Thứ Ba, 30 tháng 4, 2013

Thơ Trung Hải

BBB-  Ngày 30/04/1975 Chiến tranh đã kết thúc. Đất Nước đã hoà bình, thống nhất. Niềm vui thật lớn lao, hy vọng cũng lớn lao... và có cả nỗi thất vọng, nỗi buồn cũng không hề nhỏ.
Bao nhiêu mất mát, hy sinh to lớn của toàn Dân tộc, nhưng có lẽ mất mát to lớn nhất, không có gì so sánh và bù đắp được là của  những Người Mẹ đã mỏi mòn chờ đợi...,  nhưng vĩnh viễn không bao giờ được đón nhưng đứa con thân yêu trở về.
                  Mặc dầu Mẹ vẫn biết rằng đứa con của Mẹ vẫn còn đó - "Mãi mãi TUỔI HAI MƯƠI".
Tôi có viết một bài thơ, xin mời Làng ta đọc.


Thứ Tư, 24 tháng 4, 2013

BBB-Tôi tải từ Blog Quê choa của N.V  Nguyễn Quang Lập về 2 bài thơ, một của Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm nổi tiếng, cũng khá thân quen với một số người trong chúng ta và một bài thơ của một Tác giả gửi cho Ông.
Mời các Cụ đọc và suy ngẫm
.
 
Đất nước những tháng năm thật buồn
Nguyễn Khoa Điềm
images640364_Nha_tho_Nguyen_Khoa_Diem_Toi_song_cung_nguoi__chet_vi_nguoi_phunutoday.vn_1NQL: Mình vừa nhận được thơ bác NKĐ gửi cho, tác giả của những vần thơ về Đất nước cháy bỏng năm xưa lại ngậm ngùi nghĩ về Đất nước hôm nay. Đọc bài thơ “Đất nước những tháng năm thật buồn” của bác Điềm, mình bất chợt nhớ đôi câu thơ của bác: Ta đã đi qua những năm tháng không ngờ/ vô tư quá để bây giờ xao xuyến... tự nhiên thấy cay cay đầu sống mũi.
Đất nước những năm thật buồn
Nửa đêm ngồi dậy hút thuốc vặt
Lần mò trên trang mạng tìm một tin lành
Như kẻ khát nước qua sa mạc
Chung quanh yên ắng cả
Ngoài đường nhựa vắng tiếng xe lại qua
Người giàu, người nghèo đều ngủ
Cả bầy ve vừa lột xác

Sao mình thức ?
Sao mình mải mê đeo đuổi một ngày mai tốt lành ?

Bây giờ lá cờ trên Cột cờ Đại Nội
Có còn bay trong đêm
Sớm mai còn giữ được màu đỏ ?
Bây giờ con cá hanh còn bơi trên sông vắng
Mong gặp một con cá hanh khác ?
Bao giờ buổi sáng, buổi chiều nhìn ra đường
Thấy mọi người nhẹ nhàng, vui tươi
Ấm áp ly cà phê sớm
Các bà các cô khỏe mạnh yêu đời
Hớn hở tập thể dục
Bao giờ giọt nước mắt chảy xuống má
Không phải gạt vội vì xấu hổ
Ngước mắt, tin yêu mọi người

Ai sẽ nắm vận mệnh chúng ta
Trong không gian đầy sợ hãi ?
Những cây thông trên núi Ngự Bình thấp thoáng ngọn nến xanh
Đời đời an ủi
Cho người đã khuất và người sống hôm nay …
 22.4.2013

Điềm ơi!

Lê Duy Phương
nước mắt Tiên LãngViết sau khi đọc bài thơ “Đất nước những tháng năm thật buồn thật buồn” của Nguyễn Khoa Điềm

Khi Điềm còn ở trên cao
Cái buồn thế sự đã vào chúng tôi
Bây giờ trời đã chiều rồi
Ngẫm ra thì muộn khóc cười làm chi
Phố phường vẫn lắm người đi
Hoa vẫn nở chẳng có gì khác đâu
Khác là ở chốn xa sâu
Trẻ em đi học không cầu qua sông
Khác là tận ngoài biển đông
Chủ quyền ta họ nói không lâp lờ
Riêng màu đỏ của ngọn cờ
Ở Đại Nội hay biển bờ xa xôi
Vẫn luôn phơi phới đỏ tươi
Nhạt là nhạt ở tình người Điềm ơi
Tác giả gửi Quê Choa

Thứ Hai, 8 tháng 4, 2013

"Bí mật" của "Lão Khoa" ở Nga.

