua thiết bị, máy móc của Trung Quốc nếu không họ sẽ đánh hay cấm vận chúng ta? Câu trả lời cũng là không phải. Chúng ta tự nguyện mua hàng hóa, máy móc của họ.

- Về văn hóa: Có phải Trung Quốc bắt ta phải chiếu những bộ phim của họ sản xuất hay phải dịch những cuốn tiểu thuyết, những bộ dã sử của họ? Câu trả lời vẫn là không phải.

Họ chẳng cưỡng ép gì chúng ta cả. Tất cả đều là chúng ta tự nguyện vậy thì chúng ta cần phải “Thoát Trung” hay cần thoát khỏi “Cái bóng” Của chính chúng ta?

Đâu mới là cái gốc của vấn đề?

Mỗi một dân tộc do đặc điểm địa lý, đặc thù lịch sử, nó tạo ra một tập quán sinh hoạt. Chính từ tập quán sinh hoạt ấy nó lại tạo thành một hình thái văn hóa và rồi chính cái hình thái văn hóa này nó lại tạo ra một hình thái ý thức của riêng dân tộc đó.

Các nước phươg tây đi theo hướng “Duy Lý”. Cái duy lý luôn đặt ra cho giới trí thức của họ một câu hỏi “Tại sao?” Và vì đi trả lời cho câu hỏi “Tại sao” ấy mà nền khoa học và công nghệ của các nước phương tây phát triển một cách nhanh chóng. Hệ quả tất yếu của nó là nền triết học của họ trở nên sáng sủa mạch lạc, ý thức dân chủ cũng vì thế mà bén rễ rất sớm trong các nước phươg tây

Ngược lại, các nước phương Đông lại đi theo hướng “Duy Tâm” (Từ duy tâm tôi dùng ở đây không theo cái nghĩa thông thường mà ta vẫn hiểu). Hướng duy tâm không nhằm trả lời câu hỏi tại sao mà lại đi trả lời câu hỏi “Như thế nào”. Như vũ trụ được hình thành như thế nào. Chính để trả lời câu hỏi đó mà thuyết âm dương và ngũ hành đã ra đời.

Hệ quả tất yếu của cai hướng “Duy tâm” là hệ thống triết học phươg đông rối rắm, phức tạp không chặt chẽ kéo theo hệ thống tư tưởng cũng phức tạp nhưng nó lại làm cho nền văn hóa trở nên đa dạng chính nhờ sự rối rắm đó. Tư tưởng dân chủ trong xã hội bị kìm hãm.

Chúng ta không ngạc nhiên khi mà mặc dù nền văn minh phương Đông đã có từ rất sớm. Những thành tựu kĩ thuật như đúc, làm giấy, thuốc súng được phát minh rất sớm ở phương đông, nhưng rồi rất nhanh chóng, nền văn minh phươg tây đã bỏ xa những nước phương đông.

Còn chúng ta thì sao? Chúng ta chẳng giống ai, một mình một hướng Chúng ta theo hướng “Duy ngã”.

Có lẽ do đặc điểm về địa lý đã dẫn chúng ta đi theo hướng này. Địa hình nước ta không đồng nhất, bị chia cắt bởi nhiều sông suối, đầm lầy đan xen lại mưa nhiều. Địa hình đồng nhất là điều cực kì quan trọng vì chỉ cần một loại phương tiện giao thông là con người có thể đi lại khắp mọi nơi. Chúng ta thì không vậy, chỉ cần đi vài chục cây số thậm chí là không đến chúng ta đã phải thay đổi phương tiện. Chính vì vậy nền văn hóa của chúng ta là một nền văn hóa làng xã khép kín. Làng xã của chúng ta lại rất nhỏ bé. Mỗi làng, thôn chỉ độ dăm chục nóc nhà đông nhất là đơn vị hàng trăm, tôi cho rằng có lẽ làng, thôn chúng ta ngày xưa không có làng nào có đến đơn vị nghìn nóc nhà..

