Thứ Bảy, 23 tháng 8, 2014

Thu cảm (Thơ Nguyễn Thị Hồng)

BBB- Mùa Thu đã về, mời Làng đọc bài viết của tác giả Hồ My về bài "Thu cảm" của nhà thơ Nguyễn Thị Hồng. Chúng ta đã được đọc nhiều bàì thơ hay về đề tài Mùa Thu; nhưng bài "Thu cảm" của chị Hồng là cảm nhận Mùa Thu rất đặc biệt, rất phụ nữ và rất đời thường.

Giăng chi khoảng cách

Hồ My

(Đọc bài “Thu cảm” của Nguyễn Thị Hồng)

Thu cảm

Mùa thu đẹp đến nao lòng

Nắng hơi hơi nắng mây bồng bềnh mây

Người thì nửa tỉnh nửa say

Nửa lo giá chợ nửa ngây vì trời



Mùa thu ơi đẹp vừa thôi

Giăng chi khoảng cách giữa đời và mơ

Đời càng nhiều nỗi ưu tư

Người càng đơn lẻ trước thu tuyệt vời


Không kể những câu thơ lác đác đó đây chạm vào mùa thu được nhiều người nhớ. Những bài thơ hay về mùa thu của các bậc tiền nhân đã làm nhiều người say đắm cũng không hiếm. Tản Đà có Cảm thu, Tiễn thu, Lưu Trọng Lư có Tiếng thu, Nguyễn Khuyến có cả chùm bài Thu ẩm, Thu điếu, Thu vịnh… Nói thế để thấy cái khó của tác giả khi cảm thu trước những tác giả được coi là vượt cỡ.

Toàn bài chỉ có một câu tả mùa thu: “Nắng hơi hơi nắng mây bồng bềnh mây”. Xét về mặt nào đi nữa thì câu thơ này cũng chưa đạt độ tuyệt tác. Nhưng mà tác giả có chủ định tả mùa thu đâu. Chị đang dùng mùa thu như cái đinh để khoác chiếc áo cảm của mình vào.

Chị bắt đầu cảm bằng “nửa tỉnh nửa say”. Đọc nửa say thì ai cũng hiểu được tâm trạng của tác giả khi bị mùa thu giăng lưới. Còn nửa tỉnh? Đọc tiếp câu sau bỗng thấy ngực đau nhói trước nửa phần tỉnh táo: “Nửa lo giá chợ…”. Có là người phụ nữ Việt Nam ở giai đoạn vừa ra khỏi cuộc chiến tranh ác liệt chống Mỹ cứu nước mới cảm nhận được nỗi lo này. Cái chết không còn lo mà lo sống thế nào đây. Khó khăn len lỏi vào đến tận cùng của giấc ngủ. Mỗi sớm mai thức dậy, mặt mày cứ ngơ ngơ như kẻ mất hồn vì đồng bạc sụt giá. Tiền cất trong hầu bao mà tưởng chừng bị đánh cắp.

Mất cắp mới chỉ là đau một.

Mùa thu có nắng hiu hiu có mây bồng bềnh đẹp đến thế kia thì có mất đồng xu nào đâu tội gì mà không tận hưởng. Của trời trăng gió kho vô tận mà. Nhưng không. Trước thu tuyệt vời chị đã bị cái giá chợ phũ phàng lôi tuột từ trong mơ ra giữa cuộc đời. Không phải ai cũng biết cảm thụ cái đẹp của mùa thu. Nhưng biết rồi mà không được yên tâm thưởng thức, mà vẫn bị cơm áo gạo tiền níu kéo giăng che thì nỗi đau nhân biết mấy lần. Thương sao lặn lội những thân cò.

Nếu chỉ nửa tỉnh nửa say thì câu thơ cũng không có gì đặc sắc. Đọc câu thơ tiếp “Nửa lo giá chợ nửa ngây vì trời”. Hai câu thơ, hai trạng thái buồn vui…

Chợt nhớ tới chuyện thi vẽ trăng sáng đã được chép trong sách vở. Người thắng trong cuộc thi này không phải là người đã tìm ra chất màu trắng nhất để vẽ trăng mà là người biết dùng màu đen tô viền làm nổi bật màu trắng của giấy vẽ.

