BBB- Bạn Trinh Xuân Diền tuy không có Blog riêng, nhưng bạn vẫn "theo dõi" sát Blog của K5 (kể cả cái mới nhất mà cụ Cala mới cho mở là "songdaohoa.blogspot.com" để xem các Cụ Cu Lờ lội "NGƯỢC DÒNG KÝ ỨC" đến đâu rồi, để đọc các bài của BBT giới thiệu chọn in SÁCH.
Cụ Diễn rất nhiệt tình với việc gửi bài in SÁCH K5. Bằng chứng là Cụ đã đem đến nhà tôi bản viết tay, chữ kiểu "phăng -tê- di" nhỏ như con kiến, nhiều chữ phải dùng kính Lúp mới đọc được, cả tập dầy trên 10 trang A4. Đó là Hồi ký "Những năm tháng không thể nào quên" viết về "cuộc hành quân tựu Trường Lư Sơn". Với nhiều tư liệu quý hiếm (như đoạn tả rất cụ thể về nơi làm việc của Cơ quan đầu não ở ATK, có thể dựng phim tài liệu...), nêu nhiều gương mặt Cu Lở thân quen, tả cảnh, tả người... rất hấp dẫn về Lư Sơn, Quế Lâm...
Rất tiếc trong khuôn khổ hạn chế cùa Tuyển tập in chung không thể đưa nguyên vẹn hồi Ký trên của bạn TXD.
Tôi được Tác giả tin tưởng đưa cho "dao, kéo, tông- đơ" và bảo: Uỷ quyền cho Cậu được cắt gọt thoải mái miền là đừng như "chú Cắt tóc"ở QL (Cắt tóc ta cắt tóc nhanh, hết đầu này ta lại sang đầu khác... mà "quang thẩu" (cạo trọc) bài của tớ là được.
Trên tinh thần đó tôi trích, cô đọng, rồi đánh vi tính. (Những phần trong hồi ký của TXD mà có nội dung trùng với bài của bạn khác thì để lại không đăng dịp này).
Xin giới thiệu với Làng.
TRÊN ĐƯỜNG ĐẾN LƯ SƠN TỰU TRƯỜNG
(Trích Hồi ký “ Những năm tháng không thể nào quên”)
Trịnh Xuân Diễn
Sau ngày kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ (19/12/1946), gia đình tôi rời Thủ đô tản cư lên Thái Nguyên, định cư tại thôn Phúc Thanh, huyện Phú Bình. Còn Bố tôi vẫn ở lại Hà Nội, làm việc tại Văn phòng Chính phủ, tiếp tục tham gia “Tự vệ thành chiến đấu”. Rồi cùng cơ quan chuyển lên chiến khu Việt Bắc, mãi cuối năm 1949 mới gặp lại gia đình.
Sau mấy ngày Bố tôi về nghỉ phép thăm gia đình. Sáng ngày 20/06/1953 Bố đưa tôi lên cơ quan ông để tập trung cùng với một số bạn nữa được Đảng và Bác Hồ cho đi học tập ở trường Thiếu nhi Việt Nam tại Lư Sơn, Trung Quốc. Bố tôi đưa tôi đi bằng xe đạp. Tạm biệt ngôi nhà tranh và những người thân yêu trong gia đình; bố con tôi đi theo con đường cái để ra tỉnh lộ đi về thị xã Thái Nguyên. Trên tỉnh lộ, ngồi trên xe đạp, phải luôn cảnh giác lắng nghe tiếng máy bay địch. Vì dạo đó máy bay địch luôn oanh tạc dọc đường để ngăn cản hoạt động của ta. Quá trưa hôm đó chúng tôi qua cầu Gia Bẩy, nơi cách đây mấy ngày máy bay địch đã ném bom, bắn phá gây thương vong hàng chục người. Buổi tối ngủ tại một xưởng bào chế thuốc của ngành Y tế, là nơi chú tôi công tác. Sáng hôm sau bố con tôi đi Định Hoá, khi đó nằm trong “An Toàn Khu” (ATK), nơi tập trung cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến. Buổi chiều qua Quán Vuông; đi một đoạn đường nữa là đến trạm đón tiếp của ATK. Chúng tôi nghỉ, xe đạp để tại trạm. Chừng một giờ sau, chú Ba là bảo vệ tại cơ quan đến trạm đưa bố con tôi về Ban Kiểm tra 12 ( Ban KT 12 là mật danh của cơ quan Phủ Thủ tướng). Vừa ra khỏi trạm thì trời đổ mưa, chúng tôi lặn lội dưới trời mưa trong rừng, đường hẻm quanh co, trèo đèo lội suối. Chỉ phút chốc sau cơn mưa, nhưng con suối phải vượt qua nước đã chảy xiết, ào ào dâng lên dưới bụng chân, rồi lên tận bụng. Sợ tôi bị trượt ngã, nguy hiểm, chú Ba phải dắt tay tôi. Cuối cùng chúng tôi đã đến Ban Kiểm tra 12.