Địa hình bị chia cắt, nên nền nông nghiệp của chúng ta không thể trở thành một nền sản xuất hàng hóa mà chỉ là một nền sản xuất nhỏ, manh mún theo kiểu tự cung, tự cấp và hệ quả của nó là thươg mại của nước ta gần như không có. Điều đó lại dẫn đến một hệ quả cực kì xấu, làm cho sự chia cắt, cô lập càng tăng lên do là giao thông không phát triển. Đường xá được hình thành chủ yếu do nhu cầu của thươg mại. Không có thươg mại nên giao thông không phát triển kéo theo những đô thị lớn không thể hình thành. Đến tận thế kỉ thứ XVI mà nước ta mới chỉ duy nhất có kẻ sặt và kinh thành Thăng Long. Còn Hội An thì mãi tận sau này khi chúa Nguyễn vào khai phá miền nam nó mới được hình thành.

Đô thị có tính quyết định cho việc phát triển kinh tế, văn hóa và học thuật. Đó là nơi của cải được tích tụ lại với số lượng lớn. Điều đó sẽ ảnh hưởng lớn đến kiến trúc. Nó cho ta hiểu tại sao các công trình kiến trúc của chúng ta nhỏ bé và không tinh xảo. Sẽ chẳng làm được điều gì khi không có tiền. Đô thị còn là nơi hội tụ giới tinh hoa của một dân tộc. Tại đó họ có điều kiện để trao đổi, nghiên cứu. Sự trao đổi giữa các bậc trí giả làm kiến thức tích luỹ tăng theo cấp số chứ không tăng theo một phép cộngđơn thuầnnhư khi giớ trí thức bị xé lẻ. Thiếu vắng các đô thị lớn, giớ trí thức của chúng ta mất đi điều kiện cần của sáng tạo

Cũng vì điều đó mà giới trí thức Việt Nam cũng bị xé nhỏ mỗi người có một góc trời riêng của mình. Sự giao lưu về học thuật gần như không tồn tại. Tất cả những điều kể trên làm nảy sinh tư tưởng “Duy ngã” trong người Việt. Tình trạng cát cứ cả trong chính trị lẫn trong văn hóa làm cho chính quyền trung ương không thật sự mạnh. Nên nhớ ngay tại thời Trần, có lẽ là thời huy hoàng nhất trong lịch sử, quân đội vẫn gồm những đạo quân của các hương binh được các chủ đất chiêu mộ. Mạn Đà Bắc nằm trong tay các tù trưởng của các dân tộc thiểu số và nhà vua phải gả cả con gái mình cho những tù trưởng ấy để cầu thân, mua chuộc. 

Hình như ở Việt Nam không có một làng nào có đến hai ông đồ cùng một lúc chứ đừng nói đến có hai ông tiến sỹ. và thế là cái tư tưởng “Duy ngã độc tôn” cứ bén rễ, ăn sâu vào trong não trạng của người Việt chúng ta.

Có một câu chuyện kể rằng: Một hôm Ngọc Hoàng đang ngồi đánh cờ thì nghe thấy tiếng ầm ỹ ở cửa Thiên môn bền sai Thiên Lôi ra xem có chuyện gì. Thiên Lôi đi một lúc rồi về bẩm với Ngọc Hoàng.
- Có một bọn người trần kéo nhau lên thiên đình để kiện.
Ngọc Hoàng liền hỏi:
- Bọn ấy là người nước nào?
- Bẩm Ngọc Hoàng đó là bọn người Việt Nam.
- Thế thì cứ kệ chúng nó. Chỉ một lúc nữa là bọn chúng nó sẽ tự tan.
Nói rồi cứ điềm nhiên ngồi đánh cờ như không có việc gì xảy ra. Quả nhiên chỉ một lúc sau tiếng ầm ỹ ở bên ngoài thiên môn lặng hẳn. Ngạc nhiên, Thiên Lôi bèn hỏi Ngọc Hoàng.
- Bẩm Ngọc Hoàng sao người lại biết bọn chúng sẽ tự tan?
Ngọc Hoàng vuốt râu cười trả lời:
 - Bọn người Việt chẳng thằng nào phục thằng nào. Thằng nào cũng coi mình là nhất thì làm sao có thể chọn ra được thằng thủ lĩnh. Rắn mà không có đầu thì làm được chuyện gì. 