Mùa thu chỉ là cái cớ để chị giãi bày tâm tư cảm thông với nỗi thiệt thòi hết sức thầm lặng của người phụ nữ Việt Nam giai đoạn vừa qua. Đọc cứ nhẹ tênh mà đau đáu nỗi niềm.

* Ảnh: Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng
 

Chủ Nhật, 17 tháng 8, 2014

Đọc ngược (Thư giãn cuối tuần)

BBB- Xin mời tất cả "Giải lao" (tạm nghỉ các chuyện gây bức xúc) để đọc bài này (tôi đem trên mạng về).   Thấy "rất là... bi hài".
Chuyện Khẩu hiệu, pano, áp phích ở  ta quá nhiều, quá nhàm chán, quá mất trật tự, có nhiều câu rất phản cảm... và không nhịn được cười.
Chắc các cụ đã "mục sở thị" nên xin mời nêu vài dẫn chứng "điển hình" trong comment nhé.
Rất cảm ơn.


Cứ đọc ngược là đúng
Lẩn Thẩn
Thứ bẩy ngày 16 tháng 8 năm 2014 5:46 AM


Đang tập thể dục dưỡng sinh tại công viên X, thấy 2 công nhân ngành Cờ-đèn-kèn-trống khiêng 4 tấm pa-nô to để lắp dọc hành lang nhân dip ngaỳ lễ lớn sắp tới.

Hai bạn trẻ dùng tay chỉ trỏ ngược xuôi, hình như hai anh đương thuyết phục nhau cách treo tấm biển.

Tò mò, tôi lại gần thấy 4 tấm biển đều úp mặt vào tường nên không biết có những chữ và hình vẽ gì trong đó..

Tôi hỏi : 4 tấm biển này nặng quá nên khó treo hay sao ?

Anh A nói : nó không nặng, không khó treo vì có các móc làm sẵn, chúng cháu thảo luận xem treo tấm nào trước, tấm nào sau cho đúng nghĩa, hai đứa còn đương thảo luận.

Tôi nói : Thế cán bộ giao việc lại không hướng dẫn lắp đặt trước sau cho đúng nghĩa à ?

- Tại anh Họa sĩ kẻ biển nó kẻ mỗi biển một chữ, rồi nó bảo mang đi treo.

- 4 chữ gì mà khó treo thế ?

- 4 chữ này rất đơn giản là  NƯỚC, THÂN, VI, XẢ, thằng B nói nên treo theo thứ tự XẢ NƯỚC VI THÂN, còn cháu thì phải treo theo thứ tự XẢ THÂN VÌ NƯỚC.

- Thằng B lý luận như sau : thời XẢ THÂN VÌ NƯỚC đa qua nửa thế kỷ rồi, Ông nó là Tự vệ Sao vuông khi còn sống hay ngâm câu thơ :

Rách tả tơi rồi, đôi dày vạn dặm

Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa

Ông nó giải thích là "dày vạn dậm" khi rút khỏi HN là đôi dép cao su "con Hổ", đi rách thì bó mo cau, còn "áo hào hoa" là áo trấn thủ lót bằng bao đay thời Trần Dụ Châu, thời đó đúng là thời  xả thân vì nước. Rồi nó nói là ngay Ông chú của cháu chết  năm 79 ở mặt trận Hà Giang

Đưá nào bắn anh đó

Súng nào nhằm trúng anh

Khôn thiêng xin chỉ mặt

Gọi tên nó ra anh

Nó chỉ mặt cháu bảo : giặc nó bắn chú mày mà không dám gọi nó là giặc là làm sao ? đó là thời  xả thân vì nước.