BBB- Tạm ngừng "theo dõi và đàm đạo" những chuyện của thành phố Hoa Phương đỏ quê tôi xung quanh Vụ án ĐVV ở "Gu Gồ chấm Tiên Lãng"; đã làm cho mọi người khá bức xúc, đau đầu...
Hôm nay tôi tải về một bài từ Blog lão Khoa (của Nt. Trần đăng Khoa), kể một vài chuyện hồi anh học ở Nga. Đối với những người đã học ở Liên Xô từ thập niên 60, 70 thì hầu như đều đã chứng kiến, đã nghe kể, hoặc bản thân đã trải qua những chuyện, hay tình huống như thế, hoặc tương tự
Có điều, TĐK có tài kể chuyện, kể rất có duyên., rất dí dỏm, vui vui...nên tôi rất thích đọc Blog của Anh
Xin tải về bài này, để các Cụ đọc và nhớ lại những kỷ niệm của một thời ở xứ sở Bạch dương.
Biết đâu có nhiều Cụ trong chúng ta (như Tú Riềng, Kỳ vĩnh Hưng, Duy khắc, Tiến Hoàn, Song Thu...) lại hoc tập "lão Khoa"  (gọi theo kiểu của TĐK, chứ Lão tuổi còn trẻ hơn các Cụ Cu Lờ chúng ta cả chục... "kilômet") sẽ kể cho Làng nghe những "Chuyện Bí mật" ly kỳ và hấp dẫn không kém.


BÍ MẬT CỦA LÃO KHOA Ở NƯỚC NGA
Gọi là « bí mật », nhưng thực ra cũng chẳng còn gì là « bí mật » nữa. Bởi Lão Khoa cũng đã có lần kể qua ở đâu đó hình như trên truyền hình, mà cũng lâu rồi về cái chuyện lão đi thi hồi lão học bên Nga, cái chuyện cô gái Nga nào đó giúp lão ...
À, đấy là kỳ thi đầu tiên năm thứ nhất. Khi đó tôi đã là một lão già ...28 tuổi. Tôi gọi là lão già, vì mình nhiều tuổi nhất lớp, đã bôn ba đời lính mười năm rồi mới trở lại làm học trò. Bạn bè Nga cùng học chỉ 17. 18 tuổi thôi. Họ là những học sinh mới từ phổ thông lên. Tôi không còn là trẻ con nên không câu nệ lắm về điểm thi. Hơn nữa, lại là một lão già thực dụng, nên tôi chỉ học những gì mình thấy thiếu, thấy cần thiết. Nghĩa là học cho mình, chứ không học cho các...thày cô.

