Thứ Sáu, 15 tháng 4, 2016

Uống bia... những lợi ích bất ngờ.

BBB. Thực ra khi chưa đọc bài này và một vài bài khác nói về lợi , hại của BIA và liều lượng dùng thế nào là phù hợp, thì hiểu biết của tôi về... BIA còn rất lơ mơ!.
Phải nói ngay, tôi không phải là ... "đệ tử" của BIA/ Rượu. Tôi không uống thường xuyên, chỉ uống khi có dịp vui (bạn bè, ...). Tôi cũng chưa bao giờ bị say xỉn, mặc dù có những lần uống không ít, trong những "tình huống" khó mà từ chối.  ( Có lần hồi còn là SV ở LX, mấy anh bạn "Ivan" khi vui có thách đố "dân VN" uống thi... lần đó tôi cũng đã từng uống cạn 1 chai Vodka Nga mà vẫn bình thường!.)
Bây giờ tuy tuổi cao, "sức yếu", nhưng về tửu lượng vẫn còn có thể đồng hành, "hầu chuyện" được các "cao thủ" như cụ T.Long - Diachuoansai, K.Fi, Ng.Hiệu, C.Lý, Ngọc Tiến ... làng ta, trong những lần gặp mặt.
Hiện nay nhiều cụ sợ uống bia vào sẽ có hại cho SK khi bhuyết áp cao, tiểu đường, tim mạch ... ( nhưng thực ra không phải ... dzậy), nên kiêng cữ quá đáng. Đặc biệt các cụ bà thì hình như đa số đã ... "cai) BIA.

Xin m
ời Làng tham khảo bài này để có hiểu biết và "cái nhìn toàn diện" hơn về... BIA.

(ĐSPL) - Bia không chỉ là thứ đồ uống khiến con người ta cảm thấy sảng khoái mà nó còn có lợi ích không ngờ đối với sức khỏe.
(8 lợi ích bất ngờ)

Trong bia có nhiều chất polyphenol rất tốt cho sức khỏe. Theo nhà nghiên cứu Augusto Di Castelnuovo, lợi ích của bia với sức khỏe có thể sánh ngang hàng với rượu vang.
Tuy nhiên, uống bia ở mức vừa phải thì mới có lợi cho cơ thể và không bị bụng bia. Đối với nam giới thì chỉ nên uống 2 cốc bia/ ngày, còn nữ giới là 1 cốc/ ngày.
Kháng viêm
Cây hoa bia sẽ tạo mùi thơm và vị đắng cho bia. Loại cây này chứa nhiều một loại chất hóa học có tên là axit đắng, có tác dụng tăng cường sức khỏe. Theo nghiên cứu được công bố năm 2009, axit đắng là chất kháng viêm mạnh, được dùng trong phòng ngừa và điều trị các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do virut.

8 lợi ích bất ngờ khi uống bia - Ảnh 1

Cây hoa bia tạo mùi thơm và vị đắng cho bia.

Hỗ trợ tiêu hóa
Axit đắng trong bia cũng có thể cải thiện những vấn đề về hệ tiêu hóa. Một nghiên cứu được công bố năm 2012 trên tạp chí Agricultura and Food Chemistry chỉ ra rằng, axit đắng có trong bia có thể giúp kích hoạt các tế bào dạ dày sản sinh axit. Axit dạ dày là nhân tố chính giúp tiêu hóa thức ăn và kiểm soát sự phát triển của vi khuẩn đường ruột.
8 lợi ích bất ngờ khi uống bia - Ảnh 2
Bia giúp cải thiện một số vấn đề hệ tiêu hóa.
Bia có thể ngăn ngừa một số bệnh ung thư
Nghiên cứu đã tìm thấy trong bia có rất nhiều chất có thể ngăn ngừa thậm chí có thể dùng để điều trị ung thư. Loại axit đắng lupulone có trong bia có thể làm teo nhỏ các khối u của bệnh ung thư đại tràng.
Nghiên cứu của một nhóm các nhà khoa học người Áo cũng cho thấy, chất xanthohumol có trong bia có thể ngăn chặn sự tăng trưởng của các tế bào ung thư. Tuy nhiên, xanthohumol ở mức độ vừa phải có tác dụng chống ung thư. Chính vì vậy cần uống bia theo lượng vừa đủ.
Bia tốt cho xương
Bia là một nguồn chính cấp silicon tuyệt vời cho cơ thể. Đây là yếu tố giúp xây dựng và duy trì một khung xương khỏe mạnh, vững chắc. Trong bia có chứa nhiều chất axit orthosilcic giúp cơ thể dễ dàng chuyển hóa silicon. Nếu bạn muốn có một khung xương chắc khỏe, thì việc uống một chút bia mỗi ngày là rất có lợi cho xương.
8 lợi ích bất ngờ khi uống bia - Ảnh 3