Còn bây giờ là xả nước vi thân. Một vị lãnh đạo cấp cao gọi là một bầy sâu, vị khác gọi là bênh ghẻ mà ghẻ toàn thân, một Bà cấp to nói là "bon chúng ăn không từ một thứ gì của dân"....cho nên khẩu hiệu hiện này là  XẢ NƯỚC VÌ THÂN là đúng, có treo pa-nô XẢ THÂN VÌ NƯỚC thì chúng đều đọc ngược xả nước vì thân, cho nên bệnh tham nhũng mới là giặc nôi xâm

Tôi khuyên tốt nhất là xem bên Tuyên Huấn họ khuyên nên treo như thế nào là ổn, có khi họ bỏ cái câu  xả thân vì nước vì nó phản cảm với tình thế hiện nay.và họ đọc ngược




15/8/2014 Lẩn Thẩn

Thứ Hai, 11 tháng 8, 2014

Nói thật và đúng sự thật

BBB- Một bài báo viết rất thật và rất đúng sự thật. Người ta thường bảo nhau: Trước đây thời chiến có câu "Ra ngõ gặp anh hùng" là theo nghĩa bóng. Nay có câu:  "Ra đường là gặp tướng. Đông hơn lợn con" là theo nghĩa đen!.
Mời mọi người đọc bài sau đây đăng trên Báo Người Cao tuổi xem có đúng không nhé!.

(http:// nguoicaotuoi.org.vn/bandoc/ban-vethi-truong-sao-va-vach.html).

Bàn về “thị trường sao và vạch”