Tất nhiên đây chỉ là một câu chuyện tiếu lâm nhưng nó đã phản ánh được rất rõ đặc điểm nổi bật của người Việt chúng ta. Cứ nhìn vào hội nhà báo độc lập thì rõ, mới ra đời chưa được hai tháng mà nội bộ đã lục đục.

Một hệ quả tất yếu của tư tưởng “Duy ngã” ấy là lớp trí thức người Việt hình như ai cũng mắc bệnh “Chê” và gần đây nó biến tướng thành bệnh “Chửi”. Chê tuốt, chửi tuốt. Sự phủ định người khác chính là sự khẳng định chính mình. Khẳng định cái “Duy ngã” của mình. Thực ra, sự phê phán, tranh luận đúng sai là một điều bình thường trong học thuật cần phải khuyến khích. Nhưng giới trí thức Việt thì khác. Với họ, không phải là trao đổi mà là phủ nhận. Trong một bài viết được đưa ra có những ý đúng và cũng có những ý chưa đúng. Những ý kiến đúng chúng ta cần công nhận và nhưng ý chưa đúng chúng ta cần tranh biện, trao đổi với một lời lẽ ôn tồn, một lập luận chắn chắn.
Nhưng không! Họ phủ nhận tuốt và chửi với những lời lẽ rất vô văn hóa.

Thời Đường, thơ, ai hơn đuợc Lý Bạch? Thôi Hạo có là gì so với Lý Bạch? Nên nhớ nếu xếp mười nhà thơ Đường nổi tiếng nhất sẽ không có Thôi Hạo. Thế nhưng khi đọc Hoàng hạc lâu của Thôi Hạo Lý bạch đã thốt lên: 

Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc,
Thôi-Hạo đề thi tại thượng đầu.
(Trước mắt có cảnh nói không được,
Thôi-Hạo đề thơ ở trên đầu).

Hãy chú ý đến ba từ cuối “Tại thượng đầu” chứ không phải là “Tại thượng lầu”.

Cái “Duy ngã” làm cho giới trí thức việt là những người kiêu ngạo nhất thế giới và bạc nhược cũng nhất thế giới. Họ bạc nhược vì chính họ cũng không tin những điều họ viết là đúng và họ rất tránh tranh luận vì tranh luận nếu lòi ra cái sai của mình sẽ làm cho cái “Duy ngã” của họ bị tổn thương.

Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người đến chỗ xôn xao

Khi bất đắc chí, giới trí thức việt thường tìm con đường ở ẩn. Cái ở ẩn của trí thức Việt nó lại không nằm trong cái nghĩa « Vô vi » siêu thoát của đạo giáo mà chính là thể hiện một sự đầu hàng bạc nhược. Chúng ta cần nhắc đến Trương Nghi khi há mồm ra hỏi vợ. « Lưỡi của ta có còn không? » Hoặc phải nhớ đến Khổng tử đi khắp nơi để truyền bá học thuyết của mình dù cho cả đời ông không được trọng dụng. Phải có được niềm tin sắt đá vào điều mình đã nghĩ ra thì họ mới có được cái dũng khí như vậy. Sự bạc nhược của giớ trí thức việt cội nguồn của nó nằm trong chính cái: « Duy ngã » Của chính họ.

Nhân nhắc đến khổng tử, tôi muốn kể với mọi người cuộc gặp gỡ giữa Khổng tử và Lão tử. Hai bậc hiền nhân này ngược nhau như nước với lửa. Một người chủ trương cai trị đất nước bằng những phép tắc (Lễ) ngược lại người kia lại chủ trương loại bỏ những phép tắc mà thuận theo tự nhiên (Đạo). Thế nhưng sau cuộc gặp, Khổng tử bảo với môn sinh rằng: 

Loài chim ta biết nó bay được, loài cá ta biết nó lội được, loài thú ta biết nó chạy được. Chạy thì ta dùng lưới để bẫy, lội thì ta dùng câu để bắt, bay thì ta dùng tên để bắn. Còn loài rồng cưỡi gió mây ở trên trời thì ta không sao biết được. Nay ta đã được gặp Lão Tử – ông ấy như con rồng vậy.

