Chủ Nhật, 23 tháng 6, 2013

Bài viết hưởng ứng in Sách Làng.



KỂ CHUYỆN BẠN MÌNH  
                      CHUYỆN CỦA ÔNG GIÁO LÀNG.
                                                                                    Trung Hải
Chúng tôi thường gọi Bùi Công Sương (BCS) là “ông Giáo làng” một cách trìu mến và thân tình như vậy; vì nhiều lý do, cả thật và đùa vui nữa.
 Gọi là ông Giáo làng vì có thời gian dài Bạn làm Hiệu trưởng trường cấp 1, 2 tại làng Hoàng Mai, xã Hoàng Văn Thụ, huyện Thanh Trì (gia đình bà Xã tôi cũng ở làng này).
 Và hơn thế nữa, vì Bạn còn tận tụy suốt đời với “nghề gõ đầu trẻ” ở những  ngôi trường của nhiều làng quê khác nhau. Tuy là Hiệu trưởng nhưng B.C. Sương lại có tác phong rất giản dị của một ông giáo làng điển hình,  từ ăn mặc, nói năng, đi lại …(ngay sau này, thời mà đa số đã đi xe máy loại “Kich”, “Cup” thì Bạn vẫn với chiếc "mũ cối" trên đầu, đi xe đạp, hoặc cùng lắm là cưỡi “Babet…nhè”).
 Tôi với BCS có nhiều kỷ niệm; chỉ xin kể một vài chuyện nhỏ để nói lên nhân cách, sự tế nhị trong cách “đối nhân xử thế” và tấm lòng của Bạn với bạn bè; rất chân thành và đáng quí mà tôi nhớ mãi.

GIÚP BẠN BÍ QUYẾT NUÔI “THỦ TRƯỞNG” CHO CHÓNG LỚN.