Tốt cho tim mạch
Một nghiên cứu lớn đã tìm thấy , uống một đến hai cốc bia mỗi ngày có thể giảm 25% nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch.
Bia cũng rất có lợi cho những người mắc bệnh về tim. Những người bị bệnh tim có thể tăng khả năng sống sót nếu họ uống một đến hai cốc bia mỗi ngày, theo nghiên cứu của Đại học Harvard, năm 2012.

8 lợi ích bất ngờ khi uống bia - Ảnh 4

Bia tốt cho những người bị bệnh về tim mạch.

Bia giúp răng trắng, sáng
Bia có thể ngăn chặn, loại bỏ tình trạng răng bị xỉn màu. Các nhà nghiên cứu Anh đã kết luận rằng, bia có thể ngăn chặn việc hình thành các mảng bám ở răng, giảm sâu răng và thúc đẩy quá trình chữ trị viêm nướu. Tác dụng của bia đối với răng miệng còn vượt qua cả trà, quả mâm xôi, và một số chiết xuất tự nhiên được đánh giá là tốt cho răng miệng.
Bảo vệ tế bào não
Xanthohumol- hóa chất có trong bia, có thể làm teo nhỏ các khối u ở gan và bảo vệ tế bào não khỏi tổn thương oxy hóa. Các nhà nghiên cứu người Áo cũng tìm ra rằng, xanthohumol và một số thành phần khác có trong bia có thể thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển của tế bào thần kinh.

8 lợi ích bất ngờ khi uống bia - Ảnh 5

Các chất có trong bia giúp bảo vệ tế bào não.

Ngăn ngừa sỏi thận
Một nghiên cứu vào năm 2013 tiến hành thử nghiệm trên 200,000 người cho thấy uống bia có khả năng làm giảm 60% khả năng hình thành sỏi thận.
Trịnh Huế (Theo Everyday Health) 

Thứ Tư, 13 tháng 4, 2016

"Chỉ số hạnh phúc cao" ...

