Thứ Bảy, 23 tháng 5, 2015

Nhất tội nhì NỢ

BBB - Người ta bảo " Nhất tội nhì nợ". Ở tầm quốc gia, thì Tội chắc chắn là người dân không thể gây ra được (mà chỉ có "Đấng cầm quyền"). Còn NỢ thì "họ" cứ thả sức vay lấy được, chi vô tội vạ còn người  Dân thì cứ è cổ ra mà trả nợ hết đời này sang đời khác. (còn bọn chúng thì hết nhiệm kỳ là...bye-bye, ôm một đống "vàng thoi", đất cát, tài sản kếch xù.... và "CHỤI" trách nhiêm. Mời Làng đọc bài sau đây thì thấy rõ không chỉ là nỗi lo và cứ kéo dài thế này, Đất nước ta, không lâu nữa sẽ rơi vào thảm họa và trở thành.... "Chúa chồm" nhất ...Quả đất.

Việt Nam nợ quá hạn nước ngoài hơn 310 triệu USD

Tháng năm 23,2015 lúc 01:03 sáng

Các khoản nợ quá hạn chưa thanh toán gồm 214,5 triệu USD của Vinashin (nay là SBIC) và 96,4 từ các dự án khác.
Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước vừa công bố tháng này, đến cuối năm 2013, tổng giá trị các khoản vay nước ngoài được Chính phủ cho vay lại đạt 12,14 tỷ USD. Trong đó, các khoản nợ quá hạn chưa thanh toán đạt 310,9 triệu USD, chủ yếu là từ Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin), nay là Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (SBIC), trị giá 214,5 triệu USD. Số còn lại là của 62 dự án đã bị xử lý theo thủ tục phá sản, đang cơ cấu lại nợ, khoanh nợ hoặc chờ bán tài sản để thu nợ...
Tổng dư nợ các dự án có nợ quá hạn đạt hơn 1,26 tỷ USD, chiếm hơn 10% tổng dư nợ cho vay lại, gồm 1,02 tỷ USD từ Vinashin và gần 240 triệu USD của các dự án.
"Kết quả kiểm toán cho thấy việc đối chiếu với các cơ quan cho vay lại chưa được Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) thực hiện kịp thời, còn tình trạng Ngân hàng Phát biểu (VDB) trả nợ, lãi về quỹ tích lũy theo quý hoặc theo tháng, không đúng thời hạn quy định tại hợp đồng cho vay lại", báo cáo nêu.
vinashin-2270-1432314090.jpg
Số nợ quá hạn từ Vinashin vẫn đang tạo áp lực lên các khoản vay của Việt Nam.
Liên quan đến nợ công, một lần nữa Kiểm toán Nhà nước nhắc lại câu chuyện Bộ Tài chính đã thống kê, tổng hợp số liệu nợ công chưa kịp thời, đầy đủ. Việc báo cáo thừa, thiếu một số khoản vay dẫn đến số liệu nợ công đến 31/12/2013 giảm 25,28 tỷ đồng so với số báo cáo tại báo cáo về các chỉ tiêu giám sát nợ năm 2013.
Công tác tổ chức và quản lý nợ công vẫn chưa được tập trung thống nhất theo quy định của Luật Quản lý nợ công, thiếu sự gắn kết chặt chẽ giữa khâu huy động vốn với tổ chức thực hiện và trả nợ vay, dẫn đến bị động trong việc cân đối nguồn trả nợ cũng như khuyến khích sử dụng vốn vay hiệu quả, tiết kiệm. Việc tổng hợp số liệu nợ công theo một đầu mối thống nhất còn khó khăn, dẫn đến sai sót. Hệ thống mẫu biểu báo cáo về nợ công chưa đáp ứng yêu cầu quản lý và chưa được các đơn vị tham gia quản lý nợ công lập đầy đủ hoặc gửi kịp thời.