 Chuyện thế này: Hồi bao cấp, tem phiếu, đời sống vô cùng khó khăn: “Nhà nhà chăn nuôi", “Người người kiếm kế sinh nhai” bằng “nghề phụ”, vô cùng gian nan vất vả.
Cái thời mà như người ta bảo: “ 1 cân Chất xám không bằng 8 lạng chất bột” thì hầu hết chúng ta đều phải nuôi “thủ trưởng…lợn”. Sau này là chim cút, chó Nhật, béc giê Đức, vẹt Hồng Công…
 Đến như bạn Hoàng Đức Nghi (Lớp 4) lúc đó là Thứ trưởng Bộ Vật Tư (sau là Bộ trưởng), nhà ở gác 3 chung cư Giảng
, thế mà một hôm tôi ghé chơi, thấy Bạn đi làm về vẫn phải “quần sắn móng lợn” kì cọ tắm mát cho...  “thủ trưởng” lợn, được nuôi trong nhà tắm. Chứ nói gì đến “phó thường dân” như  tôi và nhiều bạn Quế Lâm chúng ta, phải nuôi lợn và cho ngủ ở gầm bàn v.v. ; là phổ biến như … “chuyện ngày thường ở huyện”.
 Khổ nỗi tôi không mát tay, nuôi lợn rất chậm lớn, mặc dù rất chịu khó tham khảo nhiều tài liệu hướng dẫn về…  nuôi lợn, kể cả bằng tiếng ta và tiếng Tây.
Rồi tôi còn nhờ một cô bạn thân tốt nghiệp khoa Chăn nuôi  ở Matxcova, sau lại đi nghiên cứu sinh, lấy bằng “Phun Thuốc Sâu”( Phó Tiến Sỹ) hẳn hoi làm “cố vấn” riêng; thế mà chả ăn thua gì, lợn nuôi mãi mà vẫn còi cọc.
Tôi lo cho “thủ trưởng” lợn khi chê ăn, còn hơn lo cho “SÊP trưởng” ở cơ quan khi ông ấy thấy trong người “khó ở", hay khi bị “hắt hơi xổ mũi” .
Về chuyện lợn gà, hai vợ chồng tôi đang lúc “bí” thì BCS đến chơi.
Nghe kỹ câu chuyện cách chúng tôi nuôi lợn thế nào; sau một hồi phân tích, rồi Sương  mới cho... nhận xét ngắn gọn: "Mọi khâu các bạn đều làm tốt, nhưng ... chưa đủ!".
S nói tiếp: "Bây giờ có hai bí quyết tớ mới “phát minh”, hai bạn phải chịu khó áp dụng một cách triệt để ngay nhé!."
 Một là, cho cơm nguội vào ba vỏ hộp xà phòng kem, ủ với men rựơu, chờ cho lên men rồi mỗi lần khi cho lợn ăn hòa một lon vào chậu cám; ăn xong “thủ trưởng” sẽ “ngủ say bí tỉ”. Dân gian đã có câu "ăn được ngủ được là tiên" mà.
Hai là, cho lợn ăn mỗi ngày một bát ớt chỉ thiên (còn gọi là tiêu thóc hay ớt hiểm).
 Tôi nghe, sợ đến vãi cả… mồ hôi hột; vì khi ăn cơm, có lần tôi chót cắn phải  miếng ớt chỉ thiên,  đã thấy bỏng cả miệng, nước mắt dàn dụa; mà cho xơi cả bát ớt thì có mà toi mạng “thủ trưởng” của tôi.
Ông Giáo làng có lẽ đoán được băn khoăn, thắc mắc của “học trò cưng” nên ôn tồn giải  thích:
 Ăn nhiều ớt để trừ giun sán; nhưng tác dụng đăc biệt, cái độc đáo của “menu” này, chưa có  “nhà bác học đông tây, kim cổ” nào nghĩ ra (?) là ở chỗ:  Ớt có vị cay và rất nóng,  ăn vào làm cho “thủ trưởng thông hơi…khỏi bị…bí trung tiện!”.
Cậu chẳng nghe thiên hạ có câu: “ăn no, ngủ kỹ, chổng… lên trời” à. “Chổng” để làm gì Cậu có biết không?!.
(May là lúc đó chỉ có tôi với ông giáo S, nên ông rất thoải mái giảng giải!).
Tôi cười. S còn “đế” thêm:  Được thế, ngay cả Cậu cũng chóng lớn, huống chi là… “thủ trưởng"!.
 Tôi thấy có lý, thế mà mình không nghĩ ra, đơn giản, rẻ tiền lại dễ kiếm.
 Tôi  khen và  phục  S là “cao kiến”, thật là hóm; và tôn S làm "Sư phụ... lợn".
BCS khoái chí cười  và nói thêm: “Lợn nhà tớ mỗi tháng lên hơn 20 kg đấy”.
Như là để củng cố lòng tin cho tôi vào “phát minh độc đáo” trên.
 Sau đó  ít ngày tôi và bà Xã “đi thực tế” đến nhà S và hỏi chị Trường (Vợ S), thì đúng lợn nhà Bạn nuôi bằng “công nghệ tiên tiến” và áp dụng “bí quyết” trên, nên lên cân nhanh như vậy.
(Đó là kỷ lục tăng cân thời bao cấp, khi không có thức ăn gia súc tăng trọng như bây giờ).
Trước khi ra về, BCS  hình như chưa thật yên tâm; dù có bao nhiêu kinh nghiệm và bí quyết đều “rút ruột” truyền cả cho tôi, với câu nói cửa miệng, mà nay chúng ta thường nghe bạn Tú Riềng hay nửa đùa nửa thật, nhiều lần nói với tôi và các bạn: “Là Bạn Quế Lâm, tớ không giúp cậu thì giúp ai”!.
BCS cũng nói với tôi như thế, nhưng với thái độ chân tình và nghiêm túc. Tôi biết S không nói đùa và vì thế tôi càng tin chắc là được S giúp thì về cái... "mặt lợn" (của tôi) năm tới sẽ khởi sắc!.
 S hẹn lứa sau sẽ đưa tôi đi mua lợn giống, cho nó yên tâm tuyệt đối.
Vì theo Bạn: “Có giống tốt là đã nắm chắc 50% thắng lợi rồi”.
Vợ chồng tôi rất quý  Bùi Công Sương vì sự chân thành , rất nhiệt tình giúp bạn chu đáo và đã giúp là giúp đến cùng.
  Thế rồi  một hôm BCS đưa tôi đi mua lợn giống, nên mới lại… “có chuyện” để kể tiếp.
 