Có những môn rất nặng, nhưng học rồi cũng không biết để làm gì nên tôi bỏ, chỉ lướt qua quít, ví như Tiếng Nga cổ. Thực ra môn này cũng rất hay, rất cần thiết, nếu như mình theo nghề nghiên cứu ngôn ngữ. Nhưng mình chỉ là anh sáng tác a ma tơ, lại là dân ngoại quốc, tiếng Nga hiện đại còn chưa vỡ, thì lọ mọ lục lọi đống chữ cũ của người ta làm gì. Năm thứ nhất ú ớ lắm nhưng lại thi nhiều môn rất nặng đối với người nước ngoài, nên thày cũng có phần xuê xoa. Tôi lên bốc câu hỏi thi rồi về chỗ chuẩn bị. Ngồi bên tôi là Nhina Rưbacova, một cô bé rất đẹp. Ngày thường, các cô gái Nga thường xúng xính nhiều bộ mốt rất rực rỡ. Nhưng hôm đi thi, các nàng thường chỉ diện một loại váy xếp, không có cúc hay phécmơtuya. Tôi chỉ vào câu hỏi đặt trước mặt : « Cái này là cái gì ? Tớ chả hiểu gì cả... ». Nhina Rưbacova nhìn lướt qua rồi khẽ vảy tay. Từ trong ống tay áo của cô bé xòe ra cả một đống tà phướn. Cô bé rút một « lá bùa » đưa cho tôi. Đó là đáp án của câu hỏi tôi cần. Những dòng chữ lí nhí, lại viết tắt. « Cậu viết thế này thì đến quỷ cũng không hiểu nổi... ». Cô bé luồn tay xuống gầm bàn, vắt phải rồi vắt trái cái màn váy buông lõa tõa. Tôi chỉ thấy trắng lóa một vùng. Trắng đến hoa cả mắt. Rồi cô bé rút ra một cuốn sách giáo khoa. Cuốn sách dày bịch, nặng đến chừng ...5 ký, mà chẳng biết cô bé giấu ở xó xỉnh xỉnh nào mà giấu tài thế. Thế rồi nhanh như cắt, cô lật ngay ra cái trang mà tôi cần tìm. Tôi nói thì ú ớ, nhưng đọc rất tốt. Còn 5, 6 sinh viên nữa mới đến lượt mình, nhưng tôi chen lên ngay, bước rất hiên ngang, rất tự tin, cứ như câu hỏi của thày chỉ là chuyện vặt. Trước khi trả lời thày, tôi còn hỏi : « Thày thấy thời tiết hôm nay thế nào ? ». « Đẹp lắm anh bạn ạ - Thày chỉ qua khung cửa sổ - Nắng nhảy nhót như sóc trong khu vườn kia... ». « Thế mà em rét lắm. Ngồi trước mặt thày thì sinh viên nào cũng rét, dù có mặc cả áo bành tô ». Thày cười sặc sụa và tôi bắt đầu thao thao bất tuyệt. Tôi nói rất nhanh. Lúc nào bí, tôi lại hỏi thày : « Em nói thế, thày có hiểu không ? ». « Hiểu. Hiểu. Tốt. Anh bạn nói tốt lắm ! ». « Thế thì thày tài quá – Tôi nức nở khen thày – Thày hiểu được điều em nói, trong khi chính em lại hoàn toàn không hiểu em đang nói cái gì... ». Cả phòng thi cười ồ. Thày cũng cười rất sảng khoái rồi cho tôi điểm 5. Điểm ở nấc cao nhất. Tôi đi tua một vòng qua phố rồi quay lại thi môn thứ hai. Thật bất ngờ khi tôi thấy Nhina Rưbacova vẫn còn ngồi ở hành lang chờ thi, mắt đỏ hoe. Vị cứu tinh của tôi bị hai điểm đang muốn xin thi lại. Tôi bèn đến gặp thày. « Ồ, có chuyện gì thế, anh bạn ? ». « Xin thày chuyển điểm 5 của em cho Nhina Rưbacova. Vừa rồi cô ấy bảo em đấy. Chứ em dốt lắm ». « Có. Tôi có biết cô ấy cho anh xem cái gì rồi. Cô ấy rất xinh đẹp, chỉ tiếc câu hỏi của tôi, cô ấy lại trả lời rất tồi. Vừa nãy, cho anh điểm cao nhất, tôi đã nghĩ mình quá dễ dãi. Nhưng bây giờ, tôi thấy tôi đánh giá anh chính xác. Đấy là điểm tôi cho anh về sự trung thực. Chứ thực ra anh nói gì, tôi có hiểu anh nói gì đâu... »
Có lần anh bảo tôi «Thím ạ, thiên hạ sẽ không bao giờ để cho ta yên đâu. Mình muộn vợ, họ bảo mình có vấn đề giới tính, vấn đề tâm sinh lý. Mình lấy vợ rồi, họ bảo chắc gì đã có con. Mình có con, họ bảo chắc gì đã phải con của mình. Cứ thế. » Nghe thiên hạ đồn: Hồi học ở Nga, bạn cùng phòng có mang bạn gái về ngủ trong phòng, anh cũng không hé mắt. Theo anh, cái tâm lý hay nhòm qua lỗ khóa nhà người khác và “hạnh phúc của họ là bất hạnh của ta” ở người Việt Nam mình, nhất là dân miền Bắc mình, đáng thương hay đáng giận?