Báo cáo của Bộ Tài chính cho hay tổng dư nợ công đến 31/12/2013 theo Luật quản lý nợ công là gần 2 triệu tỷ đồng, bằng 54,5% GDP, tăng gần 19% so với năm 2012. Cơ cấu nợ của Chính phủ tiếp tục thay đổi theo hướng tăng tỷ trọng nợ vay trong nước, giảm tỷ trọng nợ vay nước ngoài.
Cuối năm 2013, dư nợ nước ngoài của Chính phủ tương đương 763.198 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2012. Dư nợ vay trong nước đạt 764.933 tỷ đồng, tăng 39%.
Về nợ nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh, dư nợ đạt 188.486 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2012. Tuy đây không phải là các khoản do Chính phủ trực tiếp đi vay, nhưng kiểm toán cũng cảnh báo một phần có nguy cơ biến thành nghĩa vụ trực tiếp của Ngân sách Nhà nước. Nguyên nhân là quá trình xây dựng, thẩm định và phê duyệt dự án không sát thực tế, đầu tư không đồng bộ, triển khai chậm, một số doanh nghiệp chưa có nhiều kinh nghiệm trong quản trị chi phí, rủi ro hối đoái, dòng tiền… dẫn đến việc sử dụng vốn vay chưa hiệu quả...
Tại thời điểm thẩm định cấp bảo lãnh, hầu hết các chủ dự án chỉ cam kết sẽ đảm bảo tỷ lệ vốn chủ sở hữu tối thiểu bằng 20% tổng vốn đầu tư, song chưa báo cáo đầy đủ tiến độ góp vốn chủ sở hữu trong quá trình triển khai dự án. 38 dự án đã hoàn thành rút vốn và nghiệm thu quá 6 tháng đều chưa đăng ký tài sản đảm bảo. Các chủ đầu tư dự án thực hiện chế độ báo cáo không kịp thời, đầy đủ theo quy định, một số dự án nộp phí bảo lãnh chậm hoặc khó khăn chưa nộp phí bảo lãnh.
Trong nước, số dư nợ được Chính phủ bảo lãnh đạt 207.576  tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2012. Trái phiếu được bảo lãnh Chính phủ phát hành có kỳ hạn ngắn (2-5 năm), trong khi không ít dự án có thời gian cho vay kéo dài từ 5-12 năm, dẫn đến rủi ro mất cân bằng kỳ hạn giữa huy động và cho vay, làm tăng hạn mức bảo lãnh phát hành trái phiếu để đảo nợ hoặc rủi ro nghĩa vụ nợ dự phòng do ngân sách gánh chịu.
Báo cáo cũng phản ánh vệc quản lý nợ chính quyền địa phương chưa được kiểm soát chặt chẽ, chưa có chế tài xử lý đối với các trường hợp vi phạm. Đến 31/12/2013, nợ của chính quyền địa phương là 30.016 tỷ đồng, không bao gồm khoản vay VDB 22.760 tỷ đồng. Theo Kiểm toán Nhà nước, Bộ Tài chính tổng hợp nợ chính quyền địa phương theo số liệu báo cáo của các địa phương, không nắm đầy đủ, chính xác nợ của chính quyền địa phương và giới hạn vay nợ theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.
Số dư quỹ tích lũy trả nợ nước ngoài đến cuối năm 2013 đạt 49.885 tỷ đồng. Nhưng theo Kiểm toán Nhà nước, việc lập kế hoạch chi hoàn trả ngân sách từ quỹ không sát thực tế; chuyển trả ngân sách các khoản trả nợ nước ngoài vay về cho vay lại không kịp thời; chưa theo dõi nguồn hình thành tài sản, nguồn hình thành và cơ cấu hình thành quỹ; không đánh giá lại số dư các khoản ngoại tệ tại thời điểm cuối kỳ kế toán...
Phương Linh - Chí Hi