THẦY HIỆU TRƯỞNG VÀ NGƯỜI BÁN KEM RONG.


Vào một sáng mùa hè oi ả. Mặt trời đã lên cao, nắng chói chang trên những tán cây phượng vĩ hoa  đỏ rực; và ve sầu cũng đã kêu ran trên những đường phố Hà Nội.
Các trường đã nghỉ hè, nên thầy Hiệu trưởng Bùi Công Sương cũng rảnh rang công việc.
 Như đã hẹn, S đưa tôi ra ngoại thành để mua lợn giống về nuôi.
Chúng tôi mỗi đứa một xe đạp “loại cà tèng”, trên Poocbaga buộc hai cái rọ nhỏ đan bằng tre để đựng lợn con.
Khoảng hơn mười giờ trưa, chúng tôi đến một làng quê ở một huyện ngoại thành Hà Nội.
Đây là cơ sở thân quen của S và là một làng nổi tiếng về lợn giống. Vì vậy chúng tôi không mất mấy thời gian đã chọn được hai con lợn giống ưng ý.
 S khen: “Đẹp như tranh!”; và theo kinh nghiệm của bạn, thì chúng sẽ hay ăn chóng lớn.
(Nói thật tôi mù tịt về cái khoản này, nên chỉ biết gật gù. Và trong bụng rất tin S).
Hai đứa đạp xe mồ hôi nhễ nhại; nhưng bù lại là niềm vui có “chiến lợi phẩm ” và đạt được nguyện vọng.
Chúng tôi đang mải mê vừa đạp xe, vừa trò chuyện trên con đường làng phơi đầy rơm rạ; thì S “thất thanh”, “gọi dật giọng”: Hải,…  Hải!, rồi vội lao ngay xe đạp vào bui cây cúc tần, dâm bụt… ven đường.
Tôi không biết có chuyện gì mà S có vẻ “hốt hoảng” nhưng cũng theo S lao nhanh vào bụi cây để ẩn nấp như hồi còn chiến tranh mỗi khi nghe tiếng máy bay địch đang lao đến. Tôi cũng vội vàng nấp sau cây duối cổ thụ.
Và ngay tức khắc, tôi nghe thấy tiếng “toe, toe” của loại "còi hơi bóp tay" mà những người đi xe đạp bán kem rong ở nông thôn thường dùng. S chỉ cho tôi một người bán kem rong với thùng kem que, đang đứng bán kem cho mấy đứa trẻ ở ngã ba đường làng, cách chỗ chúng tôi "ẩn nấp' có vài chục mét.
Tôi thắc mắc hỏi: Có gì mà “sợ” thế?.
S giải thích: “Anh chàng bán kem rong” ấy, chính là giáo viên dạy toán giỏi của trường tớ đấy.
Hoàn cảnh của cậu ta rất khó khăn, vợ cũng là giáo viên cấp1 cùng trường, nhưng ốm yếu quanh năm; có hai con nhỏ thì một đứa bị tim bẩm sinh. Gia đình nội ngoại ở mãi Nghệ Tĩnh, không giúp được gì. Phải tự lo liệu với đồng lương giáo viên cấp 1, nếu không có thêm thu nhập thì gay lắm.
S nói thêm: Cậu ấy không biết làm gì hơn để có thu nhập thêm,  đành đi bán kem rong.
Mà thời đó lại có quy định cấm "người trong biên chế" buôn bán. Giáo viên đi buôn nhất là đi bán kem rong là bị kỷ luật. Lôi thôi là “mất dạy” ngay, vì Tổ chức cho là “nhếch nhác”.
  Mà nếu bị kỷ luật, không được đi dạy học hoặc không được đi bán kem rong nừa, thì cậu ta biết lấy gì nuôi và thuốc thang lúc vợ ốm, con đau?.
BCS bảo: Mình phải tránh, để cậu ta khỏi bắt gặp; như vậy sẽ không bị… mặc cảm. Còn mình coi như… không biết chuyện này!.
Thế là cậu ta vẫn được dậy học và vẫn "được"… đi bán kem rong như không có gì sảy ra.
Còn mình - ông Hiệu trưởng của cậu không phải đau lòng làm một việc trái với lương tâm, là buộc phải thi hành kỷ luật (theo quy định) một đồng nghiệp rất quý mến và đáng thương,  chỉ vì "hoàn cảnh" mà phải làm “Người bán kem rong” bất đắc dĩ.
S nói thêm: "Mình biết đó là lao động chân chính, nhưng “Tổ chức” không cho phép".
Tôi thấy ở Bùi Công Sương một “Ông Giáo làng” -Một con người bình thường là Người Bạn Quế Lâm mà chúng ta rất quý mến, có tấm lòng nhân hậu, “đối nhân xử thế” rất thông minh và tế nhị .
Phải chăng nhân cách của Bạn đã được ươm trồng và nảy mầm trong cái nôi “Quế Lâm Dục Tài Học hiệu” từ thời thơ ấu?.
Bùi Công Sương đã “đi xa”. Hình ảnh một người bạn với dáng vóc nhỏ bé, với vẻ mặt hơi khắc khổ  và nhìn bề ngoài có vẻ hơi khô khan, nhưng nội tâm lại chứa chan tình cảm  với bạn bè, chân thành và sâu sắc làm tôi không thể nào quên.






