Các bạn thấy đấy! Họ không phủ nhận nhau, không những thế họ còn rất tôn trọng nhau mặc dù họ không công nhận nhau.

Các nhà nghiên cứu thường dung cụm từ tâm lý “Tiểu nông ,lúa nước” để lý giải về những cái chậm phát triển của chúng ta nhưng họ không chỉ ra cái gì là gốc rễ dẫn đến điều đó. Tôi cho rằng gốc rễ nằm ở cái tâm lý “Duy ngã”. Làm mình nổi bật trước com mắt của một vài chục hộ gia đình là điều khá dễ dàng. Làm mình nổi bất trước con mắt của hàng trăm hộ gia đình thì khó hơn rất nhiều nhưng cũng vẫn có thể làm được nhưng làm mình nổi bật trước hàng nghìn hoặc vài nghìn hộ gia đình thì là điều không thể. Chính vì vậy mà người Việt luôn có tâm lý “Đầu gà còn hơn đươi voi” Mà thậm chí tôi thấy không phải là đầu gà nữa mà chỉ cần là đầu con kiến. Cái tâm lý này ảnh hưởng nặng nề đến những người lãnh đạo đất nước. Người ta không bao giờ sử dụng người tài giỏi hơn mình.

Người Việt ta không thiếu người tài. Ngay từ năm 1967 Kim Ngọc đã đưa ra mô hình khoán 10, nghĩa là trước cải cách “Mèo trắng, mèo đen” của Đặng Tiểu Bình một chục năm, nhưng ông đã bị ban lãnh đạo đảng vô hiệu hóa. Kim ngọc không sai nhưng cái “Duy ngã” của ba lãnh đạo đảng lại đúng để rồi hai mươi năm sau chúng ta lại bê nguyên cái điều Kim ngọc đề ra ấy từ Trung Quốc về áp dụng tại việt nam.

Cũng cần phải kể ra đây một câu chuyện khác đã được đăng trên báo chí chính thống. Một giáo sư, tiến sỹ y khoa từ mỹ nghỉ hưu về việt nam làm từ thiện (nghĩa là không nhận lươg) nhưng không một bệnh viện nào ở việt nam tiếp nhận.

Đến đây lại cần phải kể lại câu chuyện của Hàn Tín.

Khi Hàn Tín bị bắt, Hán Cao Tổ hỏi Hàn Tín
- Như ta có thể cầm được bao nhiêu quân?
Hàn Tín trả lời.
- Bệ hạ cùng lắm chỉ cầm nổi một trăm vạn quân.
- Thế còn ngươi?
Hán Cao Tổ hỏi. Hàn Tín trả lời.
- Hạ thần thì càng nhiều quân càng tốt.
 - Thế sao nhà ngươi vẫn bị ta bắt?
 - Bệ hạ không có tài cầm quân nhưng lại có tài thống lĩnh các tướng.

Tôi kể ra mấy mẩu chuyện này là để mọi người có thể lí giải được tại sao ta với Trung quốc cùng chung một hình thái xã hội chủ nghĩa. Trung quốc chỉ mở cửa trước ta có gần một chục năm thế nhưng những thành tựu mà trung quốc đạt được lại vuột xa chúng ta khoảng ba bốn mươi năm. Vì giới tinh hoa của Trung Quốc dám dùng người tài hơn mình.

Luôn luôn song hành cùng với cái “Duy ngã” chính là tính háo danh và sỹ hão của giới tinh hoa người Việt.

Ca dao xưa từng nhạo báng:

Ra đường mũ áo nghênh ngang
Về nhà hỏi vợ cám rang đâu mày? 