Đến cơ quan ngay trong ngày đầu tiên tôi đã có bạn mới là Trịnh Huy Châu, đến trước tôi mấy tháng. Châu tự giới thiệu là con Bố Quang, còn bạn đã biết tôi là con bác Khánh, Tham tá Pháp chế Văn phòng. Vì chúng tôi còn bé nên được tự do đi lại trong cơ quan. Hai đứa rủ nhau đi chơi loanh quanh chỗ nọ chỗ kia. Chúng tôi đến trước một ngôi nhà sàn, xung quanh có đào hào, mỗi khi vào nhà phải nhẩy qua hào. Châu nói, được các chú cho biết nhà này trước kia Bác Hồ ở, nay Bác đã chuyển đi nơi khác. Nên ngôi nhà được bố trí cho G.S- Tiến Sỹ, nhà Triết học Trần Đức Thảo mới từ Pháp về nước tham gia kháng chiến ở và làm việc. Nhìn sang nhà bên, chúng tôi thấy một bác đã có tuổi, phong thái rất kiên nghị và nhanh nhẹn, vừa đi đâu về. Châu bấm tôi, bảo đó là bác Trần Quý Kiên, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đấy. Thấy tôi là người lạ, mới đến cơ quan, bác hất hàm về phía Châu, ý muốn hỏi ai vậy?. Châu thưa với bác: “Đây là anh Diễn con bác Khánh”. Bác đưa tay về phía ghế bảo chúng tôi ngồi. Rồi nói: Ừ, các cháu về tập trung để chuẩn bị đi Trung Quốc học tập, được mấy người rồi, khoẻ cả chứ?. Rồi bác nói với tôi: Bố cháu là người rất cần cù, rất mẫn cán. Noi gương Bố nhé!.
Thấm thoát trong vòng mấy tuần, các bạn đã đến cơ quan tập trung đầy đủ. Tổng số 10 người gồm: Châu, Diễn, Doanh, Quyền, Nghị, Niệm, Lưu và 3 bạn nữ là Ngọc Huyền, Bích Ánh và Phương. Một hôm bác Kiên vẫy chúng tôi lại, hỏi: Các cháu đã đến đông đủ, sắp đến ngày lên đường, các cháu có nguyện vọng gì không?. Chúng tôi nhìn nhau và “đồng thanh” nói lên nguyện vọng đã trao đổi thống nhất với nhau từ mấy hôm trước với bác Kiên: “Chúng cháu muốn được gặp Bác Hồ ạ”. Bác Kiên bảo: Dịp này Bác Hồ đang đi công tác vắng nhà. Các cháu nên đến thăm bác Tô thôi. (Bác Tô là bí danh của bác Phạm Văn Đồng). Chúng tôi lại đồng thanh “Vâng ạ”.
