Thứ Hai, 3 tháng 6, 2013

Bấm nút về Dự thảo H.P

BBB - Hôm nay và ngày mai các ĐBQH sẽ thảo luận ở hội trường về "Dự thảo H.P",  một việc quan trọng của Đất nước, của Dân tộc trong thời gian qua được quan tâm.
Đã có rất nhiều ý kiến khác nhau tham gia thảo luận, góp ý kiến cho Bản Dự thaỏ H.P.
Chắc cũng sắp đến ngày kết thúc.
Trong khi chờ xem (trên TV) các vị "Đại biểu của dân" thảo luận; tôi tải về bài báo sau đăng trên Tuần Việt Nam" để Làng ta tham khảo.
Mong sao sẽ có 1 Bản Hiến pháp của "chúng ta", tức là của (đa số)Người dân .
Xin lỗi; bài báo cũng hơi dài đối với các Cụ nào hay mất ngủ hoặc "tăng xông".

TuanVietNam ››

Cần một bản Hiến pháp "của chúng ta"

Mong các ĐBQH khi xem xét, thảo luận và bấm nút biểu quyết về dự thảo Hiến pháp làm sao đừng làm hụt hẫng kỳ vọng lớn lao của nhân dân. Để làm sao Hiến pháp hiện diện trong cuộc sống của mỗi người dân, một Hiến pháp vì cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân.