Thế nhưng người Việt vẫn luôn:

“Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp” 

Cái bệnh sỹ hão ấy khiến cho giớ tinh hoa Việt có xu hướng khép kín không muốn trao đổi về mặt học thuật mà ta biết rằng tri thức là một sự kế thừa và tiếp nối liên tục từ người này sang người khác, từ đời này sang đời khác chính điều đó làm cho tri thức việt là những mảng rời rạc với một cái tầm ‘Lùn tịt”. Thử kiểm điểm lại trong nền văn hóa và minh triết của chúng ta, chúng ta đã sang tạo nên cái gì có tiếng tăm? Câu trả lời là không có gì. Tất cả chúng ta đều bê ở bên ngoài mang về xào xáo thêm dấm thêm ớt rồi còn có khi nhận xằng đó là của chúng ta. Một hình thức tự sướng. Thế nên mới có cái chuyện ngược đời mấy ông tiến sỹ giáo sư chỉ ngồi phán láo còn làm ra những máy móc nông nghiệp lại là mấy anh hai lúa không được học hành.

Những người nêu ra thuyết “Thoát Trung” thường lấy ví dụ về thời Minh Trị Thiên Hoàng của Nhật Bản để làm một minh chứng cho luận thuyết của mình. Họ cho rằng cứ thoát Trung là mọi việc sẽ tốt lên. Điều đó không thực sự là chính xác.

Chúng ta nên nhớ trước thời Minh Trị, nước Nhật là một quốc gia phong kiến lạc hậu. Dưới sự thống trị của Mạc phủ, nước nhật đã bế quan tỏa cảng trong suốt 300 năm. Dưới áp lực về quân sự của các đế quốc phươg tây mà đi đầu là Mĩ, Nhật Bản đã bược phải mở cửa tạo điều kiện cho những thành phần ủng hộ mối quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa trong nước nhật vùng dậy lật đổ Mạc phủ. Và, mở ra một thời kì mới, thời kì phát triển theo hướng tư bản chủ nghĩa ra đời. Vậy gốc rễ của vấn đề không phải vì “Thoát Trung” mà nước Nhật phát triển như ngày nay. Mà đây là cuộc cách mạng tư bản chủ nghĩa tại Nhật. Có ba vấn đề lớn chúng ta cần rõ tại thời kì này của nước Nhật để từ đó nhìn lại phong trào “Thoát Trung” của chúng ta hiện nay.

Một là - Tại thời kì minh trị thiên hoàng toàn bộ ban lãnh đạo đất nước đã bị thay đổi. Đây là yếu tố quyết định. Thay đổi hẳn một tư duy chỉ có một cách duy nhất là thay đổi con người. Nếu còn giữ nguyên ban lãnh đạo cũ thì sẽ không bao giờ có được những cải cách triệt để mà chỉ là những cái cách nhỏ giọt nhằm xoa dịu đi những bức xúc của quần chúng hơn là sự nhận thức ra vấn đề.

Thứ hai — Sau khi Mạc Phủ bị lật đổ vấn đề “Thoát Trung” không được đặt ra. Minh Trị Thiên Hoàng bản chất là một cuộc cách mạng tư bản chủ nghĩa vậy hiển nhiên nó không thể theo Trung Quốc một đất nước đang ở trong giai đoạn phong kiến (Nhà Thanh).

Thứ ba – Thế giới tại thời kì đó chưa phải là môt thế giới phẳng phụ thuộc lẫn nhau một cách sâu sắc như bây giờ.

Chúng ta là một nước nhỏ nằm cạnh một người khổng lồ đầy dã tâm. Mà bất cứ một nước lớn nào (Kể cả Mĩ) lại có thể để yên cho cái sân sau nhà mình nổi loạn. Ucraina cũng là một bài học đáng để chúng ta suy ngẫm.

Phải nói rằng người Việt ta không có thói quen dân chủ, nhà nước cũng vậy, những nhà dân chủ hiện nay cũng vậy và cả dân chúng của chúng ta cũng vậy. (Nói ra điều này tôi dễ bị ăn chửi lắm). Nhưng cứ bình tĩnh nhìn lại gia đình mình, nhìn lại các các nhóm xã hội mà mình đang tham gia (Còn nhà nước thì khỏi phải nói) mọi người sẽ thấy ngay điều tôi nói thể hiện rất rõ trong những hành vi nho nhỏ mà chúng ta ứng xử hàng ngày.