Chỉ số hạnh phúc cao dẫn tới khó có động lực đổi mới


Dương Quốc Việt

Văn hóa người Việt chú trọng sự tồn tại hơn là đổi mới và phát triển. Để thay đổi chúng ta cần một thể chế mạnh hướng mọi nguồn lực xã hội vào cuộc cạnh tranh không ngừng nghỉ, mà ở đó sự tồn tại phải đồng nghĩa với phát triển tiến bộ.
Trong thực tế cuộc sống, đã có không ít những nhầm lẫn của những người ngoài cuộc, khi đánh giá một cá nhân nào đó hạnh phúc hay bất hạnh, mãn nguyện hay bất đắc chí. Suy cho cùng thước đo cho những tiêu chí này là thuộc về chủ quan của mỗi cá nhân, không ai “cảm thấy” thay họ được!
Một anh bạn của tôi kể lại rằng, ngày học phổ thông, anh được học hai người thầy, một thầy dạy môn Ngoại ngữ và một thầy dạy môn Vật lý, đều là những người giỏi nghề-uyên thâm, tâm huyết, mẫu mực và rất thương yêu học sinh! Các thầy chia sẻ với anh rằng họ cảm thấy thương và đáng tiếc cho lũ học trò đa phần đói rét, thiếu thốn, đã thế lại không có chí tu dưỡng học hành, cứ nhơn nhơn trong sự biếng lười học tập… Nhưng oái oăm thay, cả hai thầy đều bị những học sinh đó phản ánh rất tồi tệ lên ban giám hiệu nhà trường! Bạn sẽ hỏi tại sao ư? Đơn giản, chỉ vì họ là những học trò yếu kém, luôn mang tâm lý đối phó trước chuyện học hành, với nhận thức được trưởng thành từ các phong trào bề nổi tập thể, những tuyên truyền được khuếch đại qua truyền thông và các đoàn thể thời chiến-anh giải thích như vậy. Vì thế những ông thầy nghiêm túc, lịch lãm, mang dáng vẻ trí thức, có óc phê phán, hay những anh chàng mải mê suy tư, học hành, không ưa những hoạt động hình thức, đều bị họ nhìn như những kẻ chậm tiến, thiếu “sôi nổi”, có vẻ như “không có chí tiến thủ”! Anh kể tiếp, cũng những con người đó, sau nhiều năm gặp lại, họ đều rất mãn nguyện về sự thành đạt và hạnh phúc của mình. Hạnh phúc của họ là đời sống no đủ, không còn đói rét như xưa, và thành đạt chính là việc trở thành những vị quan chức nhà nước. Với họ những giá trị khác như sáng tạo khoa học hay thưởng thức văn học nghệ thuật đều rất xa lạ. Họ dường như vô cảm trước những vấn đề bức xúc về chính trị xã hội. lúc nào ở họ cũng toát lên sự tự hào, mãn nguyện! Họ toại nguyện trên nền tảng văn hóa chỉ thuần túy hướng tới sự tồn tại, một thứ văn hóa đã dẫn đến làm tê liệt óc tự  phê  phán!
Những người thầy của anh bạn tôi có lẽ đã nhầm rồi chăng khi ngày ấy thương những trò đó đói rét mà không chịu khó học hành tu dưỡng, trong khi bản thân họ thì tự thỏa mãn và không cần cái tình thương ấy, thậm chí có thể họ coi đó là bị xúc phạm (!?) Biết đâu bây giờ nếu các thày gặp lại và tiếp tục xót xa cho sự dốt nát, vô cảm của trò cũ, thì biết đâu chính các thày lại bị trò chê cười vì sự “chậm tiến”, vì rằng các thày mãi vẫn không chịu nhận ra, thừa nhận khả năng và giá trị của họ.
Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ những con người luôn có “chỉ số tự hài lòng về cuộc sống” cao như thế sẽ rất ngại đổi mới, và sự phát triển của một quốc gia hay một tập thể nơi họ chiếm số đông sẽ vô cùng trì trệ. Một “hệ kín” chỉ lo đến sự tồn tại và cân bằng sẽ không có chỗ cho đổi mới và phát triển! Trong kinh tế hệ kín dẫn tới sự khấu hao, trong nhiệt động học là sự chết nhiệt, còn trong xã hội thì đó là sự suy tàn… Ở nước ta, lâu nay tình trạng chết nhiệt tồn tại phổ biến trong nhiều ngành, nhất là trong nhiều tổ chức của nhà nước, bởi chúng cũng như một hệ kín, nơi sự tự điều chỉnh của mỗi cá nhân và tổ chức chỉ thuần túy hướng đến một sự cân bằng- ổn định nội tại, và ở đó chắc hẳn “chỉ số tự hài lòng về cuộc sống” của các thành viên thường khá là cao(!)
Đa phần người Việt cho đến hôm nay, vẫn chưa có nhiều điều kiện trải nghiệm và nhận thức đầy đủ về sự phong phú của các giá trị sống, vì thế mà họ được hưởng “chỉ số tự hài lòng về cuộc sống“cao! Mà hệ quả của nó, là khó tự ý thức được tính cấp thiết của phát triển và đổi mới! Và thật ái ngại cho cái cảnh “nhân danh thanh bình, cứ gậm cỏ đi thôi“, mà Alexander Sergeyevich Pushkin (1799-1837) đã mô tả trong một bài thơ nổi tiếng “Người gieo giống tự do trên đồng vắng” của ông. Nhu cầu phát triển và đổi mới thực sự, hình như vẫn chỉ nằm trong một bộ phận rất nhỏ của xã hội! Chúng ta hình như đang thiếu hụt một cú hích,  một yếu tố văn hóa nào đó!?
Sách xưa đã từng viết rằng:“Một người nông dân từ bỏ một mái lều tranh, còn khó hơn một nhà tư sản từ bỏ một lâu đài!” Đó phải chăng vì người nông dân này mới chỉ lo đến sự tồn tại, còn nhà tư sản kia thì lo đến sự phát triển. Nhà nghiên cứu văn hóa Vương Trí Nhàn cho rằng “Nếu bảo rằng mỗi xã hội tồn tại được đều có nền văn hóa của mình  thì phải nói thêm ở ta đó là thứ văn hóa để tồn tại chứ không phải văn hóa để phát triển” (Vương Trí Nhàn: “Chỉ phát triển khi biết tự phê phán”-TBKTSG-11/2/2016).
Chúng ta đang trên đường hội nhập sâu rộng với thế giới, đó là một trong những yếu tố rất quan trọng tạo điều kiện cho sự phát triển và đổi mới! Nhưng quan trọng hơn tất cả chính là nội lực của chúng ta. Một trong những yếu tố kìm hãm chúng ta trong suốt chiều dài lịch sử, chính là cái văn hóa chỉ để tồn tại! Bây giờ muốn đổi mới và hội nhập thành công, chúng ta cần phải hướng tới một nền văn hóa để phát triển! Và sự cải biến này cần phải được bắt đầu từ các tổ chức, các tầng lớp ưu tú  trong xã hội, cũng như cần thấm sâu vào các nhà trường-nơi đào tạo ra những con người của thời đại mới! Cuối cùng chúng ta cần phải có một thể chế mạnh, để hướng mọi nguồn lực của xã hội vào một cuộc cạnh tranh không ngừng nghỉ, mà ở đó sự tồn tại phải đồng nghĩa với sự phát triển và tiến bộ. Cũng từ đó tự khắc văn hóa vì sự tồn tại của người Việt, sẽ được dần chuyển sang văn hóa vì sự phát triển!