Đó là điều ghê rợn, chứ không còn là chuyện thương hay giận nữa. Ở một số người Việt có một đức tính rất đáng sợ đó là sự vô cảm. Vô cảm trước nỗi đau của người khác nhưng lại tò mò, tọc mạch những chuyện riêng tư của người ta. Nhà thơ Hữu Thỉnh cũng có những câu thơ rất đắng đót nói về thói xấu này: “Gập ghềnh đường tôi đi – Không một ai ngó tới – Bỗng nhiên họ xúm lại – Dính bùn, tôi trượt chân – Không phải đỡ tôi lên – Họ xem cho đỡ tẻ…”. Mình học được nhiều điều rất hay của thiên hạ. Có một đức tính mình thích nhất ở người Nga là chuyện đâu bỏ đó. Không chõ mũi vào nhà người khác, nếu ở đó không có gì liên quan đến mình. Ở nước Nga, một cặp tình nhân khỏa thân ôm nhau trong phòng, dù có mở toang cửa cũng chẳng ai nhìn, thậm chí mọi người còn tránh xa để không làm phiền họ. Nhiều cặp trai gái ôm nhau, hôn nhau trong toa tầu điện ngầm, có ai để ý đâu. Đấy là cõi riêng của họ. Chỉ có họ ngự trị. Nếu có người nhìn thì chỉ người Việt mình thôi. Đấy là một hành động rất man rợ mà chúng ta không tự biết. Tôi học được của người Nga rất nhiều bài học ở bên ngoài giáo trình Đại học. Hồi ấy tôi ở chung phòng với ông bạn Nga Ivan Navichxki. Tôi cũng đã viết khá nhiều về ông bạn vàng này. Riêng có một chuyện ta không viết mà không hiểu sao thím lại biết? Đấy là chuyện riêng của Ivan. Anh bạn có cô bồ trẻ. Chàng cứ băn khoăn. Nếu cần phải có một phòng riêng thì người phải ra khỏi phòng là Ivan chứ không phải ta, vì ta là khách ngoại quốc. Ta bảo: Các bạn cứ thoải mái. Đừng quan tâm đến tớ làm gì. Mất vui. Thế là họ lên tiên. Còn mình nằm quay mặt vào tường và …đọc sách. Hai cái giường kê sát nhau. Nhưng đó là hai thế giới hoàn toàn riêng biệt. Cả hai xứ sở đều tự do tuyệt đối. Nhưng cũng có một bài học rất hay của người Nga mà ta không học được. Sự kém cỏi này, làm ông bạn Ivan rất …khinh bỉ ta. Sự việc bắt đầu từ buổi Ximena tác phẩm của Nhina Rubacova, một cô bạn Nga rất đẹp. Vị cứu tinh của ta mà ta đã kể ở trên. Thơ Nhina Rưbacova rất ngộ: “Những quả đồi khỏa thân - Nằm mê man như những người đàn bà - Trong lúc chúa trời đang táy máy. Rồi Những con quạ - Nhìn ta - Bằng con mắt nghĩa địa - Sỏi đá rì rầm - Hiện tại của tôi là tương lai của bạn. Thơ ấy không hề dở. Thậm chí còn hay là đằng khác. Nhưng bè bạn chê dữ quá. Chỉ có mỗi ta khen. Nhưng ta không khen thơ mà khen cô ấy đẹp. Ta còn nói với lũ đầu gấu đang xỉa xói cô ấy rằng: “Các bạn hãy nhìn lại đi. Có phải Natasa vừa bước từ trang sách của L. Tonxtoi ra không? Không! Natasa còn có có vết chủng đậu mờ mờ ở cánh tay, còn nàng tiên cá này không có khuyết tật gì cả. Cái nhược điểm lớn nhất của Nhina là không có nhược điểm gì”. Mọi người vỗ tay còn cô bé mặt đỏ bừng rạng rỡ. Tưởng chỉ là chuyện vui. Ai ngờ tối ấy, Nhina gõ cửa phòng mình. Dạo ấy, nhà thơ Chế Lan Viên vừa gửi sang tặng mình tập thơ Hàn Mặc Tử do tỉnh Nghĩa Bình in do ông tuyển chọn và viết tựa. Đấy cũng là lần đầu tiên, thơ Hàn Mạc Tử được in lại và phát hành rộng rãi. Mình giới thiệu với Nhina về Hàn Mạc Tử và còn bảo: “Đây là B. Paternac của Việt Nam”. Rồi mình đọc một bài thơ bằng âm tiếng Việt để cô bé nghe nhạc điệu, rồi dịch ý một bài thơ bốn câu. Nhina bảo: “Sao giống thơ cổ điển Trung Quốc thế?”. Mình bảo, không phải thơ của chúng tớ giống thơ Đường Trung Quốc đâu, mà thơ Đường bắt chước thơ chúng tớ đấy. Cả các công trình lăng tẩm, đền đài ở Huế cũng vậy, họ toàn bắt chước chúng tớ để xây dựng Tử Cấm thành, bắt trước chúng tớ nhưng lại xây trước chúng tớ đến cả mấy trăm năm. Thế mới “đểu” chứ. Cô bé cười ngặt nghẽo. Ivan về giơ một ngón tay lên, làm một cử chỉ rất kỳ quặc, rồi anh bạn ôm chăn mền ra ngoài phòng. Mình chẳng hiểu gì cả. Rồi đêm ấy, không thấy Ivan về. Mình lại thấy Nhina ôm chăn mền sang trải trên chiếc giường của Ivan. Rồi cô bé tắt điện trút bỏ quần áo chui vào chăn. Mình lại tưởng phòng cô bạn có khách, nên phải sang ngủ nhờ giường Ivan. Thế là bọn mình lại tiếp tục trõ miệng sang giường bên trò chuyện. Rồi mình ngủ lúc nào chẳng biết nữa. Sáng hôm sau, Ivan “khinh bỉ” mình ra mặt: “Mày là một thằng nhà thơ rất tốt nhưng là một thằng đàn ông vô cùng tồi tệ. Mày không phải là đàn ông”. Bây giờ, nghĩ lại, vẫn còn thấy bàng hoàng. Đúng là mình kinh tởm thật!
PV ghi