Sáng hôm sau, từ rất sớm, chúng tôi đã tập họp đầy đủ để đi thăm bác Tô. Ríu rít như bầy chim nhỏ, chúng tôi theo chú Lanh, vượt qua một cánh rừng, lội qua mấy con suối, leo lên một quả đồi cây cối um tùm, đấy là nơi làm việc của bác Tô. Lúc đó bác Tô còn bận chút việc, nên chúng tôi đi tham quan khuôn viên. Vừa mới dạo chơi một thoáng, nhìn sang nhà bác, chúng tôi đã thấy bác đứng ở đầu nhà vẫy chúng tôi. Tất cả chúng tôi chạy ùa đến bên bác Tô. Bác mặc bộ bà ba màu đen, dáng người cao, quắc thước. Hầu hết chúng tôi đều là lần đầu gặp bác Tô nên còn hơi e dè. Bác hiền từ nhìn chúng tôi khắp lượt, rồi hỏi từng người: Cháu bao nhiêu tuổi?. Con bố nào?. Đi từ đâu đến?. Giọng nói Quãng Ngãi và cử chỉ thân mật của bác, khiến chúng tôi mau chóng cảm thấy rất gần gũi, nên ai nấy đều mạnh dạn tự giới thiệu về mình. Nghe xong Bác nói với chúng tôi: Cuộc kháng chiến đang rất gay go, ác liệt, nhưng lực lượng ta đang phát triển lớn mạnh, nhất định thắng lợi. Bác Hồ và Chính phủ cho các cháu ra nước ngoài học tập để chuẩn bị cho tương lai, xây dựng đất nước khi cuộc kháng chiến thành công. Bác cũng như bố mẹ các cháu mong các cháu ngoan ngoãn, giữ gìn sức khoẻ, học hành cho giỏi. Các cháu tuổi nhỏ đã ra nước ngoài sống và học tập; bác dặn các cháu không được “lai căng” nhé. Bây giờ đến phần liên hoan, bác khao các cháu. Bác chỉ tay về phía nhà ăn và nhanh nhẹn cùng chúng tôi bước vào phòng ăn. Trên mỗi bàn đã đặt một đĩa bánh gatô khá to thơm phức, đã cắt sẵn, trông thật ngon lành. Khi chúng tôi đã ngồi ổn định, bác hỏi: Hôm nay được ăn bánh, các cháu cảm ơn ai nào?. Chúng tôi nhao nhao nói: “Chúng cháu cảm ơn bác Tô”. Bác lắc đầu, chỉ tay sang chú đầu bếp của bác đang đứng phía bên, nói: Không cảm ơn bác mà phải cảm ơn chú Tám làm bánh cho các cháu ăn chứ. Chúng tôi lại cùng nhau hướng về phía chú Tám, nói “ Chúng cháu cảm ơn chú Tám”. Chú mỉm cười và ra hiệu cho chúng tôi “ăn bánh đi”. Tôi nhớ mãi lần gặp Bác Tô hôm ấy.
Chúng tôi rời Ban KT12 lên đường tới trạm đón tiếp của Trường vào ngày 14/7/1953. Cơ quan cử hai người dẫn chúng tôi đi. Bác Nhân đeo khẩu súng lục, chú Lương khoác khẩu súng trường, trông rất oách. Buổi sáng hôm lên đường, còn có bố tôi và bác Đinh Đăng Định (Nhà nhiếp ảnh nổi tiếng, bố của bạn Bích Ánh) cùng đi tiễn chân một quãng xa, vừa đi vừa chụp ảnh. Hôm ấy đẹp trời, mát mẻ và khô ráo. Mọi người phấn chấn lạ thường. Tất cả vừa đi vừa hát, riêng bạn Đào Gia Lưu là hăng say nhất, hát hết bài này đến bài khác. Bác Định và bố tôi chạy lên chạy xuống để chụp ảnh đoàn. Số lượng ảnh chụp hôm ấy khá nhiều. Sau này, mãi đến năm 2003 Bích Ánh mới có dịp soạn lại những phim trong kho lưu trữ riêng của bác Đinh Đăng Định, may mắn tìm lại được những phim chụp ngày ấy còn tốt, đem rửa ảnh gửi cho chúng tôi mỗi người một tập (khoảng 10 tấm ảnh). Đó là những bức ảnh ghi lại hình ảnh trên đường đi tựu trường TNVN Lư Sơn 60 năm trước, thật quý và là vô giá đối với chúng tôi.