Dân ở đâu trong hiến pháp?
Ba tháng lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã trôi qua, cùng với rất nhiều ý kiến đã lên tiếng vào hai năm trước đó…Tuy nhiên, như ĐBQH phát biểu tại cuộc thảo luận tổ, trong dự thảo đưa ra kỳ họp Quốc hội này, dù đã có một vài điểm sửa đổi, “tất cả các vấn đề được xã hội quan tâm nhất đã trở lại như ban đầu”, như dự thảo được công bố. Từ góc độ một người dân, không ít người không khỏi bật lên câu hỏi: Chả lẽ chỉ từng đó sao, sau bao nhiêu công sức, tiền bạc, thời gian đã bỏ ra?
Vậy thì nhân dân Việt Nam muốn, cần một bản Hiến pháp như thế nào?
Có thể bàn rất nhiều, nhưng trong bài viết này, chỉ xin dùng cụm từ đã được nêu ngay trong Hiến pháp 1992: Đó phải là một Hiến pháp “của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”. Trước hết, nhân dân muốn và cần một Hiến pháp vừa thiêng liêng, đồng thời gần gũi với người dân, của dân, được người dân coi là “của chúng ta”.
hiến pháp, ĐBQH, Chính phủ, Quốc hội
Ảnh: Lê Anh Dũng
E rằng dự thảo Hiến pháp lần này chưa thể hiện được cái tinh thần "của chúng ta" đó.
Chẳng hạn, lời nói đầu trong Dự thảo dù đã cố rút ngắn hơn so với Hiến pháp 1992, nhưng vẫn khá rườm rà, thiếu cô đọng, súc tích, nhiều chữ, mà lại không toát lên được tâm hồn, tầm nhìn của một dân tộc, với một giọng văn mà khi đọc lên, mỗi người trong chúng ta đều cảm nhận thấy dòng máu Việt ngàn năm chảy trong mình đã làm nên bản Hiến pháp này.
Hơn nữa, trong toàn bộ Hiến pháp, một người dân bình thường nếu đọc lên vẫn hầu như không cảm nhận thấy đó là Hiến pháp của dân, khó có thể sử dụng Hiến pháp để bảo vệ các quyền và tự do của dân.
Ví dụ, Hiến pháp của dân, nhưng trong bản Hiến pháp này, người dân vẫn không thấy các cơ chế củng cố vị thế của những người đại diện cho mình là các ĐBQH. Cụ thể hơn, vẫn không có thay đổi căn bản về hệ thống bầu cử, sự độc lập, tránh kiêm nhiệm, tránh xung đột lợi ích trong hoạt động của đại biểu.
Hoặc như tính chất của dân ở đâu trong các quy định về chính quyền địa phương là cấp phải gần dân nhất?
Ngay cả Chương II là chương trực tiếp ghi nhận về quyền con người, quyền công dân, với những quy định rất hay, rất tốt đẹp, nhưng đọc xong, người dân vẫn không khỏi băn khoăn: Vậy trên thực tế, tui cầu viện ai nếu quyền của tui bị xâm phạm? ĐBQH có dám nói không, nếu người xâm phạm quyền của dân là cấp trên của ông/bà ấy? Tòa án liệu có xét xử công tâm, công bằng không, nếu ông/bà ấy cũng bị vướng với những mối quan hệ chằng chịt? Hội đồng Hiến pháp có phải của “của nhân dân” không, khi thiếu thẩm quyền xem xét, phán xét những quy định do Quốc hội, Chính phủ, chính quyền địa phương đặt ra nếu các quy định đó trái với Hiến pháp, vi phạm quyền của dân?
hiến pháp, ĐBQH, Chính phủ, Quốc hội
Hôm nay Quôc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Hiến pháp, truyền hình trực tiếp. Ảnh: Lê Anh Dũng
Tiếp theo, nhân dân muốn và cần một Hiến pháp do nhân dân làm ra, hàm ý nhân dân tham gia vào quá trình hình thành và phát triển của Hiến pháp. Các nghiên cứu khác nhau trên thế giới về Hiến pháp các nước cho thấy, sự tham gia thực sự của công chúng vào quá trình xây dựng Hiến pháp có khả năng giới hạn quyền lực của chính quyền bởi Hiến pháp. Làm tăng "tuổi thọ" của Hiến pháp, vì các chủ thể sẽ viện đến Hiến pháp nhiều hơn, tuân thủ Hiến pháp tốt hơn, tức là làm cho Hiến pháp có tác dụng trên thực tế, chứ không phải Hiến pháp "chết". Tác động tích cực đến phạm vi, mức độ của các quyền hiến định của công dân, tạo ra Hiến pháp với những quy định thuận lợi cho bầu cử tự do và công bằng, bình đẳng về chính trị, công bằng xã hội, bảo vệ quyền con người, cơ chế áp đặt trách nhiệm giải trình mạnh hơn.
Con số hơn 26 triệu lượt ý kiến đóng góp vào dự thảo Hiến pháp quá ấn tượng, chưa hề có tiền lệ ở các nước, ngay cả ở Nam Phi thường được viện dẫn như một ví dụ điển hình về tham vấn công chúng trong quá trình xây dựng Hiến pháp.
Nhưng điều quan trọng hơn nhiều là cái hồn, tinh thần của hàng triệu lượt ý kiến góp ý đó có được đưa vào Hiến pháp hay không. Như ĐBQH tại các phiên thảo luận tổ, ý kiến của các cựu ĐBQH, chuyên gia đặt vấn đề, không nhiều những sự thay đổi so với dự thảo đã công bố làm cho nhân dân đặt câu hỏi về tính thực chất của việc lấy ý kiến vừa qua.
Đặc biệt, tinh thần “do nhân dân” trong Hiến pháp cần được thể hiện rõ nét qua các quy định về trưng cầu ý dân, nhất là trưng cầu ý dân về Hiến pháp, hay còn gọi là phúc quyết Hiến pháp.
Theo một khảo sát ở hơn 20 tỉnh/thành trên cả nước, người dân nhận thức rõ về vai trò, và nhất là quyền lập hiến của mình trong quy trình sửa đổi, ban hành Hiến pháp. Đại đa số, khoảng 75% trong số những người đã từng nghe đến hoặc biết dù ít ỏi về Hiến pháp cho rằng người dân có quyền phúc quyết Hiến pháp. Tuy nhiên, dự thảo sửa đổi Hiến pháp không dám mạnh mẽ ghi nhận quyền đó của nhân dân, mà lại nửa vời, trao cho Quốc hội quyền quyết định có tổ chức trưng cầu ý dân về Hiến pháp hay không.