Lê Quang Tạo
Thứ hai ngày 11 tháng 8 năm 2014 4:16 PM

Tuần qua nhiều báo đăng tin “Công an lên tướng, Quân đội cũng lên tướng”. Là một cựu chiến binh có 42 năm quân ngũ, có đôi điều tâm tư tản mạn (cũng là của nhiều đồng đội) về đề tài “Sao và Vạch”. Đây là một việc rất nhạy cảm, mà ít khi công khai.
Nhiều cán bộ lão thành, lão tướng qua hai cuộc chiến oanh liệt (chống Pháp và chống Mỹ) cứ phàn nàn rằng: Tướng phải ra tướng chứ bây giờ tướng nhiều quá!
Thật vậy: Nhớ lại kháng chiến 9 năm đánh Pháp, khi cuộc chiến sang giai đoạn mở các chiến dịch tấn công, Quân đội được tăng cường mọi mặt thì Bác Hồ, Chủ tịch nước mới phong hàm tướng cho một số chỉ huy chủ chốt: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung tướng Nguyễn Bình, các Thiếu tướng chỉ đếm trên đầu ngón tay – đó là năm 1948. Rồi 10 năm sau, khi các tướng cầm quân thắng lợi lẫy lừng Điện Biên Phủ 1954, Quân đội tiến lên chính quy và thiết lập chế độ quân hàm trong toàn quân (từ Binh nhì đến Đại tướng). Bác Hồ phong thêm một đại tướng (đồng chí Nguyễn Chí Thanh), 2 thượng tướng, 4 trung tướng và hơn chục thiếu tướng. Quân đội bước vào giai đoạn ác liệt nhất: Kháng chiến chống Mỹ ở cả 2 miền, các tướng, tá của ta xung trận cùng toàn quân… cho đến hơn 10 năm sau (1974) mới có đợt phong tướng cho một số đồng chí. Rồi Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất… việc phong hàm tướng phải 4 năm mới có một lần. Các cụ vẫn tâm đắc: “Quân hùng, tướng mạnh, bách chiến bách thắng”.
 Nhưng rồi những năm sau 2000, việc phong tướng cứ đều đều hằng năm, mỗi lần vài chục tướng, có năm 2 lần phong tướng; trần quân hàm tướng nới rộng, thậm chí giám đốc, phó giám đốc các doanh nghiệp cũng mang hàm tướng? Khi mà đất nước hoà bình, ổn định!
Tướng đã nhiều thì tá càng nhiều. Tôi nhớ rất rõ: Những năm 60, 70 (thế kỉ XX) khi chiến tranh chống Mỹ cả hai miền nóng bỏng thì Huyện đội trưởng mới mang hàm Thượng uý (thậm chí Trung uý), Tỉnh đội trưởng là Thiếu tá, Trung tá. Có một số sĩ quan thiếu tá, trung tá là sư đoàn trưởng trong chiến trường đánh đâu thắng đó, ở đâu cũng được nhân dân giúp đỡ. Bây giờ thời bình thì Phó Chỉ huy Quân sự huyện đều Thượng tá, Chỉ huy trưởng: Đại tá. Có Tiểu đoàn trưởng cũng Đại tá(!). Việc xây dựng “biểu biên chế tổ chức lực lượng” hằng năm do Tổng Tham mưu trưởng kí ban hành (Cục Quân lực làm tham mưu), đi kèm là trần quân hàm cho các cấp… Từ đó đẻ ra chuyện “chạy trần quân hàm” rồi “mượn” trần cũng xảy ra không thiếu!
Dư luận âm ỉ chuyện “Tướng chạy” là có thật. Bạn tôi tâm sự rằng: “Lúc ấy mình cũng ráng hết sức để đầu tư lên tướng… nhưng rồi hụt hơi, thua “thầu” nên chấp nhận lỗ nặng, còn tay ấy đủ lực và lên tướng nên chỉ sau 1, 2 năm thu hồi đủ vốn rồi lãi… được cả danh, cả kinh tế! Vốn là bao nhiêu cũng tuỳ vị trí!
Cách đây một tuần, Trung Quốc đã bắt giam Thượng tướng Từ Tài Hậu, Phó Chủ tịch Quân uỷ Trung ương với tội danh: Tướng bán quân hàm. Ông này còn là đồng minh thân cận của Chu Vĩnh Khang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an cũng đang bị điều tra và vừa bị bắt một số người ruột thịt… Sự thật ấy đáng để suy ngẫm.
Cách đây hơn 50 năm, sau khi Quân đội xây dựng chế độ quân hàm, thì Công an cũng chính quy hoá. Đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn mang hàm Thiếu tướng, các Thứ trưởng như Lê Quốc Thân cũng có hàm Thiếu tướng (thời kì làm Bộ trưởng là Trung tướng, Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị). Bây giờ Lực lượng Công an có hàng trăm tướng, có cả nữ tướng, ngành quản lí trại giam có hàm đến Trung tướng. Cứ mở ti-vi chương trình ANTV là thấy đỏ rực quân hàm tướng. Thực tế ấy có cần không? Càng nhiều Tổng Cục ắt càng nhiều tướng. Bây giờ đất nước yên bình mà Phó trưởng Công an huyện cũng hàm Đại tá… Trưởng Công an các phường ở TP lớn hầu hết là Đại tá, có Giám đốc Công an thành phố hàm Trung tướng. Trong một địa bàn thành phố: Có Giám đốc Công an lại có Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC. Tổ chức lực lượng Cảnh sát PCCC thì to ra, sẽ có thêm nhiều tướng, nhiều tá, nhưng hiệu quả nhiều vụ chữa cháy lớn ở các chợ, cây xăng lại bị kêu là: chậm trễ, thiếu nước, kém hiệu quả… Đầu tư cho người lính, lực lượng trực tiếp mới là xây dựng lực lượng hiệu quả. Tổ chức xây dựng lực lượng phù hợp yêu cầu nhiệm vụ là chuyện đương nhiên, nhưng từ các Cục, Vụ mà đẩy lên thành các Tổng Cục hàng loạt, quá nhiều… thực chất là thêm ghế tướng mà thôi.
Thế kỉ XX, đi ra đường hễ gặp các chiến sĩ áo vàng, Cảnh sát Giao thông, điều khiển trật tự rất nhã nhặn, quân hàm đều là hạ sĩ, thượng sĩ. Bây giờ trên mọi chặng đường đều nhìn thấy các trung tá, thượng tá cầm gậy chỉ huy giao thông?
Nhắc lại chuyện bán quân hàm, tôi mạnh dạn nói thật: “Thị trường” này bây giờ khá lộ liễu nếu không nói là nhức nhối. Tất nhiên việc rao giá không bao giờ thành văn mà là thoả thuận ngầm, càng không dễ gì giao dịch thành công vì đối tác phải rất kín để an toàn.
Quân hàm theo lương, lương của lực lượng vũ trang hoàn toàn lấy từ ngân sách nhà nước, là thuế của dân công sức, mồ hôi nước mắt người dân lao động. Quân đội và Công an được Đảng, Nhà nước rất ưu tiên xây dựng chính quy, hiện đại, tinh binh, tinh cán đáp ứng mọi tình huống xảy ra nhưng phải phù hợp với hoàn cảnh, đừng chạy theo sự hào nhoáng, oai vệ mà thực lực, nội dung lại không tương xứng, đạo đức lại sa sút. Tốn kém xói mòn thì uy cũng lung lay. Chân dung người lính, người Công an phải luôn luôn là hình ảnh đẹp, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ đương đầu mọi gian khổ… càng không phải là cấp tướng, cấp tá mang xe biển đỏ… đi kinh doanh kiếm lời, người lính làm kinh tế nhưng chỉ trong giới hạn đặc thù, không thể thị trường hoá người lính.