Thứ Sáu, 5 tháng 4, 2013

Toà Tuyên án . (Tác giả NV. Ng.Q.Vinh)

BBB- Bài viết cũng nói lên được suy nghĩ của rất nhiều người về vụ án "giết người..." (nhưng không có người nào bị giết cả) của ông  ĐOÀN VĂN VƯƠN".
Xin tải về để Làng tham khảo.

Tòa Tuyên Án

page1_thumbnailĐúng 14 giờ hôm nay, 5/4/2013, tại phòng xử án của Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng, bắt đầu vang lên câu đầu tiên của Chủ tọa: Nhân danh nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam….
Vâng. Đó là phút giây mà hàng triệu người Việt chờ đợi ngóng tin. Cái ngóng tin có lẽ không hẳn chỉ là ngóng tin về mức án của anh em họ Đoàn, hơn thế, cái ngóng tin về cả sự “ tuyên án” rõ ràng về niềm tin vào chế độ, vào xã hội, vào phẩm chất của một đất nước trong quá trình thực thi pháp luật, trong mối quan hệ tới mức nào giữa Nhà nước và nhân dân, vào sự trong sáng của pháp lý…
 Sau ba chữ “tòa tuyên án”, như vẫn thường thấy ở các phiên tòa, thân phận một số phận được định đoạt, hoặc là vĩnh viễn cách ly khỏi cuộc sống cộng đồng, hoặc là một quãng thời gian trong trại cải tạo, hoặc là vỡ òa hai tiếng tự do.
 Sau ba chữ “ tòa tuyên án”, sức mạnh nghiêm minh của pháp luật đối với hành vi sai trái của một con người được thể hiện, nhưng nhiều khi, chất nặng lên cuộc đời họ một sự oan sai cay đắng.
 Sau ba chữ “ tòa tuyên án”, là thấy ngay được một cách rõ ràng sự trong trẻo của pháp luật hay sự hoen ố của quan tòa, thấy ngay được một bản án được tuyên công tâm hay ẩn họa những mưu mô, những toan tính, những xô đạp, những áp đặt nhằm để thỏa mãn thói cao ngạo của người cầm cân nảy mực tại tòa, cũng đôi khi bộc lộ cả sự ngu dốt, có khi là đáp án trả bài cho một sự can thiệp, có khi là hệ quả cho cả một quá trình tố tụng vô trách nhiệm….
 Người được xướng lên ba chữ “tòa tuyên án”, hiểu một cách thực sự, thì đó là một vinh dự quá lớn lao, nhân danh cho cả một đất nước, và chất chứa ở ba từ đó là trách nhiệm, đạo đức, phẩm chất, năng lực của Chủ tọa phiên tòa và hội đồng xét xử.
 Trở lại thời khắc 14 giờ hôm nay, 5/4/2013, sẽ lại vang lên ba chữ “ tòa tuyên án”, sẽ lại vang lên trang trọng “ Nhân danh nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, và sau đó là số phận của anh em họ Đoàn được định đoạt.
 Với vụ án Đoàn Văn Vươn, sau ba chữ “tòa tuyên án” có thể là cơ hội vô cùng tốt để đốt cháy niềm tin cháy bỏng của nhân dân vào pháp luật, niềm tin vào nhà nước, vào chế độ, rằng, bất cứ lúc nào, nhân dân cũng được pháp luật bảo hộ quyền sống, quyền cư trú, quyền tài sản, quyền làm việc. Rằng, có thể trong quá trình hành xử, các cấp chính quyền vì nhiều lý do, gặp phải hành động sai trái với nhân dân, và phiên tòa này là minh chứng cho hành động sửa sai của chính quyền, là câu trả lời thuyết phục nhất của chính quyền đối với toàn bộ sự tôn trọng và tinh thần tận tụy phục vụ nhân dân, xác tín lần nữa câu nói bất hủ từ cha ông để lại: lấy dân làm gốc.