Thứ Hai, 10 tháng 6, 2013

Thơ (hưởng ứng ra SÁCH của Làng)



BBB – Tôi vừa sửa lại bài “Một thời Quế Lâm” để xin góp vào SÁCH của Làng nhân dịp kỷ niệm 60 năm Trường TNVN Lư Sơn – Quế Lâm.
Xin trình các Cụ Làng ta .

MỘT THỜI QUẾ LÂM

Đã đi
             gần hết cuộc đời
Vẫn còn nhớ mãi
               Một thời Quế Lâm”
“Dục tài” trường cũ
                                  không quên
Vườn ươm nhân cách  
                             tạo nên Con Người.

“Sáu điều Bác dạy”
                                  
 sáng ngời
Câu thơ Bác tặng
                                    suốt đời mang theo :
“Bác mong các cháu rất ngoan
Bác gửi các cháu một ngàn cái hôn”.
Dù cho sông cạn,
                                núi mòn
Khắc sâu trong dạ
                               tình thương của Người.
 Sống sao có ích cho đời
Chẳng gì mình cũngMột thời Quế Lâm”!.

Lư Sơn ơi !
                    Quế Lâm ơi !
“Một thời để nhớ
                         , suốt đời không quên
Bao nhiêu gương mặt thân quen …
Thương nhau như thể anh em một nhà.
Quê hương,
                 Cha Mẹ…
                                 thì xa
Nghĩa tình Thầy Bạn
                                  làm ta ấm lòng.
Ly giang
               dòng nước xanh trong
Trúc đào
                hoa nở rực hồng hồ xanh
Tiếng chim ríu rít trên cành
Tiếng cười,
                  tiếng hát
                               rộn quanh sân trường ….