Thứ Hai, 4 tháng 4, 2016

Các Cụ nên đọc bài này.

BBB - Một bài viết gợi lên những vấn đề mà chúng ta và nhiều người ở vào cái tuổi đã lên ông lên bà thường gặp và trăn trở, suy nghĩ ...
Xin mời các Cụ tham khảo, trao đổi ... để mỗi người, mỗi gia đình tìm ra "phương án" ứng xử cho phù hợp với... mình. Tất nhiên là, "Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh".
Tôi thấy trong Làng ta có nhiều người như Lê Hoàng và cũng không ít Cụ theo "trường phái truyền thống": "Trước kia, tôi nuôi con mình. Và bây giờ tôi lại chăm nuôi CON của CON MÌNH ("làm ÔSIN nghiệp dư").
Còn một số Cụ lại theo "trường phái Trung dung: " Chỉ vui chơi với các cháu và hỗ trợ bố mẹ chúng, khi cần thiết và có thể...

Lê Hoàng: “Tôi nuôi con. Và con tôi nuôi con của nó!”.

Tôi xấu xa thì chắc chắn rồi, nhưng suy cho cùng thì xưa nay tôi vẫn xấu, xấu thêm một chút cũng chả sao. Nhưng tôi cảm thấy rõ ràng hiện nay có một lớp người trẻ xấu một cách tinh vi: Đó là muốn lợi dụng cha mẹ trong vấn đề chăm sóc con cái của mình. Nghĩa là ngay từ khi lên kế hoạch sinh con, chăm sóc và nuôi dưỡng, họ đã đưa ông bà vào danh sách, coi như một sự đương nhiên.
Lê Hoàng:  “Tôi nuôi con. Và con tôi nuôi con của nó!”.
Lê Hoàng cho rằng mọi người về già không nên ru rú ở nhà để thay tã và ôm chân những đứa trẻ con
Về mặt khoa học thì cháu là gì? Là con của con mình. Mà ai chả biết mình đã khổ cả đời vì con từ lúc sinh nó ra cho tới đưa đón nó đi học mẫu giáo, đóng tiền cho nó học đại học, bỏ tiền ra làm đám cưới cho nó, mua cần cho nó, giảng giải khi hai vợ chồng nó cãi nhau rồi bây giờ mang con nó ra khoe. Ừ thôi thì khoe cũng được dù đa số cháu chả phải người mẫu chẳng phải hoa hậu càng chẳng phải thần đồng, nghĩa là nhan sắc, trí tuệ và mọi thứ cũng vừa phải giống như con người ta chứ đâu xuất sắc gì. Hãy cứ yên tâm là cháu mình cũng như triệu triệu đứa cháu khác mà thôi. 
Nhưng khoe là một chuyện. Ôm chặt lấy lại là chuyện khác. 
Vừa rồi có hai vợ chồng người bạn vào Sài Gòn thăm tôi sau mười mấy năm xa cách. Nghe có vẻ hoành tráng lắm vì đi có cả nhà theo. Lê Hoàng vội vàng tưởng tượng ra chân dung hai ông bà thành đạt, lịch lãm, ung dung tới các tụ điểm sang trọng, thưởng thức những buổi gặp gỡ thâm trầm. Họ xứng đáng như thế sau mấy chục năm làm việc.
Nhưng ôi thôi! Khi gặp cảm xúc tan tành. Hai vợ chồng có đứa cháu một tuổi mang theo cùng con gái. Thế là suốt ngày túi bụi tã lót, chai sữa, hò hét quát tháo lúc nào cũng như cái chợ. Bạn bè đến chơi chẳng có lấy một phút không khí thanh bình. Đúng nghĩa của câu "già mà chưa thoát nợ". 
Vào cái tuổi 60, chả hiểu ma xui quỷ khiến, không gặp nhau thì thôi, hễ gặp là mọi người lại khoe có cháu nội,cháu ngoại và hỏi nhau xem có cháu hay chưa. Cứ như không có là cuộc đời hỏng bét. Điều ấy khiến Lê Hoàng tức điên cả ruột!
Việc chăm sóc một đứa bé luôn luôn vất vả. Việc chăm sóc một đứa bé khi tuổi mình đã cao còn vất vả gắp ngàn lần, đặc biệt là phần lớn gia đình vẫn trong hoàn cảnh nhà cửa chật chội, đồ đạc lung tung, phòng ốc bất tiện. Có thể khẳng định chắc chắn, thả một đứa trẻ một hai tuổi vào một không gian nhỏ bé sẽ khiến không gian đó đảo lộn hoàn toàn, sôi lên sùng sục, khiến cho tuổi già khó có lấy một phút ngả lưng.