Thứ Ba, 5 tháng 5, 2015

Tham khảo thêm về Dự án sân bay Long Thành

BBB - Dự án sân bay Long Thành là dự án đầu tư rất lớn, quan trọng và gây nhiều tranh cãi.
Phái muốn làm (lấy được), phần lớn là các quan đương chức thuộc Bộ GTVT, TCT Hàng không...
Phái phản biện, đa số là tầng lớp trí thức tâm huyết với Đất nước. Họ là các nhà KH, nhà Quản lý, các Tổ chức XH nghề nghiệp chuyên ngành có liên quan.
Hiện nay chưa có kết luận "ai đúng ai sai", cũng chưa biết "Ai thắng ai", chưa biết QH sẽ "phán quyết" ra sao...?.
Mong rằng, cơ quan cao nhất có thẩm quyền cần nghiêm túc lắng nghe, phân tích kỹ , thận trọng, khách quan và khoa học các ý kiến cả 2 "phái". kể cả tham khảo chuyên gia giỏi về HK của các nước để có quyết định đúng đắn nhất.
Quan trọng là thực sự có hiệu quả kinh tế, đừng chạy theo "lợi ích nhóm", vẽ ra những "hiệu quả giả"/ lãi giả, (dựa vào cái "tầm nhìn xa... lắc, vu vơ" đến những năm ... "Hai nghìn không trăm .... tít mít"); còn "lỗ thật" như mấy thằng cha "Vina.... dởm", làm cho dân ta è cổ gánh chịu và trả nợ.
(Nếu Dự án Long Thành mà đi vào vết xe đổ như các Dự án trước, thì hậu quả rất nghiêm trọng, đời con, đời cháu chúng ta sẽ phải trả nợ dài dài. Và chúng sẽ lên án những người "cầm cân nẩy mực" hiện nay là "ngu lâu dốt dài". (có thể vì "tham lam vô độ" nữa).
Rất tiếc lúc đó đã là...quá muộn!. Hy vọng chuyện đó không sảy ra nữa.
Tôi xin tải về bài sau để Làng tham khảo.