 Thu vàng.
              Tóc đã điểm sương
 Bao nhiêu kỷ niệm về Trường còn đây
Ai còn,
                ai mất
                            hôm nay
“Quế Lâm Ngày ấy”
                              làm say lòng người.
Dù cho
            vật đổi
                         sao rời
“Tình xưa, nghĩa cũ”
                              trong tôi
                                          vẫn bền.
Sông Ly
              vẫn chảy êm đềm
Lư sơn
                   tuyết vẫn phủ trên rừng tùng …

Nhớ Người
                   nhớ cảnh
                                       Quế Lâm
Sáu mươi năm ấy(*)
                                    mà lòng nao nao.

 (*) - Mùa Thu (25/8) năm nay Trường TNVN Lư Sơn- Quế Lâm kỷ niệm 60 năm thành lập. (1953 – 2013)



Duy Khắc Dạy toán và làm thơ



BBB - Cụ Duy Khắc từ thời để chỏm đã học rất giỏi đặc biệt về môn Toán.
Thời kỳ "Hậu Quế Lâm" cụ về học ở Trường Ngô Quyền HP với bọn chúng tôi (ĐKMinh, Vũ Mão, Duy Hải, Trung Hải và sau có cả Q.Trung). Cụ vẫn học giỏi, thể thao giỏi và được vào đội tuyển HS TP Hải Phòng đi thi đấu "Giải bóng chuyền toàn quốc".
Tốt nghiệp Phổ thông, cùng khá đông bạn Lớp mình đi hoc Trường Ngoại ngữ Gia Lâm.
Sau rồi đi LX, TQ, Đức.... , mỗi đứa học một nghề, còn DK được vào Khoa Toán Trường ĐH Tổng hợp QG Lômônôxôp nổi tiếng không chỉ ở LX mà trên toàn TG
. Ra trường Bạn về dạy ĐHBK Hà Nội, rồi đi chuyên gia, dạy ở Angola về rồi chuyển vào ĐHBK Tp HCM. Về hưu nhưng DK không "mất dạy" vẫn "đi cầy" đều đều. Cụ vừa đẹp... lão, nói năng nhẹ nhàng, cười tươi và rất yêu (quý) học trò, kiến thức uyên thâm, kinh nghiệm đầy mình, lại tận tuỵ kèm cặp học sinh đến nơi đến chốn. Các em hầu hết đỗ vào các trường Đại học theo nguyện vọng nên rất yêu( quý) Thầy. ( vì "Muốn cho hay chữ phải YÊU, LẤY Thầy"!?.
Chăm chỉ và không chỉ có vốn kiến thức, kinh nghiệm mà Cụ còn rất có duyên... Nên Cụ luôn bội thu, chả kém gì mấy anh "Hai Lúa" ở... Sa Đéc (quê Bà Xã).
Những lần ra Bắc gặp bạn bè, Cụ chi tiêu rộng rãi, chiêu đãi đủ thứ... "mệt nghỉ" . Đặc biệt là lần đi PHƯỢT lên Thái, ai cũng tưởng Cụ là "Công tử Bạc ... NIÊU".
(Thôi trích ngang hơi bị ...dài. Không ... đùa nữa).

Vừa rồi tôi được Cụ Mõ trưởng Calathau "sai" đi xem lại "đĩa (bát)" mà Cụ Ng. Ánh và Noilieu đã bỏ bao công sức làm ra; đĩa đã lưu lại toàn bộ các bài của các Cụ Cu Lờ trên "Bờ-lờ Cu Lờ" từ năm 2007 đến giờ. Một công trình tuyệt vời, công phu, đáng được nhận "Giải thưởng ... Sông Ly" của Làng ta.
Thú thực tôi chỉ có đọc cũng đã... mỏi mắt (vì đến cả ngàn bài, chưa kể ảnh và com); nhưng cũng vui, vì có nhiều bài đọc rất thích. Trong số đó có 2 bài của cụ Duy Khắc - "Người Chuyên làm toán" lại làm... THƠ. Mà thơ của Cụ chả thua gì mấy "lều Thơ có máu mặt" của Làng ta.