Có thể đọc tới đây nhiều người sẽ nổi giận, tuyên bố Lê Hoàng là kẻ ích kỷ, xấu xa, không có truyền thống Á Đông và không có cả trăm ngàn thứ khác. Ai muốn nói gì thì nói, tôi thề không thay đổi, tôi theo một phương châm dứt khoát: “Tôi nuôi con. Và con tôi nuôi con của nó!”.  
Tôi xấu xa thì chắc chắn rồi, nhưng suy cho cùng thì xưa nay tôi vẫn xấu, xấu thêm một chút cũng chả sao. Nhưng tôi cảm thấy rõ ràng hiện nay có một lớp người trẻ xấu một cách tinh vi: Đó là muốn lợi dụng cha mẹ trong vấn đề chăm sóc con cái của mình. Nghĩa là ngay từ khi lên kế hoạch sinh con, chăm sóc và nuôi dưỡng, họ đã đưa ông bà vào danh sách, coi như một sự đương nhiên.
Lê Hoàng:  “Tôi nuôi con. Và con tôi nuôi con của nó!”.
Phương châm của Lê Hoàng là: Tôi nuôi con. Và con tôi nuôi con của nó!”.
Công nhận rằng cũng có rất nhiều gia đình, ông bà (đặc biệt là bà) không có việc làm, phải sống bám vào con cái và tự nhiên xem việc giữ cháu là một cách trả công. Mệt cũng không dám kêu. Những hoàn cảnh ấy vô phương cứu chữa. Nhưng cũng có rất nhiều ông bà có nhà cửa, có thu nhập hẳn hoi, thậm chí còn đưa tiền thêm cho vợ chồng chúng nó, thế mà vẫn "nai lưng" ra giữ cháu do bị chúng nó "bỏ bom" . Không dám kêu, không dám phản kháng vì đã trót "khoe" và trót "tự hào" suy cho đến cùng, hiện tượng giữ cháu, lấy cháu làm niềm vui là gì? 
Theo Lê Hoàng là do không có một đời sống lành mạnh. Với sự phát triển của khoa học hiện đại, 60 chưa hề là già. Nhiều quốc gia đã kéo dài tuổi về hưu lên 65 hoặc 67 tuổi. Tuổi 60 thậm chí còn là tuổi chín muồi của các trải nghiệm, khám phá. Lúc này ta mới có bề dày để xem phim, đọc sách, suy nghĩ, khảo luận. Lúc này việc khám phá và tìm hiểu thế giới mới trọn vẹn và đầy đủ. Ta sẽ phát hiện ra rất nhiều thứ cảm xúc muốn có hoá ra chả tốn kém gì ngoài thời gian và kinh nghiệm. 
Vậy mà đúng lúc tươi đẹp ấy, thăng hoa ấy và thảnh thơi ấy, ta bị một đứa cháu rơi tõm vào nhà. Ta cong đuôi chạy theo nó, cho nó ăn, làm ngựa cho nó cưỡi và làm cái bia cho bố mẹ nó trách móc, thế có cơ cực hay không? 
Nói thì bảo tàn nhẫn, chứ tôi đã quan sát phần lớn những ông bà cứ bám riết lấy cháu vì nếu không bám họ chẳng biết làm gì?. Vì họ không tìm những mục đích tinh thần khác ngay cả khi họ có tiền và có sức khỏe. Nhiều bạn bè ngán ngẩm nói với Lê Hoàng là những buổi họp lớp cũ mấy chục năm bây giờ đôi khi biến thành ngày hội khoe cháu. Ai cũng đưa hình chúng nó ra, chả ai đưa mình vừa đi đâu, mình vừa làm gì và mình vừa hoàn thành công trình chi. Chán mớ đời. 
Theo tên ích kỷ và xấu xa Lê Hoàng, xã hội chỉ phát triển khi mỗi thế hệ làm trọn trách nhiệm và nghĩa vụ của mình, không có kiểu "dắt dây" nương tựa mãi vào nhau. Thật chán làm sao khi chứng kiến những chuyến tàu du lịch cập cảng Việt Nam, các ông bà già ngoại quốc nắm tay nhau đi xuống, tung tăng tham quan chơi bời vui vẻ, còn các ông bà nhà mình thì đang ru rú ở nhà thay tã và ôm chân những đứa trẻ con...
Lê Hoàng

)