 Mức án ( nếu phải có) với anh em họ Đoàn là vì nó phải thế, nó đúng thế, chính xác như thế, theo điều luật, chứ không phải là mức án ( ngay cả tuyên vô tội) mà trong ý thức chính quyền chỉ là sự thỏa hiệp, chỉ là cách “ diễn xướng” làm đẹp dư luận, làm dịu phẫn uất của người dân, nếu vậy, thì có thể anh em họ Đoàn thỏa mãn nhưng nguy cơ về những tranh chấp bất công, những hành xử chà đạp lên luật pháp vẫn còn. Xử vụ án này để đi tới một ước muốn cháy bỏng của nhân dân và chính quyền là không còn xảy ra một vụ việc tương tự, đó là con đường thẳng tới sự minh bạch, thẳng tới một bộ luật đất đai đúng đắn và nhân văn, hướng tới một nền hành chính công thực sự vì nhân dân, cho nhân dân.
 Tôi mơ ước: Từ thực tế diễn biến này, tòa tuyên anh Vươn án tù giam ( vì cũng phải nghiêm khắc cảnh cáo về hành vi gây nguy hiểm đến sức khỏe và mạng sống của người khác) bằng với thời gian đã tạm giam, và trả tự do cho anh tại tòa. Những người khác, hoặc là án treo, hoặc tuyên vô tội ( như chị Thương, chị Báu).
 Và sau khi tuyên án, chủ tọa phiên tòa cần một cam kết, yêu cầu các cấp chính quyền một lời xin lỗi đàng hoàng với gia đình Đoàn Văn Vươn về những cái sai do mình gây ra để dẫn tới một hậu quả đáng tiếc.
 Tôi mơ ước: Sau ba tiếng “tòa tuyên án”, Đoàn Văn Vươn có thể bước thẳng ra khỏi tòa, đồng hành cùng tự do, và ở dưới ấy, nơi đầm hồ cửa sông nhà anh, con rô, con chép đang quẫy đuôi, vỗ sóng vui mừng đón ông chủ yêu dấu của mình trở về.
 Và từ lúc này, tôi lại mơ ước, không chỉ là gia đình anh Vươn, mà hàng triệu gia đình nông dân trên cả nước, sẽ được chính quyền đối xử đàng hoàng, đối xử một cách trân trọng, không còn xảy ra tranh chấp, không còn xảy ra khiếu nại, không còn xảy ra oan khiên, không còn xảy ra sự quay lưng đối mặt của chính quyền với bà con mình. Mơ ước này có thể chưa tới ngay nhưng phải hành động ngay từ bây giờ bằng điều luật, bằng pháp lệnh, bằng kiến thức và trách nhiệm của người thực thi công vụ, phải trả cho nhân dân quyền và nghĩa vụ thực sự đối với mảnh đất của mình, tài sản của mình, và chắc chắn lúc ấy nhân dân sẽ trả lại cho Nhà nước bằng những mùa vụ bội thu, bằng những dòng thuế đóng góp xây dựng đất nước.
“Tòa tuyên án”- đó là sự công bố về  phẩm giá của một dân tộc.

Thứ Hai, 1 tháng 4, 2013

Diễn văn Ngày 1/4 của bọ Lập.

 BBB- Nhà văn Nguyễn Quang Lập (bọ Lập trên Blog Quê choa) vừa đăng lại bài này nhân Ngày cá tháng Tư. Tôi đọc thấy vui vui, hay hay ... và "hơi bị cuốn hút".
Xin tải về để Cụ nào chưa đọc thì đọc cho kịp, kẻo hết ngày này (1/4), có khi sẽ ban hành "Luật cấm ăn cá tháng Tư" và "diễn văn ngoài luồng" đấy.