Tuy vậy, ý thức dân chủ đang nổi lên một cách mạnh mẽ trong xã hội nhưng để đạt được một xã hội dân chủ thực sự thì nó còn cần thời gian.

Phải nói rằng không bao giờ có được một nhà nước dân chủ trong một xã hội không có thói quen dân chủ. Nếu có thì cái dân chủ ấy chỉ là một cái bánh vẽ. Và ngược lại trong một xã hội có thói quen dân chủ thì không có một nhà nước độc tài nào có thể tồn tại. Vậy nên song song với cái đòi hỏi dân chủ, chính chúng ta phải tự cải tạo chính mình.

Không phải là “Thoát Trung” hay không “Thoát Trung” mà phải thoát chính cái bóng của mình

Vậy nên chúng ta cần tỉnh táo. Yêu nước bằng một trái tim bỏng cháy nhưng lại phải bằng một cái đầu lạnh lùng. Đừng để tình cảm che mờ lý trí.

Nên chăng chúng ta chỉ nên đòi hỏi ở nhà nước những điều có thể còn những điều chúng ta biết chắc là chưa thể thì ta nên chờ đợi.

Lẽ phải thuộc về kẻ mạnh nhưng chân lý thuộc về thời gian. Không nên tự mình làm suy yếu chính mình.

Thứ Hai, 22 tháng 9, 2014

Tản mạn chuyện bên lề



 MỘT VÀI HÌNH ẢNH
Những người đến sớm nhất trong buổi Gặp măt với DKhắc & M.Đức hôm 18-9-2014
Từ trái,hàng ngồi: Các cụ Hân,Phiến (Fiohantb), Khắc, TMai, K Lân.
Hàng đứng : Tr.Hải, H.Hùng Trọng Hiền, H.Túc, T.Long, M.Đức
                                                          Tiễn DK tại nhà 3B
Từ trái: DK, TL, D.Liêm K2 (em rể 3B), Tr,Hải&Hòa, Th.Hiền (em gái 3B) và Cúc (bà Xã T.Long)
                         Từ trái; Tr.Hải, T.Hương, Hòa (bà Xã 3B), H.Hùng, M.Đức.TLong (tại nhà 3B)


TẢN MẠN CHUYỆN BÊN LỀ.

Về chuyến “kinh lý” của Duy Khắc ra Bắc. Trên Blog của mình, Bạn đã kể chuyện “Về quê” ở gần Đồ Sơn, dự lễ vinh danh “Bà mẹ VNAH” cho mẹ kế và bà cô ruột (Bà nội và mẹ đẻ của DK cũng đã được công nhận là BMVNAH và đã mất từ lâu). Rồi chuyện bạn được ăn món thịt trâu đặc biệt (thịt của những “ông trâu” được giải nhất, nhì trong “Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn” vừa qua.
Tôi thấy thật nhiều tâm tư qua lời bạn kể!.
Tuy được vinh danh, mà gia đình bạn thấy không vui (vì nó gợi lại những nỗi đau... ).

Được ăn món thịt trâu, mà giá đắt kỷ lục, những 5 triêu, 7 triệu, 10 triệu đồng một kí (kg). Thịt trâu thì mềm, ngọt (có lẽ thịt bò Úc, Canada... cũng không bằng và phải gọi “trâu Đồ Sơn” bằng... “cụ”).
Thế mà khi được mời ăn, lại thấy ... đắng. Vì khi ăn, bạn cứ nghĩ “lan man”.... Những ai có tiền mua thịt ấy?. Lấy tiền ở đâu ra?., Họ mua để làm gì?. Không phải chỉ là chuyện ẩm thực nữa, mà đối với người “đa sầu, đa cảm” như DK thì đây là “chuyện đời”, chuyện “nhân tình thế thái”.
Về cuộc Gặp mặt- Giao lưu của Cu Lờ HN với các bạn ở SG ra (D.Khắc, M.Đức & T.Hương) hôm 18-9 đã được các “Siêu PV” của Làng ta, các cụ Fiohant, Ng.Ánh đã viết bài và đưa ảnh đầy đủ, sinh động trên Blog cá nhân và được treo ở Đình Làng lusonquelam,blogspot.