Những sai lầm trong dự án sân bay Long Thành

Dự án sân bay quốc tế Long Thành sẽ giải trình trước Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tại kỳ họp thứ 9 diễn ra vào cuối tháng 5/2015 với tên gọi “Báo cáo đầu tư dự án cảng Hàng không Quốc tế Long Thành”. Văn phòng Quốc hội và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã gửi toàn bộ bản báo cáo này cho TS Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội tư vấn Khoa học công nghệ & quản lý TP.HCM gọi tắt là HASCON để nghiên cứu và báo cáo cho Quốc hội trước khi kỳ họp diễn ra.
TS Nguyễn Bách Phúc đã dành cho Mặc Lâm cuộc phỏng vấn nói rõ những gì mà ông và HASCON rút ra được từ bản báo cáo, mời quý vị theo dõi sau đây.
- Mặc Lâm: TS cho rằng ngay cả việc nhận được ODA từ một nguồn nào đó có phân lời thấp hơn của Nhật Bản thì thời gian lấy lại vốn của sân bay Long Thành sẽ lên tới 100 năm, điều này có vẻ khó tin vì không lẽ một dự án lớn như thế lại mắc lỗi sơ đẳng về cách tính EIRR thu hồi vốn như vậy?
- TS Nguyễn Bách Phúc: Báo cáo của chính phủ nói rằng công trình sân bay Long Thành có chỉ số EIRR (Economic Internal Rate of Return, Tỷ suất hoàn vốn nội tại về kinh tế) là tới hon 22% điều đó có nghĩa là lời rất lớn nhưng tôi đã phân tích cái tính toán đó hoàn toàn sai, tôi chứng minh rất tỉ mỉ và tóm tắt ở đây như thế này: Cái báo cáo đã tính phần dòng tiền vào nó cao hơn thực tế, tính khống hơn đến hơn 1 tỷ rưỡi đô la một năm và dòng tiền ra thì lại tính ít đi cỡ 260 triệu đô la một năm do đó cái dòng tiền chung nó sẽ khống lên đến hơn 1 tỷ 8 một năm và vì vậy con số EIRR nó mới tăng lên 22%.
Chúng tôi không có cơ sở thông tin để mà tính toán nhưng bằng kinh nghiệm của chúng tôi thì chúng tôi cho rằng chỉ khoản độ 1 tới 2% là cùng. Nều như mà chỉ số đó dưới 10% thì trên thế giới này không ai đi đầu tư vào một công trình mà tính chỉ số EIRR lại dưới 10%
Tôi có tính thêm một cái nữa là nếu tính theo một chỉ tiêu khác gọi là tỉ suất lợi nhuận hàng năm trên vốn đầu tư thì chúng tôi cũng không có một số liệu nào để mà tính toán cả nhưng chúng tôi có thể tính gần đúng suất lợi nhuận trên vốn đầu tư của giai đoạn 1 là khoản 2,12% mỗi năm đó là chưa tính đến chuyện phải trả lãi vốn vay. Nều trả vốn vay theo cỡ vốn vay ODA hơn 1% một năm thì số lãi còn 1%/năm và từ đó nó dẫn tới thời gian thu hồi vốn đầu tư phải là 100 năm, bởi vì thời gian thu hồi là cái số 1 chia cho lãi suất hàng năm.
- Mặc Lâm: Về các chuyến bay trung chuyển thì nhiều chuyên gia hàng không cho rằng VN khó cạnh tranh với các sân bay quốc tế khác như Hàn quốc, Thái Lan. Xin TS cho biết trong“Báo cáo đầu tư dự án cảng Hàng không Quốc tế Long Thành” với quốc hội có giải trình được yếu tố này hay không?
- TS Nguyễn Bách Phúc: Trong báo cáo đầu tư nó nói rất chung chung, không cụ thể nhưng phía chúng tôi đã có những bài viết phân tích vấn đề này. Chúng tôi đã nói rõ là sân bay Long Thành nếu nói về tác dụng trung chuyển quốc tế thì chỉ có thể trung chuyển cho mỗi một nước Úc thôi, mà thị phần nước Úc rất nhỏ vì Úc chỉ có 20 triệu dân và hơn nữa tất cả các sân bay ở Đông Nam á đều có thể trung chuyển cho Úc cả vậy thị phần nhỏ bé ấy chia cho Long Thành được bao nhiêu?
Thứ hai nữa Long Thành liệu có thể cạnh tranh được với những sân bay rất lớn đã có truyền thống ở ĐôngNam á như sân bay Hongkong, sân bay Singapore, Malaysia, Thái Lan hay không? Cho nên tôi cho rằng sự mong muốn sân bay Long Thành trở thành sân bay trung chuyển quốc tế là không thực tế và từ đó con số 100 triệu hành khách/ năm theo dự báo của “báo cáo đầu tư” cũng là một con số không thực tế.
- Mặc Lâm: Tần suất máy bay nước ngoài với 25 triệu hành khách vào VN như đánh giá của nhiều chuyên gia hàng không trước đây liệu có đủ cho một phi trường có cấu trúc to lớn như sân bay Long Thành hay không?
- TS Nguyễn Bách Phúc: Thật ra tất cả những cái đó nó thuộc về bài toán kinh tế, mà bài toán kinh tế ví dụ như tôi nói vừa rồi là họ tính EIRR nó kèm theo rất nhiều giả thiết mà giả thiết như thế nào thì sẽ cho ra kết quả như thế ấy cho nên trả lời câu hỏi đó của nhà báo thì vấn đề là phải tính EIRR thật nghiêm túc, chính xác chứ không phải như cái báo cáo vừa qua như đã tính toán
- Mặc Lâm: Nhìn chung cả báo cáo này TS thấy cái sai sót lớn nhất là gì và ông sẽ có kiến nghị gì với Quốc hội cũng như chính phủ?
- TS Nguyễn Bách Phúc: Ngày hôm nay chúng tôi sẽ có một kiến nghị gửi cho Bộ Chính trị, Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và Quốc hội trong ấy nói rõ là cái Báo cáo có 7 điểm bất cập. Chúng tôi phân tích rất rành rọt 7 điểm bất cập đó là gì, phân tích ngắn gọn xúc tích để cho các vị đọc nhanh và trong đó đã nói tất cả những bất cập của Báo cáo.
Cái thứ nhất là bất cập về pháp luật. Thứ hai là xác định sai vai trò và vị trí của cảng hàng không quốc tế Long Thành trong mục tiêu phát triển của đất nước Việt Nam hiện nay. Thứ ba là không có thiết kế sơ bộ dẫn đến những hậu quả nặng nề. Thứ tư là lựa chọn phương án đầu tư sơ sài không chính xác. Thứ năm tính toán sai vể hiệu quả kinh tế xã hội. Thứ sáu là giải pháp huy động vốn hết sức mơ hồ và thứ bảy chưa xét đến những rủi ro tất yếu.
Đấy là 7 điều mà chúng tôi cho là bất cập của bản báo cáo và từ đó chúng tôi kiến nghị là Quốc hội tạm thời chưa thông qua cái này. Chúng tôi cũng kiến nghị được thào luận trực tiếp với Bộ Giao thông, với chủ đầu tư về nội dung bản báo cáo và nếu như Bộ Giao thông và chủ đầu tư không tiện thảo luận với chúng tôi thì đề nghị nhà nước tạo điều kiện cho chúng tôi tranh luận trực tiếp với cái đơn vị Nhật làm báo cáo này để làm rõ cái sai của bản báo cáo.
-         Mặc Lâm: Xin cám ơn TS Nguyễn Bách Phúc.
(RFA)