 Hãy nói dối tốt hơn nữa!

Diễn văn của bọ Lập chào mừng Ngày nói dối toàn thế giới.
ca thang 4 conThưa các đồng chí và các bạn!
Hôm nay, trong không khí phấn khởi tự hào chào mừng ngày nói dối toàn thế giới, tôi xin gửi tới các đồng chí và các bạn lời chúc mừng nồng nhiệt nhất, thân thương nhất.
Thưa các đồng chí và các bạn.
Trải qua một chặng đường đấu tranh gian khổ với bè lũ nói thật chúng ta đã thu được nhiều thắng lợi  to lớn. Nhờ có nói dối mà vợ không làm gì được chồng, cấp trên không làm gì được cấp dưới, phụ huynh không làm gì được cô thầy, bố mẹ không làm gì đựơc con cái.
Nhờ có nói dối chúng ta có được hàng ngàn dự án bánh vẽ, giải thưởng ma, tiến sĩ giấy, công trình dổm. Nhờ có nói dối mà nhân dân tin tưởng, bạn  bè quốc tế nể trọng, cho vay ngày càng nhiều đòi nợ ngày càng khó. Thử hỏi cứ nói thật làm thật thì chúng ta có bao nhiêu thắng lợi rực rỡ, bao nhiêu thành công lớn lao, bao nhiêu công trình vì đại. Và lấy đâu ra sự đồng thuận hả các đồng chí, lấy đâu ra?
Có người nói muốn giàu có vững mạnh cần phải nói thật, sai, nếu nói thật thì làm sao có ổn định, không ổn định làm sao nói đến giàu có vững mạnh? Nói dối là để chứng minh chính sự thật là dối trá, là ác ý, là vô cùng nham hiểm. Chúng ta phải kiên quyết bài trừ sự thật bởi vì chỉ có sự thật mới cản trở con đường tiến lên thế giới đồ đồng. ( Không phải thế giới đại đồng, các đồng chí phiên dịch sai, đại đồng là cái đinh gì, nó chính là thế giới đồ đồng).
Gần đây có nhà thơ nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo hô hào cần có một ngày nói thật, sai. Đồng chí Tạo không nắm được thông tin, không hiểu được tình hình đất nước nên đã phát ngôn bừa bãi.
Nếu đồng chí Tạo không nói dối làm sao quần chúng say mê  nhạc đồng chí được. Đồng chí Tạo viết: quá nửa đời phiêu bạt, ta lại về úp mặt vào sông quê, sai, đồng chí Tạo lười tắm, úp mặt vào sông quê bao giờ. Nhưng nói dối thế mới hay, mới sáng tạo. Nếu đồng chí Tạo nói đồng chí úp mặt vào cái ấy  thì có hay nữa không, quần chúng còn say mê đồng chí nữa không.
Cho nên không nên nghe bè lũ nói thật lung lạc mà đề xuất linh tinh. Một phút nói thật cũng không, nói thật thì lợi hay hại… lợi hay hại hả các đồng chí.
Vì thế, tôi đánh giá rất cao lực lượng đánh máy nước nhà. Các đồng chí đã chịu thương chịu khó, đồng cam cộng khó, trên dưới một lòng, đứng mũi chịu sào đưa nói dối nước nhà đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Từ nay cậu đánh máy là biểu tượng hào hùng  đầy sức sáng taọ của nói dối nước nhà, đưa nói dối nước nhà lên một tầm cao mới.
Thưa các đồng chí và các bạn
Chúng ta không thể tồn tại nếu chúng ta không được nói dối, không biết nói dối. Nhân ngày lễ trọng đại này, tôi kêu gọi các đồng chí hãy phát huy tinh thần tiến công, chủ động sáng tạo, đánh bại mọi âm mưu thâm độc của bè lũ nói thật, đánh bại từng bước, đánh đổ từng bộ phận, tiến lên dành thắng lợi hoàn toàn.
Láu hơn nữa, trơ hơn nữa, lì lợm hơn nữa đó là khẩu hiệu nói dối của chúng ta.
Chúc các đồng chí sức khoẻ và an tâm sống chung với lũ.
 …………………………………
P/s: Bài này Bọ Lập viết từ 2009, hằng năm cứ đến ngày cá tháng Tư các trang mạng lại đăng bài này, Bọ Lập cũng đăng