Tôi xin kể thêm vài “chuyện bên lề”.
1. CHUYỆN PHỞ.
Cứ nghĩ, ăn cơm thường xuyên, ai chả thèm phở. Đặc biệt là Phở HN và với những ai sống xa HN, thì D.K cũng không là ngoại lệ.
Nhiều Cụ, nhất là các cụ bà – các “bạn nữ” Cu Lờ, cứ nghe các cụ ông rủ nhau đi ăn phở là nháy mắt với nhau và... “cười, cười”.
D.Khắc và 5 đứa bọn mình rủ nhau đi ăn phở thật (phở bò), giữa “thanh thiên bạch nhật”, ở “cửa hàng Phở Lý Quốc Sư” hẳn hoi, bên bờ hồ Xã Đàn gần nhà. Đúng là ăn phở, chứ không phài là đi ... thưởng thức “PHỞ”.
Lần nào cụ Trưởng Mõ Calathau về kinh đô, "Thành viên trong sạch vững mạnh" của Hội Cầu Ngà như cụ Lý, cụ Hồ (Cát Hồ), cụ Fiđen (K.Fi)), ... chẳng rủ Sếp đi ăn phở sạch. (Tuy vậy để bảo vệ SK, khi đi thưởng thức phở, Sếp luôn không quên đội "nón lưỡi trai".
Cửa hàng Phở chúng tôi chọn, khá ngon (chả thua gì Tư Lùn, Bát Đàn, Cò Cử...) , chỗ ngồi sạch sẽ, mát mẻ,( có máy lạnh, gió hồ), nhân viên xinh đẹp phục vụ đến nơi đến chốn; đặc biệt là không phải ăn "phở quát", "phở mắng" như ở một số cửa hàng và lại thuận tiện cho đi lại. DK ưng ý nên còn lui tới đến hai, ba lần nữa với bạn bè; có lần thêm cả 2 vợ chồng cô em kết nghĩa họ Vũ (TG&MK) và H (bà Xã của 3B).
2. NGHỈ NGƠI & THƯ GIÃN
Vì thời gian qua DK thường xuyên phải điều trị, lúc ở BV, lúc ngoại trú, nên việc đi chơi xa là khó khăn. D.K bảo, ra lần này, coi như chuyến đi “dối già” của bạn. Nhưng chúng tôi không nghĩ như thế, vì nhìn “diện mạo”, thấy bạn còn nhuận sắc và phong độ.
Chương trình thăm hỏi, giao lưu của DK đầy đặc. Nào Đoàn 10 mời ở Quán Gió mới, nào gặp các bạn cũ thời SV ở ĐHTHQG Lômôxôxốp Matxcova, các đồng nghiệp, và “SV- cưng” ở ĐHBK Hà Nội, dù thời gian đã mấy mươi năm mà vẫn thắm thiết...
Chúng ta đã được đọc bài thơ "Gặp lại người xưa" của DK, trong đó có mấy câu:
Anh nhớ cái ngày ta gặp nhau  / Anh trên bục giảng. Em bàn đầu / Đôi mắt hồn nhiên long lanh sáng / Em ngước nhìn lên thăm thẳm sâu ...//  Từ đó mỗi lần anh lên lớp /Như thể đi tìm ... mắt bồ câu / thì thấy rõ những tình cảm và kỷ niệm xưa thật đẹp và sâu lắng... và đáng quý biết bao, khi tuổi đã sang thu, tóc đã bạc mà có dịp gặp nhau.
Để khỏi “căng” và đảm bảo sức khỏe. DK và chúng tôi đi nghỉ ở Khu Nước khoáng Thanh Thủy (tỉnh Phú Thọ). Bạn TL- Diachuoansai (Vua Phượt của Làng) đã hướng dẫn để có chuyến đi theo dạng “Phượt nhẹ” (2 ngày, bằng ô tô, ngủ ở Khu Resort, ăn lúc tại chỗ ở KS, lúc “ăn bụi”, ra phố thưởng thức món “gà mái ghẹ chạy đồi”, “lợn sữa cắp nách”, hay “cá lội suối” ... vừa tươi ngon, mà giá cả cũng phải chăng!. Tráng miệng có hồng Lạng Sơn, bưởi Đoan Hùng (cụ DK lại thích “vú sữa Sóc Trăng”, Nhà hàng chiều khách, với khẩu hiệu “Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”, đã đưa “vú sữa Hà Tuyên” nổi tiếng miền Bắc, với câu ca ai cũng ... biết: “Chè Bắc Thái, .... Hà Tuyên”. Nhưng Sếp không duyệt, làm Tú R tiếc ... “ngẩn ngơ”!. Để thực hiện đúng phương châm, “Đi dân nhớ, ở dân thương”; cụ Tú R bảo, không được “đòi hỏi, sách nhiễu” và chấp nhận “đặc sản Hà Tuyên”. Cụ Tú còn nói thêm: “Cây nhà lá vườn, cho nó ... lành!”.
Thú nhất ở Thanh Thủy là tắm nước khoáng. Nước khoáng chất lượng cao, có nhiều tác dụng có lợi cho sức khỏe. Bể bơi nước trong, rất sạch, nhiệt độ trên 30 độ C.
Chúng tôi bơi, ngâm... thoải mái. Lại nhớ cái hồi còn để để chỏm, bơi lội, lặn ngụp trên Sông Ly. Thế mà đã trên 60 năm rồi.
Cụ Hồ (Cát Hồ) một thành viên của đoàn tháp tùng Sêp DK, đã đánh giá là Chuyến đi này là “TRONG SẠCH VỮNG MẠNH” ( vì nước khoáng thì.... trong, sạch, người thì khỏe mạnh hơn).