Thứ Hai, 4 tháng 5, 2015

Những sự kiện nhiều người quan tâm trong đợt nghỉ vừa qua

BBB - Trong những ngày nghỉ vừa qua có nhiều sự kiên đáng chú ý.
Mời các Cụ tham khảo 10 sự kiện của báo Thể thao Văn hóa và nếu có thể, xin góp thêm.
Cảm ơn và chúc mọi người mạnh khỏe để tham gia những "sự kiện" thú vị trong mùa hè.




Advertisement

Điểm lại 10 sự kiện tâm điểm trong 6 ngày nghỉ lễ

6 ngày nghỉ lễ ngồn ngộn những sự kiện đã trôi qua. Có những sự kiện diễn ra khiến ta bồi hồi xúc động, thậm chí là nước mắt rưng rưng. Nhưng cũng có sự kiện khiến chúng ta phải lo lắng, "nín thở" theo dõi và chờ đợi. Lại có những sự kiện khiến ta phải tò mò, phát sốt lây và có cả những sự kiện khiến ta phải xót xa, kinh hãi…


Hãy cùng Thể thao & Văn hóa điểm qua những sự kiện văn hóa xã hội trong nước nổi bật nhất trong vòng 6 ngày nghỉ lễ vừa qua.

1. Hào hùng Lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Trong tuần, tất cả các địa phương trong cả nước đã tổ chức lễ mít tinh và hoàng loạt các sự kiện văn hóa văn nghệ nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nhưng long trọng nhất, hào hùng nhất vẫn là Lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành diễn ra tại TP Hồ Chí Minh.
Nhân dịp này đã có hơn 800 phóng viên của các cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài nước đã đăng, phát các tin, bài, phóng sự về sự kiện lịch sử trọng đại này của dân tộc Việt Nam. Điều đó càng khẳng định, sự kiện ngày 30/4/1975 đã tạo nên những “dư chấn” trên toàn cầu, mang tính thời đại sâu sắc và thế giới vô cùng cảm phục ý chí chiến đấu giành độc lập dân tộc của Việt Nam.
2. Mãn nhãn với những bữa tiệc pháo hoa trong mừng “Đất nước trọn niềm vui”
Trong tuần, người dân cả nước đã được tham gia, thưởng thức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ nhân kỷ niệm 40 năm Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Nhưng có lẽ ấn tượng nhất vẫn là bữa tiệc pháo hoa mang chủ đề “Đất nước trọn niềm vui” diễn ra trên bầu trời thủ đô và thành phố mang tên Bác.
Không phụ lòng mong mỏi và chờ đợi suốt thời gian dài, trong 15 phút, bầu trời hai miền đã sáng rực bởi pháo hoa kết hợp với hiệu ứng ánh sáng đã khiến người xem mãn nhãn và cảm giác vui tươi như đón pháo hoa ngày… tết.