Bảo vệ được quyền con người
Cuối cùng, nhân dân muốn và cần một Hiến pháp vì nhân dân.
Tính chất vì dân thể hiện rõ nhất trong ý đồ, thiết kế, nội dung, cấu trúc nhằm bảo vệ các quyền và tự do của con người, kể cả các quy định về chính quyền, về kiểm soát quyền lực.
Hiến pháp cần tạo ra không gian cho mọi quan điểm gần với con tim của từng công dân được thể hiện, cho dù quan điểm đó không thuận tai với người khác. Hiến pháp cần coi các quyền con người không phải do nhà nước ban cho, mà vốn có từ lúc sinh ra, chính các quyền đó tạo ra giới hạn hành động của nhà nước. Không những ghi nhận, một Hiến pháp vì dân còn cần tạo ra cơ chế bảo hiến để bảo đảm để quyền tự do của công dân không bị xâm phạm từ phía các cơ quan nhà nước.
Có thể là tỷ lệ thắng kiện của công dân trong các vụ việc phán xét về tính hợp hiến trong các văn bản, hành vi của công quyền chỉ rất nhỏ, nhưng có giá trị làm gương, răn đe đối với các cơ quan công quyền trong việc đối nhân xử thế với công dân, còn từ phía khác, mỗi một công dân nhỏ bé đều cảm nhận được vị thế lớn lao của mình.
Đồng thời, các thiết chế khác như Quốc hội, chính phủ, tòa án, chính quyền địa phương cũng phải chịu sự ràng buộc bởi các quy định của Hiến pháp để không lạm dụng quyền lực đã được trao, tận tâm phục vụ dân, nếu không sẽ phải chịu những biện pháp áp đặt trách nhiệm giải trình cuối cùng trước dân. Chẳng hạn, ĐBQH có toàn tâm toàn ý vì dân hay không, nếu phải đối mặt với những mối ràng buộc, giằng xé về lợi ích? Như đã nói, điều này phụ thuộc phần lớn vào vị thế độc lập của đại biểu, mà trước hết vị thế đó xuất phát từ Hiến pháp. Hiến pháp vì dân sẽ tạo ra niềm tin ấy, rằng họ có thể trông cậy vào các cơ chế hiến định để bảo vệ các quyền, tự do của mình, để được sống trong sự an toàn.
Thực tế hiện nay, người dân ít biết đến bản Hiến pháp; lý do có thể vì ít được truyền thông, giáo dục. Tuy nhiên, ít biết không hẳn là người dân ít quan tâm đến Hiến pháp.
Trong một thảo luận nhóm nhỏ với người dân ở một xã ngoại thành Hà Nội, vài người cho biết, họ không biết Hiến pháp là gì, nhưng lại mong đợi đợt sửa đổi Hiến pháp này sẽ làm cho cuộc sống của họ tốt đẹp hơn. Tương tự như vậy, qua khảo sát trên 20 tỉnh/thành, đại đa số trong số những người từng nghe đến hoặc biết về Hiến pháp mong đợi việc sửa đổi Hiến pháp làm cho cuộc sống người dân tốt đẹp hơn; đảm bảo dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra; đảm bảo các quyền cơ bản của con người; các cơ quan, cán bộ nhà nước làm đúng trách nhiệm và không lạm quyền.
 Kết quả này cho thấy, từ góc độ người dân, mục tiêu tối thượng, bản chất của Hiến pháp là bảo vệ con người với những quyền của mình, và kiểm soát quyền lực nhà nước cũng nhằm bảo vệ quyền con người.
Trên đây cũng là những tiêu chí tối thượng để các ĐBQH soi chiếu vào khi xem xét, thảo luận và bấm nút biểu quyết về dự thảo Hiến pháp, để làm sao đừng làm hụt hẫng kỳ vọng lớn lao của nhân dân. Để làm sao Hiến pháp hiện diện trong cuộc sống của mỗi người dân, cho dù người dân có thể không nhận thấy điều đó. Một Hiến pháp của dân, do dân, vì dân, vì cuộc sống tốt đẹp hơn, ngay hiện tại và cho cả tương lai.
Nguyên Lâm.

3 nhận xét:

  1. Đừng kỳ vọng nhiều và cũng đừng thất vọng, vì lịch sử là THỜI GIAN !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lịch Sử là THỒI GIAN, mà THỜI GIAN lại quý hơn VÀNG BẠC.
      Vậy để làm nên LỊCH SỬ ( mà là Lịch sử vẻ vang của Dân tộc)thì đừng để MẤT THỜI GIAN.(hay mất THỜI CƠ)

      Xóa
    2. Lịch sử là thời gian.
      Thời gian là vàng bạc.
      Những kẻ lãng phi thời gian hiện nay có thể là những kẻ có nhiều vàng bạc, hoặc
      một số người (bảo thủ) chưa hiểu hết ý nghĩa của "vàng bạc" (thời cơ).

      Xóa

trantrunghai@gmail.com