Ngoài buổi liên hoan gặp mặt chung hôm 18-9; Cụ DK và vợ chồng cụ MĐ còn có nhiều cuộc “gặp mặt mini”, như đến chơi nhà cụ N.Hiếu, TLong, 3B, ... .
Rồi chuyện cụ DK, tác giả của “bài thơ tình” “Gặp lại người xưa” đã ôm hôn thắm thiết bao nhiêu “bạn nữ” QL (trong buổi sáng 18-9 ở HN), làm làng xóm ngưỡng mộ và xôn xao... Vân vân và v.v . Có dịp tôi xin kể sau để hầu chuyện các Cụ.
Trưa ngày 19-9, Sau bữa cơm trưa thân mật tại nhà 3B . Tôi và bà Xã, vợ chồng bạn T.Long &Cúc, P.Phu, vợ chồng Hiền& Liêm là em gái và em rể tôi (là Dân K2 QL và cũng là “em đồng hương kết nghĩa” với anh DK từ thời QL) tiễn DK bay về TP HCM.).

Thông tin từ TP HCM.
Sau khi về đến nhà (Mật khu BR). DK điện thoại cho tôi để “báo cáo” (Theo lời DK).
Tóm tắt là: Chuyến ra Bắc vui, cảm ơn các bạn rất thân tình, chu đáo, ...
Trong nội dung b/c, điều quan trong nhất, mà DK nhấn mạnh là: Về đến nhà an toàn, Bà Xã (Bí Đao) kiểm tra ngay ... sức khỏe và kết luận vẫn rất tốt, như trước khi ra đi.
Thế là mừng phải không các Cụ. Vì Tình Bạn và Sức khỏe với chúng ta là rất quý.


MỘT VÀI HÌNH ẢNH ở KHU NƯỚC KHOÁNG NÓNG THANH THỦY



Đến nơi rồi!.

Đường vào khu suối khoáng Thanh Thủy:
1 - Qua núi xanh...
2-;Qua bao đồng lúa vàng...


3- Cùng nhau ... bơi khắp nơi, trong bể khoáng trong lành
T.Hải, Ph.Phu, D.Khắc, Cát Hồ, H.Hùng