Thứ Năm, 7 tháng 8, 2014

Cây Phượng trắng duy nhất ở VN nở hoa.

BBB- Phượng đỏ, Phượng hồng và cả Phượng tím ngày nay ở ta từ Bắc vào Nam đã rất nhiều. Chả riêng gì ở Thành phố HP  quê tôi ("Tháng 5 rợp trời hoa Phượng đỏ...") và bây giờ ngay cả hoa Phượng tím cũng khá nhiều nơi có (Không riêng gì ở Đà lạt. Ngay ở nhà tôi cũng trồng 1 cây láy giống từ Đà lạt mang ra). Nhưng Phượng trắng nở hoa thì tôi chưa được nhìn thấy dù có vào Đà lạt dăm ba lần. Hôm nay được chiêm ngưỡng (trên báo mạng "Người Hà Nội"); thấy đẹp và lạ nên tải về để các cụ yêu hoa Phượng đọc và xem ảnh, khi nào có dịp đi Đà Lạt thì ghé thăm.

Cây phượng trắng duy nhất ở Việt Nam
NHN Online - Mỗi lần có dịp ngang qua biệt thự số 9 Phù Đổng Thiên Vương, TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) tôi đều dừng lại xem Phượng trắng phát triển thế nào. Đây là cây Phượng trắng duy nhất ở Việt Nam nở hoa. Cây này, do nữ tiến sĩ Hà Ngọc Mai mang từ Australia (Úc) về trồng từ năm 1998, sau 10 năm thì nở hoa tuyệt đẹp. Phượng trắng nở giữa đại ngàn thông xanh, có sức hút kỳ lạ, luôn làm ngất ngây người dân và du khách, bởi vẻ đẹp tinh khôi, sang trọng và độc đáo.