Trước ngày bắn pháo hoa mừng 40 năm thống nhất đất nước, một dạ tiệc pháo hoa (Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế thường niên) cũng đã nở trên bầu trời Đà Nẵng, thu hút hàng vạn người dân và khách du lịch đến thưởng lãm.
Nhìn chung các đội tham dự đều có những “màn ảo thuật ánh sáng” đẹp mắt, nhưng với “Bản giao hưởng sắc màu” đã đội Howard & Sons Pyrotechnics của Austrailia đoạt giải Nhất khi chinh phục mọi ánh nhìn của người thưởng lãm và dắt họ lạc vào một bản giao hưởng của sắc màu trong 21 phút.
Đội Đà Nẵng của nước chủ nhà chỉ đoạt giải Ba nhưng thứ bậc ở sân chơi này dường như không mấy quan trọng. Cái quan trọng là qua 6 năm liên tiếp tổ chức thi trình diễn pháo hoa quốc tế, Đà Nẵng đã tạo ra một sự kiện văn hóa đẹp, làm thỏa lòng người dân, khách du lịch và luôn là bữa đại tiệc cho bất kỳ ai yêu nghệ thuật ánh sáng.
3. Tìm thấy hộp đen và thi thể hai phi công máy bay Su-22 gặp nạn
Thông tin về hai máy bay Su-22 gặp nạn khiến hai phi công Lê Văn Nghĩa và Nguyễn Anh Tú thiệt mạng đã làm cả nước bàng hoàng, đau xót. Cuộc tìm kiếm quy mô và kéo dài trên biển đã thu hút sự quan tâm từng ngày của công chúng.
Rồi đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm "Ngày hội non sông", Bắc - Nam sum họp một nhà (30-4-1975 - 30-4-2015), các anh lần lượt trở “về” tạo nên một khoảng lặng trong trong những ngày vui đại thắng.
Sự ra hy sinh của phi công Lê Văn Nghĩa và Nguyễn Anh Tú vừa là một mất mát lớn vừa là lời nhắc nhở đối với mỗi người rằng; dù đất nước trong chiến tranh hay hòa bình thì những người lính vẫn luôn sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ từng tấc đất, vùng trời, mặt biển của tổ quốc. Các anh thực hiện nghĩa vụ ấy chính là tiếp nối nghĩa vụ của những người lính, người dân nước Việt trong quá khứ để giữ vững hòa bình, hạnh phúc cho muôn người hôm nay và sau này…Ngày 3/5, Lễ viếng và truy điệu 2 phi công đã diễn ra tại TP.HCM
4. Số lượt người đến viếng khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp cao kỷ lục.
Khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có hơn 170.000 lượt người với hơn 8.000 đoàn đến viếng mộ Đại tướng trong dịp nghỉ lễ năm nay. Trong những ngày nghỉ lễ (từ 28.4 đến 3.5), tuyến đường từ quốc lộ 1 dẫn vào vào đến bãi đỗ xe tại Khu mộ Đại tướng dài hơn 3km luôn chật kín người đi viếng. Đây là thời điểm có lượng khách đến viếng cao nhất tính từ trước đến nay.
5. Khoảng 7 – 8 triệu người về dự Lễ hội đền Hùng (Phú Thọ)
Không nhận các lễ vật kỷ lục, nhưng Lễ hội đền Hùng ở tỉnh Phú Thọ năm nay vẫn ghi thêm một kỷ lục. Đó là trong những ngày lễ hội đã có 7-8 triệu lượt người hành hương về dự lễ. Con số này vượt cả dự kiến nêu ra trước đó (khoảng 6-7 triệu lượt người).
6. Có tới 162 người chết vì tai nạn giao thông trong 6 ngày nghỉ lễ Thống kê từ Cục cảnh sát giao thông cho thấy, trong kỳ nghỉ lễ dài 6 ngày (28/4 – 3/5) đã có 263 vụ tai nạn xảy ra làm 162 người thiệt mạng, 184 người bị thương, 3 người mất tích. Trong đó, đường bộ xảy ra 249 vụ làm chết 150 người, bị thương 183 người. Đường sắt xảy ra 3 vụ làm chết 2 người bị thương 1 người. Đường thủy xảy ra 11 vụ làm chết 10 người.
Nguyên nhân chủ yếu là do các trường hợp điều khiển phương tiện giao thông chạy quá tốc độ quy định, đi không đúng làn đường, phần đường, vi phạm quy định về nồng độ cồn, không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy, dừng đỗ không đúng nơi quy định…
Vậy là trong những ngày nghỉ lễ “có cái chết hóa thành bất tử” đã có “những cái chết vô tình như tự tử” làm nên một bức tranh giao thông thảm khốc nhất, xấu xí, rùng mình nhất từ trước tới nay.
