Thứ Tư, 5 tháng 2, 2014

2 bài thơ về Ông Đồ.


BBB Khi nhắc đến những bài thơ hay viết về đề tài “Tết”; chúng ta lại nhớ đến bài thơ “Ông Đồ” của nhà thơ Vũ Đình Liên viết từ thế kỷ trước.
Ông Đồ


Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua.

Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
“Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay”.

Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thấm
Mực đọng trong nghiên sầu…

Ông đồ vẫn ngồi đấy,
Qua đường không ai hay.
Lá vàng rơi trên giấy;
Ngoài giời mưa bụi bay.

Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ,
Hồn ở đâu bây giờ?

                          Vũ Đình Liên

Tết này, anh Trương Quang Được - một người Bạn cũ, có gửi cho tôi bài thơ sau đây cũng về “đề tài” Ông Đồ.
 Đối với tôi,  Bài thơ như một lời tâm sự sâu sắc và là “món quà Tết” quý của người Bạn gửi tặng nhân dịp Tết đến, Xuân về.
Nhân dịp này, xin giới thiệu để Làng cùng thưởng thức và chia sẻ.

Ông Đồ với vó ngựa hay
                                Kim Bồng Miêu (TQĐ)

Đông tàn rét đậm như dao cắt,
Xuân sang vó ngựa chắc từng roi,
Ngọn bút hiện hình nhân tâm đắc
Ông Đồ châm mực bỗng lệ rơi …

Nước biết giữ nguồn, cây giữ cội
Màu xanh hy vọng lại đâm chồi,
Hạt giống nảy mầm mang tính trội,
Cây đời hoa trái đẹp sinh sôi!...

Mã đáo thành công mỗi tháng ngày,
Ông đồ luyện bút chẳng ngừng tay,
Ước bao nhiêu ngựa về tới đích
Đặng thế gian bình chọn ngựa hay?

Mã hồi bao bận nào ai thấy
Giọt lệ trong nghiên lúc vơi đầy,
Ngựa  hay roi phép là đúng sách
Ông Đồ trầm tĩnh vẫn ngồi đây…
                              (Xuân Giáp Ngọ - 2014)
 

8 nhận xét:

  1. Thơ về Ông đồ dịp Tết này ở Văn Miếu HN (thơ đăng trên mạng)
    Ngày xưa hoa đào nở
    Phố ông đồ xôn xao
    Đã lâu hoa đào nở
    Không có ông đồ nào
    Năm nay hoa đào nở
    Lắm ông đồ làm sao?
    Mình muốn mua mấy chữ
    Không biết... mua ông nào?
    Bây giờ chữ là... HÀO
    Lắm ông đồ làm sao?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trong xã hội ngày nay ở mọi lĩnh vực "thật dởm" lẫn lộn, không biết đâu mà lần.
      Ra Văn miếu ngày Tết, nhìn các ông đồ cũng khó phân biệt; Ông nào cũng khăn xêp, áo the, mực tàu, giấy đỏ....Nhưng nhiều ông chẳng hiểu hết nghĩa của câu đối, hoặc con chữ mình viết ra. So với mấy ông đồ như các cụ Thế Long, Đồng kim Minh... làng Cu Lờ thì họ còn kém xa vài...."cái đầu".

      Xóa
  2. Bài thơ của anh TQĐ rất hay anh ạ...có những tâm tư thời cuộc...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhiều bài thơ của anh TQĐ có những "tâm tư thời cuộc" na ná như của chúng ta.TG ạ.

      Xóa
  3. Bài thơ Ông đồ của Vũ Đình Liên mang âm hưởng hoài cổ là bài thơ có sức sống lâu dài. Không ai nghi ngờ về nội dung tư tưởng và giá trị nghệ thuật . Bài "Ông Đồ với vó ngựa hay" nói chuyên ông đồ với bút lông mực tầu nhưng lại gợi mở chuyện thời cuộc . Nhà chính trị làm thơ cũng có cái nhìn "vĩ mô" khác thường !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mình nhất trí với nhận xét trên. Anh T.Q.Được sau khi học ĐHBK ngành Chế tạo máy (cùng 1 khoa với Hoàng Đức Nghi) ở Kharkov, về làm CB Kỹ thuật tại 1 nhà máy ở HP; sau mới trưởng thành dần trở thành "Nhà chính trị" và có làm thơ.
      "Vi mô" rồi lại "Vĩ mô"
      "Nhà chính trị" viết bài thơ "ÔNG ĐỒ...."
      Tâm tư gửi trọn vào thơ
      Buồn vui, hy vọng, đợi chờ.... . Còn đây.

      Xóa
  4. Tết xưa ai cũng nhớ ông đồ,,
    Đến xin cái chữ mừng năm mới.
    Đem đến niềm vui tới mọi nhà,
    Ông đồ nay viết mà lòng khóc
    Buồn cho thế sự của nước nhà...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng như Ban DH viết
      "Ông Đồ nay viết mà lòng khóc
      Buồn cho thế sụ của nước nhà"
      Bài thơ: "Ông Đồ với vó ngựa hay" nhiều "tâm tư thời cuộc" như ST nhận xét ở trên ; nhưng không bi quan, vẫn bền bỉ "Ông Đồ luyện bút chẳng ngừng tay".... Và như 4 câu thơ ở khổ thơ thứ 2 đã nói rõ.

      Xóa

trantrunghai@gmail.com