Chúng tôi đến Trạm đón tiếp của Trường tại châu Bắc Sơn (tỉnh Lạng Sơn) vào một buổi sáng. Trạm đặt trong một khu rừng, có khoảng chục lán được dựng lên, mái tranh, vách liếp, có sạp để nằm ngủ, nó giống như những lán của bộ đội, dân công mà ta đã gặp hồi đó trong những cánh rừng trên nẻo đường kháng chiến ở Việt Bắc. Khi đến Trạm tôi đã thấy có nhiều đoàn các bạn từ các nơi đến trước. Tôi bắt đầu quen Phan Trúc Long và Phan Trí Vân từ đây. Trúc Long không ngại chia sẻ nỗi buồn vừa có tang mẹ với tôi. Trí Vân có tài làm các bạn cười vì “vẫy” được tai, trông rất ngộ nghĩnh.
Ngay buổi chiều hôm nhập Trạm, chúng tôi đã được Ban Lãnh đạo Trạm biên chế thành các Đoàn; anh Hưởng (sau này là nhà văn Nguyễn Kiên) đã họp Đoàn chúng tôi. Anh phổ biến nội quy sinh hoạt ở Trạm và kỷ luật khi hành quân. Chúng tôi được biên chế thành từng tổ nhóm, hình thành từng bộ phận, có một anh cán bộ phụ trách. Hành quân vào ban đêm, ban ngày nghỉ. Đến hôm sau lại đi tiếp đến trạm mới lại nghỉ, cho đến trạm cuối là Đồng Đăng (Mục Nam Quan) vào ban đêm, thì lên xe ô tô tải, căng bạt kín, có Giải phóng quân Trung Quốc mang tiểu liên bảo vệ khi xe chạy trên đường từ biên giới về đến Bằng Tường thị trấn đia đầu của tỉnh Quảng Tây.
Từ đây chúng tôi lên Lư Sơn bằng tầu hoả , qua Quế Lâm, rổi đến thành phố Nam Xương thủ phủ tỉnh Giang Tây. Từ thành phố Nam Xương lại đi ô tô ra thị trấn Cửu Giang, rồi ô tô leo núi lên đỉnh Lư Sơn mây phủ, một danh lam thắng cảnh đẹp nổi tiếng của Trung Quốc, nơi Trừơng Thiếu nhi Việt Nam của chúng tôi ở đó qua một mùa đông băng tuyết, rồi chuyển về thành phố Quế Lâm từ năm 1954.
Với tôi những kỷ niệm trên đường hành quân tựu Trường TNVN, những ngày sống và học tập ở Lư Sơn, Quế Lâm cách đây đã 60 năm, trong tuổi niên thiếu là “những năm tháng không thể nào quên”.
(Hà Nội, tháng 6 năm 2013)
Tôi đã đoc và thấy khá cuôn hut,có lẽ cũng phải nhờ vào tai "cắt gọt" của ban Trung Hải nữa. Chúc thành công.
Trả lờiXóaTruyện của bạn Diến rất hấp dẫn. Bạn giỏi thật, nhớ rất nhiều chi tiết thú vị của cuộc hành trình từ Phú Bình Thái Nguyên đế Lư sơn. Tôi thì ngược lại nhớ rất ít. Cảm ơn tác giả và "ông thợ cắt tóc" Hải Trần Trung.
Trả lờiXóaCảm ơn Tiến Hoàn và Công LÝ.
XóaChúng ta khi đọc bài của bạn T.X.Diễn đều có nhận xét như nhau.
Giá như những "chuyện nhớn" hiện nay của Đất nước mà được đồng thuận cao nhu thế này thì quý hoá quá các Cụ "nhẩy"!.