Đầu hè vừa rồi, bạn tôi ở Hải Phòng điện thoại vào bảo: “Mua giúp chục quả Phượng trắng gửi cho mình ươm trồng. Ngoài này “Rợp trời hoa Phượng đỏ”, có thêm Phượng trắng sẽ thú vị lắm!”. Chủ nhật nọ, tôi đến thăm gia đình TS Hà Ngọc Mai, nhưng chị đi siêu thị, chỉ gặp TSKH Trần Hà Anh - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ & Môi trường của Quốc hội. Tôi hỏi, chị nhà còn nhiều quả Phượng trắng không, TS Hà Anh bảo, lát nữa nhà tôi về anh hỏi xem sao. Tôi quen TS Trần Hà Anh từ năm 1991, khi anh làm Viện trưởng Viện nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt trong một dịp giao lưu thể thao. Không ngờ, Nhà khoa học nổi tiếng ngành Hạt nhân này chơi bóng bàn rất điệu nghệ và ấn tượng. Lối “chơi” của anh “đậm phong cách Pháp” lịch lãm và đẹp mắt. Nói chuyện một hồi, tôi xin phép TS Hà Anh ra chụp cây Phượng trắng. Năm nay rét đậm, kéo dài, nên Phượng trắng nở muộn và không “sung” bằng năm ngoái. Đang mải mê chụp ảnh thì TS Ngọc Mai về.
Tôi liền bảo, trời đẹp mời Nữ tiến sĩ chụp với Phượng trắng nghen? Đó là người phụ nữ “tóc bạc” phúc hậu, thông minh, cởi mở và thân thiện. Chúng tôi vừa chụp ảnh, vừa trò chuyện thoải mái như người thân trong gia đình. Tôi hỏi, nghe nói chị đi du học, rồi “bén duyên” với hoa và cao su? Bằng chất giọng Nam bộ trầm ấm, TS Ngọc Mai tâm sự, quê tôi ở Tiền Giang, từ nhỏ tôi đã yêu cây lúa và hoa trái quê mình. Năm 1954 được ba cho du học bên Pháp từ lớp 6 đến cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ ở Paris. Năm 1978, về nước cùng chồng tôi là TS Trần Hà Anh. Chúng tôi muốn mang kiến thức học được để góp phần dựng xây đất nước. Tôi làm việc ở Viện nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt (1978-1983), đã kêu gọi bạn bè ở nước ngoài giúp đỡ xây dựng Phòng nuôi cấy mô, nhân giống nhiều loài hoa Địa lan quý hiếm cho Đà Lạt bằng công nghệ “In-vitro”. Rất vui, vì người dân Đà Lạt đã đặt tên một loài địa lan do tôi mang từ nước ngoài về và nhân giống là “Lan đỏ Ngọc Mai”. Sau này vì hoàn cảnh gia đình, tôi xin chuyển về Viện Nghiên cứu Cao su Miền Nam. Hơn 10 năm ở đó, tôi đã nhân giống một số loài cao su năng suất cao, kháng bệnh tốt, thích hợp khí hậu, thổ nhưỡng Việt Nam. Chắc chị đào tạo nhiều trò giỏi - tôi tò mò? Chị bảo, tôi hướng dẫn thực tập cho khá nhiều sinh viên về “Nuôi cấy mô”. Trong đó, người đầu tiên là TS Nguyễn Tiến Thịnh, người cuối cùng là PGS.TS Dương Tấn Nhựt - hiện là Viện phó Viện Sinh học Tây Nguyên. Chị là tác giả Phượng tím “thế hệ 9X” à - tôi hỏi tiếp? TS Ngọc Mai bày tỏ, tôi “yêu” Đà Lạt và “nặng nợ” với thành phố du lịch nổi tiếng này.
Được biết, năm 1960 Kỹ sư canh nông Lương Văn Sáu người Đà Lạt (tốt nghiệp tại Pháp) nhờ bạn nước ngoài gửi tặng mấy quả Phượng tím. Ông ươm trồng và sống được 3 cây (1 cây gần chợ Đà Lạt, 1 cây trong Công viên Hoa, 1 cây bên nhà hàng Thủy Tạ) nở hoa rất đẹp, luôn làm ngỡ ngàng người dân và du khách thập phương, nhưng không đậu quả và khó nhân giống. Tôi trăn trở hoài. Năm 1995 sau khi nghỉ hưu, tôi sang Úc thăm con gái, thấy nhiều đường phố, công viên Phượng tím nở “tím” trời, đẹp vô cùng. Thế là tôi quyết định, “hái” vài quả Phượng tím, tách lấy hạt bỏ vô “phong bì” gởi về Đà Lạt, vừa gọn nhẹ- rẻ- nhanh- an