Thứ Tư, 3 tháng 8, 2016

TIN khó tin!

Tin khó tin: “Chạy” mới được gặp lãnh đạo, nhắm mắt ký bừa và …cắt nhầm đã có bảo hiểm lo

Thứ tư, 03/08/2016 07:26

Tin khó tin hôm nay sẽ cung cấp cho những ai muốn có thêm chút dư vị bị và đắng thì nên đọc các sự tích về "ủy nhiệm bừa" và "nhắm mắt ký" liên quan đến dự án Formosa Hà Tĩnh, về ông Giám đốc Bệnh viện trả lời bệnh nhân "bác sĩ cắt nhầm đã có bảo hiểm lo", và ngay cả TPHCM, muốn gặp lãnh đạo thành phố cũng phải "X chai đưa đây" thì mới được gặp...

1. Ủy nhiệm bừa và... nhắm mắt ký

Một trong những văn bản liên quan đến môi trường Formosa Hà Tĩnh được lãnh đạo Bộ TN&MT ủy nhiệm ký lúc "hoàng hôn nhiệm kỳ". Ảnh Lao Động 


Hôm qua, Lao Động tiếp tục điều tra về việc đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của Formosa Hà Tĩnh xả thải và tiếp tục phát hiện những sự thật đắng lòng được gói gọn trong hai cụm từ “ủy nhiệm bừa” và “nhắm mắt ký”.
Ví dụ sinh động nhất là TS Nguyễn Khắc Kinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường, Chủ tịch Hội Đánh giá tác động môi trường Việt Nam thừa nhận, ông không tham gia hội đồng thẩm định nhưng vẫn được “ủy quyền ký” và chỉ hai tháng sau khi ký ĐTM Formosa, ông Kinh được nghỉ hưu.
Ký, sao mà dễ, mà vô trách nhiệm với dân với nước đến thế?
Và đây, ông Kinh trả lời về chuyện "nhắm mắt", tất nhiên không phải nói riêng về Formosa Hà Tĩnh: “Nhiều cái không bằng lòng lắm nhưng cuối cùng cũng cho qua, lý do là trình độ, sức ép về kinh tế là một phần, nhưng cơ bản là “sự gửi gắm” của “ông to, bà lớn” yêu cầu châm chước cho các dự án, khuyến khích đầu tư của tỉnh nhà… thành ra các sở không dám làm “găng”, và quan trọng hơn cả là đơn vị đứng ra thẩm định không có trình độ tương xứng”.
Ông Kinh còn bật mí là các bản đánh giá môi trường gồm “30% cắt dán, 70% thẩm định sai” và “chính cách làm thiếu trung thực và không đúng thực tế dẫn đến dự báo sai, đương nhiên sẽ “đẻ” ra thảm họa cho môi trường”.
Hay nguyên Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến được nguyên Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang ủy quyền cho ký công văn chấp thuận để Formosa xả thải ra biển trước khi nghỉ hưu đã tâm sự: “Có nhiều chuyện tôi nói mà anh Quang không nghe” hoặc “có những nhóm lợi ích ghê gớm mà tôi chỉ là thầy giáo đại học không dính dáng đến những lợi ích ghê gớm đó”.
Nghe cứ như chuyện kể của hội những người thích đùa!
2. “Tổn thất đã có bảo hiểm lo!”
Giám đốc bệnh viện Đa khoa huyện Nông Cống Lê Nguyên Khanh nói: "Tổn thất đã có bảo hiểm lo".
Quy luật rồi, chuyện hài đến mấy mà kể đi kể lại, lặp đi lặp lại thì chỉ còn thấy “buồn cười” chứ chẳng ai còn tâm trạng mà cười.
Như chuyện tai biến ở các bệnh viện, mới nhất là một sản phụ sinh mổ, sau đó phải cắt tử cung để cứu mạng và bác sĩ Bệnh viện Đa khoa huyện Nông Cống (Thanh Hóa) cắt nhầm luôn niệu quản, gây di chứng phù nề cơ thể... giờ cũng chẳng còn ai thấy lạ nữa.
Lạ chăng là phát ngôn của ông Giám đốc Bệnh viện Nông Cống sau khi bị người nhà thắc mắc: “Sức khỏe của vợ anh sẽ dần hồi phục. Bệnh viện không có quỹ để bồi thường, cái không may tổn thất đã có bảo hiểm lo, ai làm sai sẽ bị kỷ luật”.
Và đã hơn 1 tháng trôi qua kể từ khi “cắt nhầm”, bệnh viện Đa khoa huyện Nông Cống vẫn chưa xem xét trách nhiệm bác sĩ kíp mổ.
Ơ hay, bệnh nhân đến bệnh viện để chữa trị chứ có phải ăn vạ đòi tiền đâu mà lý luận buồn cười thế nhỉ?
Vào bệnh viện, với những “lương y như từ mẫu”, rồi lấy bệnh nhân làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người bệnh làm thước đó phong cách phục vụ… nhưng sao lại nói một hồi nghe cứ như là vào lò mổ!
3. Phải "chạy chọt" nếu muốn gặp lãnh đạo
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong thừa nhận chuyện doanh nghiệp phải "chạy chọt" mới gặp được lãnh đạo.  Ảnh: VietnamNet
Cứ nghĩ đã TPHCM, đầu tàu kinh tế của cả nước, là biểu tượng của sự năng động thì phải khác chứ, nhưng hóa ra cũng như nhau cả.
Ai chưa tin thì có thể nghe ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM nhận xét về báo cáo của Hội nghị đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh và thu chi ngân sách 7 tháng đầu năm 2016.
Ông bảo đó là một báo cáo chung chung, không khác gì so với 6 tháng đầu năm mới họp cách đây một tháng. Trong khi những vấn đề thành phố đang triển khai được dân quan tâm thì không được nhắc đến.
Đặc biệt, câu chuyện “muốn gặp sếp thì phải chung 20 chai” mà "Tin khó tin" từng để cập ở một số địa phương phía Bắc, hóa ra cũng đã và đang là chuyện thường ngày ở TPHCM, như ông Nguyễn Thành Phong thừa nhận.
Ông nói thành phố hứa tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển nhưng khi chủ doanh nghiệp muốn gặp lãnh đạo thành phố để trình bày nguyện vọng thì rất khó khăn. Và thường các doanh nghiệp phải bỏ ra chi phí “không chính thức” chỉ để được tiếp xúc với lãnh đạo thành phố, và “có một bộ phận chuyên nhận chạy chọt vấn đề này”.
Có một bộ phận chuyên nhận chạy chọt thì đúng rồi, nhưng ở TPHCM, muốn gặp sếp thì phải "chạy chọt" hết bao nhiêu chai, sao không thấy công khai luôn cho dân biết?

Theo 
Lao động

Gửi bình luận





1 nhận xét:

trantrunghai@gmail.com