7. Du lịch tăng vọt, cháy phòng
Trong 6 ngày nghỉ lễ, số người tai nạn giao thông tăng vọt cũng là đương nhiên khi mà theo thống kê các tour du lịch trong và ngoài nước, các nhà nghỉ, khách sạn đều “cháy”.
Theo một khảo sát, giá tour và dịch vụ du lịch cho kỳ nghỉ lễ tăng rất mạnh so với ngày thường, thậm chí một số dịch vụ tăng từ 150% tới 200%. Không chỉ giá tour mà giá các dịch vụ du lịch như vé xe, tàu, vé máy bay đều tăng đáng kể, đặc biệt là giá phòng nhà nghỉ, khách sạn tại những nơi thu hút khách tăng từ 100% tới trên 200% so với ngày thường.
Thế mà dân mình vẫn nườm nượp kéo nhau đi du lịch, nghỉ dưỡng mặc dù có nhiều tour bị lừa, đi du lịch mà như đi hành xác. Chẳng biết những thống kê trên có đúng không nhưng người dân càng đi du lịch nhiều càng chứng tỏ đời sống kinh tế đã “dồi dào” và việc người dân đi du lịch, đặc biệt là du lịch nội địa là đã góp phần đáng kể cho nền kinh tế quốc dân.
8. Người Việt ở Nepal được an toàn trong cơn động đất kinh hoàng
Trong suốt những ngày nghỉ lễ, sự an toàn và tình hình sức khỏe của các công dân Việt Nam sau trận động đất tại Nepal luôn được dư luận quan tâm.
Sau vụ động đất kinh hoàng mạnh 7,9 độ richter tại Nepal xảy ra vào trưa 25/4, một số du khách Việt Nam ban đầu tưởng như mất tích hoặc bụi vùi lấp dưới những đống đổ nát đã được an toàn về nước nhờ công tác cứu trợ của đoàn công tác Việt Nam tại Nepal cùng các lực lượng chức năng nước sở tại triển khai nhanh chóng, tích cực.
Không những hỗ trợ, giải cứu người Việt trở về đoàn tụ cũng gia đình, Chính phủ Việt Nam còn cử Đoàn công tác đặc biệt của Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ sang Kathmandu để giúp đỡ người dân tái thiết đất nước sau thảm họa, đồng thời hỗ trợ nước bạn 50.000 đô la Mỹ nhằm hỗ trợ cho người dân trong lúc khó khăn, hoạn nạn.
9. Sốt phim “Ma dai”
"Ma dai" là từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên mạng (theo thống kê của Google hôm 3/5) và cũng là tên bộ phim gây nên một bất ngờ lớn trong 6 ngày nghỉ lễ vừa qua.
Theo đại diện nhà phát hành phim tiết lộ, chỉ trong 4 ngày đầu khởi chiếu, bộ phim Ma dai đã thu hút 175.000 lượt người xem và đạt doanh thu 14 tỷ đồng.
Nhiều người lý giải cơn sốt Ma dai là vì phim có đề tài quen thuộc về mối quan hệ giữa con người và những linh hồn nhưng đã thực hiện các kỹ xảo tinh tế, chịu đầu tư vầ mặt hình ảnh để có một phút huy hoàng trên màn ảnh. Và điều quan trọng là phim phù hợp, hấp dẫn với mọi lứa tuổi.
Chưa biết cái gọi là kỷ lục doanh thu phòng vé kể trên ra sao, song có một sự thật là công chúng đã, đang và còn háo hức với bộ phim này và đó chính là niềm vui lớn cho những người thực hiện bộ phim, là một tín hiệu vui cho các nhà làm phim khác tiếp tục sản xuất ra những bộ phim tạo được hiệu ứng tốt như thế này.
10. Bão “đoán tuổi” của Microsoft tràn ngập cộng đồng mạng Việt Nam!
Cả thế giới, trong đó có Việt Nam trong những ngày nghỉ lễ vừa qua đã phát “sốt” với trang mạng How-old.net vì nó đã và đang mang lại nguồn vui cho tất cả mọi người.
Website này cho phép bạn đăng tải một tấm ảnh chân dung lên, và nó sẽ sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt cùng các kỹ thuật khác để dự đoán số tuổi (và cả giới tính) của người trong ảnh.
Dù kết quả dự đoán đa số là... trật lất, nhưng việc trắc nghiệm này lại mang một ý nghĩa khác, khi qua đó, mọi người đều có thể hình dung gương mặt mình già hơn hay trẻ hơn so với độ tuổi thật.
Nhóm PV