Tôi xin phép đăng lại để gọi là mừng cho Cụ Duy Khác vừa qua "cơn bệnh nguy kịch" và để đề nghị tuyển vào SÁCH của Làng

Duy Khắc đãi cơm và tặng thơ Trung Hải


.Tôi với Trung Hải cùng quê Kiến Thụy (Hải phòng). Hai ông Bố cũng là bạn chiến đấu. Năm 1966 bố tôi ra đảo Cát Bà họp và bị máy bay Mỹ thả bom nên đã hy sinh tại đó.Thời kì đó máy bay Mỹ đánh phá liên tục cảng Hải Phòng và đảo Cát Bà. Đáng lẽ buổi họp đó chỉ cần cấp trưởng phòng tham dự nhưng phân công vị nào cũng tìm lý do thoái thác vì sợ. Cuối cùng bí thư Đảng ủy kiêm Giám đốc Sở phải đi. Và cụ đã chết thay cho bọn họ ! Tiếc rằng sau đó cụ không được công nhận là liệt sĩ.

   Bố Trung Hải là người tích cực tìm lại sự công bằng cho bố mình. Việc đó kéo dài đến năm 1978 mới được công nhận .Tình cảm gia đình mình và gia đình Trung Hải ngày càng gắn bó.

    Vừa rồi Trung Hải đến nhà mình , mình có mấy câu thơ CON CÓC , học lỏm theo thơ Nguyễn Khuyến để tặng Trung Hải:

Hôm nay Hải đến chơi nhà,
Sa-kê đã hết ,mít già cũng không.
Chợ xa đi lại lòng vòng,
Khắc tôi chưa biết đãi ông món gì.
Thôi thì ta tạm nhâm nhi,
Vài con tép vụn cùng ly rượu nhà.
Để rồi ta lại với ta,
Nhớ về cha mẹ, ông bà ngày xưa.
Thương cho các cụ bị "Lừa"
Đi theo chủ nghĩa cò cưa rối mù.
Cùng quê hương ,cùng chiến khu,
Cùng trường cùng Lớp,cùng Cu-e-lờ(QL).
Viết cho bạn mấy vần thơ,
Chỉ là học mót Nguyễn "khờ" mà thôi.
Rượu nhạt để bạn nhớ tôi,
Rượu ngon bạn sẽ nhớ nơi tiệc tùng.







BẠN TÔI LÀ AI ?

Người ta thường nói:
Lỗ mũi có tám gánh lông,
Chồng yêu chồng bảo" tơ hồng trời cho"
 Còn bạn tôi thì:



Trán hói, tôi bảo thông minh,
Láu liên tôi bảo: nhiệt tình có dư.
Đi biển, da dẻ đỏ lừ,
Tôi yêu tôi bảo: Đẹp như trứng gà(..bóc).
Cái bụng ngày một phì ra,
Tôi yêu tôi bảo " Đó là bụng Quan" 
Già rồi mắt vẫn còn gian ,
Thấy con gái đẹp...liếc tràn cung mây,
Tôi yêu tôi bảo: Mắt Tây !
Mắt của danh họa: liếc mây tìm rồng,
Ở nhà vợ bảo "lông bông" ,
Tôi yêu tôi bảo:" Nhất chồng Quế lâm !".
Người ta thì bảo hâm hâm,
Tôi yêu tôi bảo : Xứng tầm làng ta "(làng QL).

Tôi đang ẩn nấp nơi xa,
Nghe tin bạn ốm gửi ra mấy lời.
 Mong bạn sức khỏe tuyệt vời,
Rồi vào tán phét với tôi trong này.
---
TÔI đố biết
BẠN TÔI  trong bài thơ là ai?
                                              Duy Khắc