toàn. Trong 1 tháng gởi 4 lần cho cháu gái Tuyết Lan ươm vào bịch nilon (như ươm hạt hướng dương mà tôi đã từng hướng dẫn). Hơn tháng sau, tôi mang thêm hạt Phượng tím về Đà Lạt đề phòng “sự cố”. Rất mừng là hơn 90% hạt Phượng tím đã mọc cây con, thật dễ thương. Tôi lại ươm tiếp toàn bộ số hạt mới mang về. Lứa đầu tiên, bán gần hết cho Công viên Hoa Đà Lạt, còn một ít tặng bạn bè, người thân. Lứa thứ hai (và cũng là cuối cùng) bán rộng rãi cho mọi đối tượng “yêu” Phượng tím. Không ngờ, 5 năm sau đường Nguyễn Thị Minh Khai (vào chợ Đà Lạt), một số công viên, công sở, khu du lịch... Phượng tím nở “tím” trời Đà Lạt mỗi độ xuân về. Điều đặc biệt, do số lượng nhiều, trồng sát nhau, được “lai chéo” nên Phượng tím Đà Lạt (thế hệ 9X và cả 6X) đều đậu quả. (Trước đây, 3 cây “Phượng tổ” trồng quá xa nhau, không tự thụ phấn được, nên không đậu quả).
Khi quả chín (vỏ khô giòn) mới thu hoạch, tách lấy hạt, ươm- trồng, cây con khỏe mạnh, lớn nhanh, khoảng 5 tuổi thì nở hoa đồng loạt, đẹp đến nao lòng. Còn “sự tích” cây Phượng trắng - thưa chị? Với niềm vui không giấu nổi, chị tâm sự, năm 1998 tôi sang Úc du lịch và thăm nuôi cháu ngoại mới sinh. Ngày gần về, tôi đến thăm vườn ươm một người Úc, tôi hỏi anh ta, có cây gì lạ, quý hiếm không? Anh ta bảo, có cây Phượng trắng này quý lắm, đã ghép “nó” mọc hoang trong rừng với gốc Phượng tím nhà. Tôi nhìn thân và lá “nó” giống hệt Phượng tím, gần sát gốc có mối ghép, do cây chỉ cao 30cm nên không có hoa. Tôi bán tín bán nghi, đành “liều” mua với giá 25 đôla, hy vọng “nó” sẽ nở hoa trắng như anh ta nói. Bay về Sài Gòn lúc nửa đêm, tôi liền bắt xe lên Đà Lạt ngay, để hôm sau trồng luôn Phượng trắng, vì sợ “nó” chết. Trồng, chăm sóc, nâng niu, theo dõi, ghi chép Phượng trắng như “chăm” con nít. Chờ đợi, hy vọng, chờ đợi... mãi đến năm thứ 5 thì “nó” nở 1 chùm bé tẹo... mầu trắng. Chúng tôi mừng rỡ như “trúng số” độc đắc. Lại chăm sóc, chờ đợi, kiểm chứng. Năm thứ 6 trở đi, mỗi năm “nó” nở càng nhiều chùm hoa trắng muốt, tinh khôi như áo trắng học trò. Đặc biệt, từ năm thứ 10 đến nay “nó” nở “sung” lắm, luôn làm ngạc nhiên, thích thú những ai nhìn thấy “nó”. Tôi gom hết từng quả (được ít lắm), đang ươm thử, trồng thêm và tặng bạn bè cho “nó” con đàn cháu đống. Nhưng đến nay, “Phượng trắng con” chưa chịu ra hoa. Tôi đang nhờ TS Nguyễn Thành Mến ở Viện Nghiên cứu Lâm Nghiệp Tây nguyên tìm cách nhân giống bằng kỹ thuật ghép từ cây “Phượng trắng mẹ” này. Phượng trắng, tên khoa học là Jacaranda Alba (thường gọi White Jacaranda) là loài cây thân gỗ, trồng bằng hạt, 10 tuổi cao khoảng 10-11m, tán lá rộng 6-7m, thường nở hoa vào mùa xuân (từ tháng 1 đến tháng 4), hoa hình ống dài 4-5cm, nở từng chùm màu trắng muốt, chi chít hoa thật dễ thương. Khi hoa rụng, trên mặt đất tạo thành một thảm hoa trắng rất bắt mắt.
Lúc chia tay, lòng tôi trào dâng niềm tự hào và khâm phục, bởi tình yêu của gia đình TS Hà Ngọc Mai với quê hương, đất nước thật sâu nặng. Tôi càng xúc động hơn, khi chị tặng 2 cây “Phượng trắng con” với lời nhắn, về trồng 1 cây ở vườn nhà, còn 1 cây tặng bạn ở Hải Phòng nha. Cùng với muôn loài hoa khác, Phượng tím và Phượng trắng đã làm nên thương hiệu “Đà Lạt - Thành phố Festival Hoa Việt Nam”!./
.

Hà Hữu Nết